Tái cơ cấu nông nghiệp: Cần thoát khỏi tư duy “tự cung tự cấp”
Đại biểu Quốc hội cho rằng, tư duy sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn mang tính “tự cung tự cấp”, chưa mang tính sản xuất hàng hóa.
Ngày 4/11, thảo luận về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, tư duy sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính “tự cung tự cấp”, chưa mang tính sản xuất hàng hóa và chưa chú ý đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Hướng tới nông nghiệp hàng hóa
Ông Phương thẳng thắn chỉ ra rằng nhiều xã chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới, huy động quá sức dân. Hiện nay có 53/63 tỉnh, thành có nợ đọng xây dựng cơ bản trong việc xây dựng nông thôn mới, trong đó ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng là nợ nhiều nhất.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cần làm tốt công tác tuyên truyền và không đánh đồng về tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vì mỗi vùng miền có đặc điểm, điều kiện khác nhau. Bên cạnh đó, cần đầu tư ở nông thôn để giữ dân ở nông thôn cũng như thu hút người dân ở thành thị về nông thôn. Nếu ở nông thôn nghèo đói thì ai cũng tìm cách để lên thành phố.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chỉ ra thực tế là nhiều người tìm cách cho con cái làm nhà, mua nhà cửa ở Hà Nội, và tình hình nếu không thay đổi sẽ lặp lại.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cho ý kiến: Chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, chủ trương xây dựng nông thôn mới thời gian qua thực hiện thiếu đồng bộ, chủ yếu mới quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội mà nguồn vốn chủ yếu trông chờ vào ngân sách.
Về huy động vốn, ông Bình cho rằng, kết quả xây dựng nông thôn mới thiếu bền vững, chủ yếu đi vay để xây dựng. Đến cuối năm 2016, số nợ phát sinh cho đầu tư xây dựng nông thôn mới của các địa phương đã đến con số 15.000 tỷ đồng.
Theo đại biểu này, lĩnh vực nông nghiệp đang đặt ra nhiều vấn đề quan tâm đó là sản xuất nông nghiệp còn manh mún chưa tạo được giá trị gia tăng, việc ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, nông dân lạm dụng chất hóa học, đặc biệt là phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật làm ra sản phẩm nông nghiệp không an toàn làm thoái hóa đất canh tác, làm ô nhiễm môi trường gây hậu quả lâu dài.
Lấy doanh nghiệp làm chủ lực
Ông Nguyễn Quốc Bình khẳng định, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cần lấy doanh nghiệp làm chủ lực, tái cơ cấu nông nghiệp thực chất là thay đổi tập quán canh tác người dân, chuyển từ lao động thủ công sang lao động quy mô hóa, hiện đại hóa là quan trọng nhất, việc đó người dân không tự làm được một mình nhà nước là bà đỡ cũng không làm thay được, chỉ có một lực lượng làm được đó là doanh nghiệp.
Do đó, ông Bình nhấn mạnh: Cần mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, coi đây là đòn bẩy về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Hà Nội cũng lưu ý, phải tái cơ cấu chính sách nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Mô hình trồng rau hữu cơ đang phát huy hiệu quả tại nhiều địa phương
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Đặng Hoài Tân (đoàn Bình Định) đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện quy hoạch vùng, tạo cơ chế về chính sách về đất đai, tín dụng, thuế và thương mại để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để các hợp tác xã nhất là hợp tác xã nông nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Theo đại biểu này, để tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển tốt hơn, Chính phủ cần xem xét thông qua cơ chế chính sách để nhà tài chính mà ở đây là hệ thống ngân hàng trở thành nhà thứ năm trong mối liên kết, đó là: Nhà nước - nhà khoa học - nhà tài chính - nhà doanh nghiệp - nhà nông./.