Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước gắn trách nhiệm người đứng đầu
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định xử lý những người thiếu trách nhiệm nếu để kéo dài quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc ngành.
Tại hội nghị “Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2017” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 14/2 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, cổ phần hóa là cơ hội tái sinh cho các doanh nghiệp nhưng đầy thách thức. Bộ trưởng yêu cầu, nguyên tắc cổ phần hóa phải tuân thủ đúng quý trình pháp luật, minh bạch để đảm bảo quyền lợi nhà nước, chống thất thoát, tiêu cực.
Do đó, phải xác định quyết tâm, trách nhiệm người đứng đầu. Song song quá trình tái cơ cấu cũng thúc đẩy quá trình sản xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, trong giai đoạn 2011-2015 và năm 2016, Bộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đạt được kết quả vượt kế hoạch, cơ bản vốn đầu tư nhà nước tiếp tục được bảo toàn và phát triển.
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cổ phần hóa 12 Tổng công ty, công ty trực thuộc Bộ; cổ phần hóa 3/13 doanh nghiệp khoa học công nghệ thuộc các viện, trường. Bộ đang cổ phần hóa 3 doanh nghiệp gồm Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty vật tư nông nghiệp; Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Đặc biệt, hiện đang có 6 doanh nghiệp của Bộ cũng đang triển khai quyết toán vốn nhà nước lần 2. Đó là, Tổng công ty Rau quả, nông sản, Tổng công ty Chè Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Công Ty TNHH nhà nước MTV tư vấn và đầu tư phát triển Rau hoa quả, Công ty Xây dựng và chuyển giao công nghệ thủy lợi, Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương Vetvaco.
Đối với 6 doanh nghiệp này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu rõ, trong tháng 2 phải xử lý dứt điểm những tồn tại, hoàn thành quyết toán vốn nhà nước lần 2 và bàn giao sang công ty cổ phần trong quý I/2017, nếu không sẽ sử dụng biện pháp ngoài hành chính. Những người đại diện vốn nhà nước mà Bộ giao phải chịu trách nhiệm cuối cùng về quyết toán trong đợt 2, không để tình trạng “bỏ của chạy lấy người”.
"Quyết tâm phải xử lý những người thiếu trách nhiệm nếu để kéo dài quá trình cổ phần hóa. Về việc để chậm, Bộ đã có thông báo công khai và kiểm điểm. Thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/2/2017, Bộ chắc chắn siết chặt thời gian về kỷ cương tiến độ. Nếu không hoàn thành sẽ không chỉ xử lý hành chính, những việc vượt quá thẩm quyền của bộ, Bộ sẽ kiến nghị áp dụng xử lý theo pháp luật" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Thực hiện sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo hình thức bán doanh nghiệp, đã đấu giá thành công Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Agrexport Hà Nội (Tổng công ty Rau quả, nông sản) và sẽ hoàn thành việc chuyển giao và bàn giao cho người mua trúng đấu giá trong quý I/2017.
Nhưng còn nhiều đơn vị nhỏ trực thuộc các tổng công ty kinh doanh thua lỗ, vốn đơn vị nhỏ, nên việc chào bán gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như Tổng công ty Cà phê Việt Nam có tới 4 đơn vị trực thuộc đăng ký chào bán 2-3 lần vẫn không bán được.
Sau cổ phần hóa, bên cạnh một số doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả còn có một số doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước tại công ty cổ phần lớn, hoạt động mới chỉ ở mức bảo toàn vốn nhà nước, chưa phát huy được hiệu quả sử dụng vốn. Ở một số doanh nghiệp trong và sau cổ phần hóa, sắp xếp đã bộc lộ và phát sinh những vấn đề cần phải tập trung xử lý và giải quyết như Tổng công ty Chè Việt Nam, Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương Vetvaco, Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc.
Theo ông Phạm Quang Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, trong cổ phần hóa, một trong những yếu tố quyết định chất lượng cổ phần hóa là thu hút được các nhà đầu tư chiến lược. Lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược cũng trong quá trình minh bạch, khách quan và đúng theo các quy định. Nếu trong quá trình cổ phần hóa, các doanh nghiệp chủ động tìm đươc các nhà đầu tư chiến lược có đủ tiềm năng về tài chính, thị trường đặc biệt là quản trị doanh nghiệp sẽ góp phần rất tốt cho doanh nghiệp sau quá trình cổ phần hóa.
Ông Phạm Quang Hiển cho rằng, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, cần tăng cường các biện pháp thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược có năng lực nhằm giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị tư vấn, nhất là tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo xác định đúng, đủ giá trị thực tế của doanh ngiệp cổ phần hóa. Xác định trách nhiệm cá nhân trong việc sắp xếp đổi mới, thoái vốn tại doanh nghiệp; xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp, người đại diện quản lý phần vốn nhà nước không thực hiện nghiêm túc, hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa.
Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đối với Tổng công ty Cà phê Việt Nam (quý III), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (quý IV)./.