Nhóm lợi ích cản bước kinh tế Nhật?

18/06/2013 08:35 AM |

Kế hoạch cải tổ kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe còn “rụt rè” vì ngại các phe nhóm trong nội bộ đảng cầm quyền, nhất là trước kỳ bầu cử Thượng viện tháng 7 này.

Cả trong nước lẫn nước ngoài, những lồng ngực phập phồng chờ tới ngày 5/6, thời điểm Thủ tướng Nhật Shinzo Abe công bố “mũi tên thứ ba” trong kế hoạch “Abenomics” nhắm kéo đất nước khỏi đà suy thoái.

Mỹ tên thứ nhất là cuộc cách mạng tại NHTW Nhật khi tân Thống đốc Haruhiko Kuroda cam kết chấm dứt giảm phát bằng cách bơm tiền ào ạt vào nền kinh tế.

Mũi tên thứ hai là gói kích thích tài khóa trị giá 10,3 nghìn tỷ Yên (116 tỷ USD).

Nhưng cái được mong mỏi nhất là chiến lược tăng trưởng mới, đó mới là thứ đem lại thịnh vượng trong dài hạn. Ấy thế mà khi được công bố, chiến lược này lại khiến không ít người thất vọng vì cái sự tủn mủn của nó.

"... chiến lược này khiến không ít người thất vọng vì cái sự tủn mủn của nó."

Để soạn thảo chiến lược này, TTg Abe đã thành lập một loạt ủy ban cải cách, đáng chú ý nhất là Trụ sở Phục hồi kinh tế Nhật Bản trong nội bộ Đảng Dân chủ Tự do (LDP), và Ủy ban Khả năng cạnh tranh ngành (ICC).

Ông mời vào ủy ban doanh nhân, kinh tế gia và những người chủ trương cải cách như Heizo Takenaka, người từng là cánh tay phải của cựu TTg Junichiro Koizumi. TTg Koizumi từng nổi tiếng với trận chiến quyết liệt nhằm tư nhân hóa ngành bưu chính.

“Em vẫn mong chờ …”

Lĩnh vực được trông đợi nhiều cải cách nhất là thị trường lao động. Trừ phi đóng cửa, doanh nghiệp không được phép đuổi việc nhân viên.

Thế chưa chắc đã hay, hồi đầu năm Bộ Lao động vừa tiến hành điều tra một hiện tượng buồn mang tên oidashi-beya, hay “phòng lưu đày”. Một số công ty nổi tiếng đưa hàng trăm nhân viên vào các phòng đặc biệt rồi để họ ngồi không cả ngày.

Chính thức mà nói, các phòng này dùng để tái đào tạo nhân viên cho nhiệm vụ mới, nhưng mục đích chính là buộc nhân viên tự nghỉ.

"Trừ phi đóng cửa, doanh nghiệp không được phép đuổi việc nhân viên."

Phần lớn các công ty cứ phải chịu đựng cảnh dư thừa nhân viên, làm chi phí tăng cao và họ không muốn tuyển thêm người trẻ hay tăng lương. Kết quả là lương bổng trì trệ và giảm phát tiếp diễn.

Phe cải cách cho rằng nên để doanh nghiệp đuổi việc nhân viên, nhưng có trợ cấp thất nghiệp.

Một “cục xương” nữa là nông nghiệp. Ngành này đang rất cần cải cách vì Nhật sẽ bắt đầu đàm phán hiệp định thương mại tự do Xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ tháng 7 này. Phần lớn nông dân đang canh tác trên những thửa ruộng nhỏ, làm như chơi, và không có khả năng cạnh tranh.

Các doanh nhân trong ICC nói nên để họ mua đất nông nghiệp. Bây giờ, họ chỉ được thuê, mà quy định rất phức tạp.

Để xóa sổ doanh nghiệp thua lỗ, ủy ban của LDP kêu gọi cải tổ lề thói quản trị doanh nghiệp nổi tiếng tồi tệ ở Nhật, đặc biệt, nên có luật buộc công ty phải có thành viên hội đồng quản trị độc lập.

