Nước Mỹ không bất bình đẳng như người ta tưởng

29/07/2008 14:49 PM |

Nếu tính toán đến tỷ lệ lạm phát cho từng đối tượng người giàu và người nghèo, sự bất bình đẳng về mức tăng thu nhập tại Mỹ có thể bằng không.

Những người theo chủ nghĩa dân túy và các giáo sư hiếm khi đồng nhất quan điểm với nhau. Tuy nhiên có một điều họ nhất trí đó là: sự bất bình đẳng về lương tại Mỹ tăng dần.

Lương của những người thu nhập thấp ngày càng hạ còn những người siêu giàu lại ngày một giàu hơn.

Suốt thập kỷ qua, mức tăng thu nhập chủ yếu tập trung vào nhóm người giàu, lạm phát toàn phần (headline inflation) tăng cao. Sức mua của một bộ phận lớn người dân dường như đã sụt giảm.

Ngày càng nhiều người Mỹ sử dụng đầu DVD, máy rửa bát, điều hòa nhiệt độ và những tiện nghi hiện đại khác của cuộc sống. Như vậy có phải người nghèo đang thật sự nghèo đi?

Theo giáo sư Christian Broda và John Romalis tại đại học Chicago, Mỹ, cách người giàu và người nghèo tiêu tiền không thật sự phản ánh sự bất bình đẳng trong xã hội. Nhu cầu hàng hóa hay dịch vụ của một người không diễn biến giống như tỷ lệ tăng thu nhập của người đó.

Khi anh ta giàu lên, cách tiêu dùng và số tiền chi tiêu của anh ta khác đi. Những người giàu thường tiêu một phần lớn tiền vào dịch vụ, ngoài ra họ tiêu tiền vào những mặt hàng như quần áo, thức ăn, giày dép.

Suốt ba thập kỷ qua, người giàu tiêu ngày càng nhiều tiền hơn vào những loại hàng hóa trên và dịch vụ. Nếu tính toán đến tỷ lệ lạm phát cho từng đối tượng người giàu và người nghèo, sự bất bình đẳng về mức tăng thu nhập có thể bằng không.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng số liệu và thông tin về thói quen tiêu dùng của 12 nhóm thu nhập khác nhau. Số liệu được thu thập bằng việc đặt máy quay tại các cửa hàng, và thống kê những mặt hàng được các nhóm thu nhập khác nhau tiêu dùng, giá cả các loại mặt hàng đó trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến năm 2005.

Tỷ lệ chi tiêu/thu nhập vào những mặt hàng trên của nhóm những người nghèo nhất xã hội tăng 12% so với nhóm người giàu nhất. Bởi giá cả dịch vụ tăng nhanh hơn giá cả hàng hóa trong cùng khoảng thời gian trên, tính ra ảnh hưởng của lạm phát lên nhóm người giàu còn lớn hơn người nghèo.

Cùng một loại mặt hàng, người giàu cũng mua với giá cao hơn người nghèo. Ví dụ như cùng một mặt hàng sữa, người giàu mua với giá cao hơn 25% so với người nghèo. Không phải người giàu chi tiêu dại dột hơn mà vì họ thường mua những mặt hàng có chất lượng tốt hơn. Và giá cả những mặt hàng này thường có xu hướng tăng nhanh hơn.

Năm 1994, những người giàu ở Mỹ kiếm tiền nhiều gấp 10,6 lần những người nghèo. Năm 2005, mức chênh lệch về thu nhập này đã tăng lên 11,2 lần. Theo các tác giả của nghiên cứu, những con số trên chỉ cho thấy người nghèo đã tụt lại ra sao.

Tuy nhiên nghiên cứu đó chưa tính đến tỷ lệ lạm phát khác nhau đối với từng nhóm người. Để khách quan hơn, nên tính đến tỷ lệ lạm phát cho từng nhóm người khác nhau.

Nghiên cứu của những tác giả này cũng cho thấy những người có thu nhập thấp có thói quen tập trung nhiều hơn ở những dãy hàng bán nhiều hàng Trung Quốc.

Việc giá thực phẩm tăng cao gần đây ảnh hưởng nhiều nhất đến người nghèo và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rất có lợi đối với những người Mỹ thu nhập thấp. Như vậy những sự bất công trong thu nhập từ xưa đến nay người ta vẫn nói đến cần phải được xem xét một cách cẩn thận.

Ngọc Diệp
Theo Economist

ngocdiep

Cùng chuyên mục
XEM