Báo Hàn: SK Group có thể bán một số tài sản ở Việt Nam, Malaysia để "trữ vốn" khi suy thoái kinh tế
Theo số liệu của tờ báo này, SK South East Asia Investment đang nắm 6,1% cổ phần của Vingroup, 9,5% cổ phần của Masan Group, 4,5% cổ phần của Pharmacity, 54% cổ phần của Imexpharm, 16,3% cổ phần của Wincommerce và 4,9% cổ phần của The CrownX Corp.
Tờ The Korea Economic Daily đưa tin, SK Group có thể bán một số tài sản ở Việt Nam, Malaysia để thu về hàng tỷ đô la. Trong khi tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, SK Group kỳ vọng thông qua việc bán tài sản để lấy tiền về trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Theo nguồn tin thân cận, các khoản tài sản được bán thuộc sở hữu của công ty đầu tư SK South East Asia Investment. Việc dự kiến bán tài sản xảy ra vào thời điểm các công ty lớn của Hàn Quốc đang tích trữ tiền mặt, hạn chế đầu tư mạnh vào các dự án mới khi triển vọng kinh doanh năm tới khá ảm đạm.
The Korea Economic Daily đưa ra số liệu về tỷ lệ sở hữu hiện tại của SK South East Asia Investment như sau: Nắm giữ 6,1% cổ phần của Vingroup JSC (mã chứng khoán VIC), 9,5% cổ phần của Masan Group (MSN), 14,5% cổ phần của chuỗi bán lẻ Pharmacity, 54% cổ phần của Công ty Dược phẩm Imexpharm (mã chứng khoán IMP), 16,3% cổ phần của nhà bán lẻ VinCommerce (nay là Wincommerce), 4,9% cổ phần của The CrownX Corp. và một cổ phần không xác định trong BigPay, một đơn vị fintech của Malaysia's AirAsia Group Bhd.
Theo thống kê của chúng tôi, tỷ lệ sở hữu của các quỹ thành viên SK Investment I, II, III và SK Energy tại các doanh nghiệp Việt Nam như sau:
Một lãnh đạo tại SK cho biết vẫn chưa có quyết định cụ thể nào được đưa ra. Các chi tiết như bán công ty nào và quy mô cổ phần ra sao sẽ được xác định sau.
“SK không gặp khủng hoảng tài chính” - Một nguồn tin trong ngành ngân hàng đầu tư cho biết SK chỉ muốn đảm bảo nguồn vốn để chuẩn bị cho các điều kiện kinh tế ngày càng xấu đi.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2018, SK South East Asia Investment có trụ sở tại Singapore đã dẫn đầu các hoạt động đầu tư của tập đoàn trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau trên khắp Đông Nam Á.
Năm chi nhánh của SK Group bao gồm SK Inc., SK E&S Co., SK Hynix Inc., SK Telecom Co. và SK Innovation Co. – mỗi công ty đã rót 200 triệu đô la vào các loại hình đầu tư với tổng số vốn là 1 tỷ đô la.
SK South East Asia Investment, hợp tác với quỹ hưu trí nhà nước của Hàn Quốc National Pension Service, đã chi tới 3 nghìn tỷ won (2,34 tỷ USD) để mua cổ phần của bảy công ty Việt Nam và Malaysia.
Tháng trước, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won cho biết tại một cuộc họp của công ty rằng sự sống còn hiện tại được ưu tiên hàng đầu so với lợi nhuận và hiệu quả quản lý. Điều đó thúc đẩy giám đốc điều hành các chi nhánh của tập đoàn tích trữ tiền mặt để chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp.
Theo The Korea Economic Daily, nợ vay ròng chưa thanh toán tại SK Inc., công ty mẹ của SK Group, đã tăng vọt lên 10,87 nghìn tỷ won trên cơ sở hợp nhất vào cuối quý 3 từ mức 6,88 nghìn tỷ won vào cuối năm 2018.
Là một phần trong nỗ lực bảo đảm tiền vốn trên toàn tập đoàn, SK On Co., một nhà sản xuất pin, vào giữa tháng 12 đã huy động được 1,32 nghìn tỷ won bằng cách phát hành cổ phiếu ưu đãi hoàn lại (RPS) cho Korea Investment Private Equity và các công ty cổ phần tư nhân (PEF) khác.
Trong khi đó, SK E&S đã huy động được 1,38 nghìn tỷ won thông qua việc phát hành cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi có thể hoàn lại (RCPS) trị giá 735 tỷ won tại Busan City Gas Co. và bán trụ sở chính với giá 633 tỷ won.
Trong năm nay, SK Group được cho là đã “dự trữ” tới 4 nghìn tỷ won trong quỹ khẩn cấp cho đến nay. Nhưng tập đoàn này được biết là đang đầu tư mạnh vào các động cơ tăng trưởng trong tương lai như chất bán dẫn, nguyên liệu thô và trí tuệ nhân tạo.
Một số tiền thu được từ việc bán cổ phần tại các công ty Việt Nam và Malaysia có thể được tái đầu tư vào các công ty đầy triển vọng ở Đông Nam Á, các nguồn tin cho biết.
SK thành lập công ty con SK South East Asia Investment vào tháng 8/2018 với mục đích đầu tư vào các doanh nghiệp phát triển nhanh ở Đông Nam Á. Lý do dẫn đến quyết định đầu tư vào thị trường nước ngoài của SK là rủi ro khi mô hình kinh doanh quá tập trung vào thị trường Hàn Quốc. Mặc dù là chaebol lớn thứ ba Hàn Quốc, hầu hết hoạt động kinh doanh của SK như hóa dầu, viễn thông dựa cả vào thị trường nội địa.
Hoạt động đầu tư của SK tại Việt Nam cũng bắt đầu từ năm 2018 này với khoản đầu tư 480 triệu USD để mua cổ phần của Masan Group. Năm 2019, SK đầu tư 1 tỷ USD vào Vingroup.
Kể từ thời điểm bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, giới quan sát nhận thấy tập đoàn này đầu tư vào một số lĩnh vực đang phát triển mạnh như lĩnh vực phân phối bán lẻ, hậu cần và fintech. Nhưng trong năm 2022, SK đầu tư tập trung vào ngành dược phẩm với việc chi thêm hàng ngàn tỷ vào Imexpharm và chính thức lộ diện tại Pharmacity.
Thực tế, kể từ năm 2020, SK Group đã có những sự thay đổi sâu sắc về chiến lược phát triển của tập đoàn. Họ bán các tài sản "không phù hợp" để đẩy mạnh việc chuyển dịch từ các lĩnh vực kinh doanh truyền thống và từng là hàng đầu của mình sang tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng mới như pin xe điện, nhiên liệu hydro, sinh học và chip.