“… sao chẳng thấy anh?”

Kế hoạch cải cách mới công bố quá dè dặt. Thực tế thì phần lớn các ý tưởng đột phá của ICC đều không được đưa vào bản tuyên bố ngày 5/6.

Cũng có một số biện pháp hữu dụng như dỡ bỏ lệnh cấm bán thuốc trên mạng, nhưng trung tâm trong kế hoạch này là hàng loạt các khu ưu đãi thuế quan trên cả nước. Theo lời Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari, đây sẽ là động lực mới cho nền kinh tế.

Vài chính phủ tiền nhiệm đã thử thành lập các khu kinh tế kiểu này, và cũng có một số thành công nhất định như ngành robot hưởng lợi nhờ được thử nghiệm robot mới tại một khu chuyên biệt.

"... phần lớn các ý tưởng đột phá của ICC đều không được đưa vào bản tuyên bố ngày 5/6."

Nhưng dưới thời Đảng Dân chủ cầm quyền 2009-12, hàng loạt các khu kinh tế dạng này chẳng đi đến đâu.

Trên các vấn đề then chốt với thị trường lao động, y tế, nông nghiệp hay giải điều tiết nói chung, chẳng có mấy biến chuyển.

Thay vì đổi luật đuổi việc, chiến lược của chính phủ lại tạo ra một loại hợp đồng lao động mới. Chủ tịch Orix Corp Yoshihiko Miyauchi nói bà “rất thất vọng”.

Trừ một cơ quan mới chuyên mua lại đất nông nghiệp và cho doanh nghiệp thuê, chính sách nông nghiệp nhìn chung giữ nguyên.

Keidanren, nhóm lobby hùng mạnh của các tập đoàn lớn đồng thời cũng là nhà tài trợ lớn của LDP, chỉ mang tư duy cải cách nửa mùa. Họ ủng hộ tự do hóa thị trường lao động nhưng lại chống đối việc tăng cường giám sát các công ty thành viên.

Bộ trưởng Amari nói chính phủ đã phải đấu tranh với từng điều khoản. Ví dụ, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nhật đã tới gặp ông để phản đối cho bán thuốc qua mạng, nhưng việc này vẫn được thông qua. Giới bác sỹ phản đối kịch liệt.

Người trong cuộc nói nội bộ đảng đã gây sức ép mạnh mẽ để TTg Abe không cải cách quá mạnh tay trước kỳ bầu cử Thượng viên then chốt trong tháng 7 tới. LDP từ lâu vẫn dựa vào các nhóm lợi ích như nông dân, bác sỹ và doanh nhân.

" LDP từ lâu vẫn dựa vào các nhóm lợi ích như nông dân, bác sỹ và doanh nhân."

Vì các đối thủ chính trị khá yếu, nên Đảng đáng lẽ đã thông báo những cải cách mạnh tay hơn. Nhưng cuối cùng họ quyết không liều lĩnh trước kỳ bầu cử vì không muốn phụ thuộc vào tâm lý công chúng.

Tới giữa tháng 5, cổ phiếu tăng gần gấp đối trong vòng 6 tháng trong cơn say Abenomics, đặc biệt là nhờ kỳ vọng vào cải cách. Từ bấy đến nay, thị trường đã rớt hơn 20%. Có lẽ vì thế mà chính phủ vừa hứa sẽ giảm thuế cho doanh nghiệp.

Những người giúp thảo kế hoạch tăng trưởng kể trên nói TTg Abe và nội các của ông sẽ mạnh tay hơn một khi LDP dành quyền kiểm soát Thượng viện trong tháng tới như kỳ vọng.

Một bước đi quan trọng là cải tổ nội các dự kiến vào tháng 9 tới. Nội các hiện tại của TTg Abe gồm nhiều Bộ trưởng được chọn do đã ủng hộ ông Abe trong kỳ tranh cử chức lãnh đạo đảng hồi năm ngoái.

Minh Tuấn

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM