480 tỷ USD tiền tái cơ cấu kinh tế qua giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

04/11/2016 08:52 AM | Kinh tế vĩ mô

Chiều ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đăng đàn làm rõ hơn con số 10,5 triệu tỷ (480 tỷ USD) được nhắc đến trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, số tiền 10,5 triệu tỷ đồng được xem là mục tiêu để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 đến 7%. Trong số này, nguồn lực từ ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm từ 2016 – 2020 dự kiến là 2 triệu tỷ đồng.

Để đưa ra được những dữ liệu này, Bộ trưởng đã căn cứ vào Nghị quyết 142 của Quốc hội khoá XIII về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020: tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm được tính trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GDP, hệ số ICOR, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP.

Theo đó để tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7% với hệ số ICOR dự kiến là 5- 5,5% thì cần tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 32 đến 34% GDP, tương ứng 9 - 10 triệu tỷ đồng.

Năm 2016 tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 1,5 triệu tỷ và kế hoạch năm 2017 dự kiến là 1,6 triệu tỷ. “Như vậy, đạt mục tiêu phấn đấu là khoảng 10,5 triệu tỷ là để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn”, Bộ trưởng cho hay.

Ông cũng cho biết thêm kế hoạch tái cơ cấu kinh tế dự kiến cơ cấu lại tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn nhà nước, trong đó có ngân sách nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước, nhất là đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước.

Cụ thể, vốn nhà nước dự kiến sẽ giảm từ 39,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 31% - 34% trong giai đoạn 2016-2020. Còn vốn của khu vực tư nhân trong nước dự kiến sẽ tăng từ 38,3% đến 45%, 48% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Bộ trưởng lưu ý nếu tái cơ cấu kinh tế mà chỉ dựa vào số lượng nguồn lực là chưa đủ. “Điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, mà trước hết là nguồn lực của nhà nước”, ông nhấn mạnh.

Vì vậy, dù huy động thêm nguồn lực là cần thiết nhưng Bộ trưởng cho biết không quá tập trung vào việc huy động mà sẽ cần tập trung hơn vào các giải pháp tái cơ cấu, nâng cao chất lượng hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả của đầu tư.

Thông qua đó, sẽ tạo ra những cơ hội cũng như niềm tin để khu vực tư nhân, khu vực FDI tự tham gia mở rộng đầu tư, làm cho tổng vốn đầu tư tăng lên.

"Nếu chúng ta làm tốt tái cơ cấu thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể còn tăng cao hơn mục tiêu của chúng ta đề ra. Còn nếu chúng ta làm không tốt tái cơ cấu nền kinh tế thì thậm chí mục tiêu thấp hơn cũng sẽ không đạt được", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM