Druckenmiller: “Nhóm lợi ích” nguy hiểm nhất là các cụ hưu

04/03/2013 11:02 AM |

“Tôi không chống lại các cụ hưu. Cái tôi chống lại là các cự hưu hiện tại lấy trộm tiền của các cụ hưu sau này.”

Druckenmiller nói chi phí khổng lồ của các chương trình An sinh xã hội, Medicare và Medicaid với nghĩa vụ nợ chưa có nguồn thanh toán (unfunded liabilities) lên tới 211 nghìn tỷ USD sẽ làm phá sản thế hệ trẻ.

“Mọi người chỉ biết tới hiện tại, nhưng có một cơn bão lớn hơn rất, rất nhiều đang đổ bộ,” Druckenmiller nói. “Tôi không chống lại các cụ hưu. Cái tôi chống lại là các cự hưu hiện tại lấy trộm tiền của các cụ hưu sau này.”

Druckenmiller nói chi tiêu không bền vững rút cục sẽ gây ra một khủng hoảng tài chính tồi tệ hơn cả hồi năm 2008.

Vấn đề thực sự ở đây là chi phí cho các chương trình cho người cao tuổi đã tăng phi mã suốt hai thập kỷ qua, ngay cả trước khi thế hệ baby boomer (bùng nổ trẻ sơ sinh) bắt đầu bước sang tuổi 65.

Stanley Druckenmiller từng hơn một thâp niên là chiến lược gia trưởng của tỷ phú George Soros. Suốt 24 năm từ 1986 đến 2010, ông đầu tư chưa một năm thua lỗ và có lợi suất trung bình 30%/ năm. Druckenmiller nổi tiếng nhất với vụ “phá tan NHTW Anh” và kiếm hơn 1 tỷ USD lợi nhuận sau một đêm năm 1992.

Hành lang là của các cụ

Năm 2011, An sinh xã hội, Medicaid và Medicare chiếm 44% trong số 3,7 nghìn tỷ chi ngân sách, tăng từ mức 34% năm 1990.

“Các cự hưu có lực lượng vận động hành lang rất, rất quyền lực,” Druckenmiller nói. “Họ sẽ duy trì ngày càng nhiều trợ cấp” lấy nguồn từ đánh thuế thế hệ trẻ.

“Hiệp hội người nghĩ hưu Hoa Kỳ (AARP) ở tuyến đầu trong cuộc đối thoại cấp quốc gia với hơn 6 triệu người Mỹ về khả năng tăng cường An sinh xã hội và Medicare, và cuối cùng là ổn định về sức khỏe và thu nhập cho người nghỉ hưu,” Giám đốc Chính sách lập pháp David Certner của AARP, cơ quan vận động hành lang cho người cao tuổi với hơn 37 triệu thành viên, nói.

“Người Mỹ cao tuổi hiểu những chương trình này quan trọng tới đâu và họ muốn đảm bảo đủ khỏe mạnh, vì con, vì cháu.”

Ở Mỹ có 40 triệu người trên 65 tuổi. Đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 55 triệu người.

Lên tiếng

Khi số người cao tuổi tăng lên, số người đang lao động để đóng góp vào quỹ An sinh xã hội sẽ giảm xuống.

Đến năm 2030, cứ 2 người lao động lại có một người nghỉ hưu, giảm từ con số 3,4 năm 2000. Nếu một đứa bé 3 tuổi bị đánh thuế y như người lao động hiện nay, sau này cháu sẽ chỉ nhận được một nửa số phúc lợi mà các cụ hưu đang được hưởng.

Dù ngại xuất hiện trước báo giới, nhưng Druckenmiller nói ông chọn lên tiếng về vấn đề này vì ông cảm thấy trước khủng hoảng tài chính mình đã làm chưa đủ [để cảnh báo xã hội-ND].

Ngay từ năm 2005, ông đã dự báo được cuộc khủng hoảng sắp tới trên thị trường bất động sản và tác động của nó đối với các ngân hàng “đang bảo đảm cho những công cụ tài chính ngu ngốc,” ông nói.

Druckenmiller gặp vài quan chức và nghị sỹ và còn phát biểu tại Hội nghị nghiên cứu đầu tư Ira W. Sohn tại New York.

Tiền rơi tiền rớt

“Tôi có tới 30 đồ thị tranh ảnh màu sắc đủ cả, bày ra trước mắt họ để chứng minh cơn bão sắp đổ bộ vào nền kinh tế Mỹ, hệ thống tài chính Mỹ lớn đến nhường nào,” Druckenmiller nói.

Ngày nay, ông thấy số nghĩa vụ nợ chưa có nguồn thanh toán của chính phủ còn đáng lo ngại hơn. Ông còn bày tỏ nghi ngại trước cái mà ông gọi là “chính sách tiền tệ từ trên xuống“ (trickle-down monetary policy).

Quyết định duy trì lãi suất gần mức 0 và mua 85 tỷ USD tài sản mỗi tháng của FED nhằm đẩy cả thị trường chứng khoán đi lên, với hy vọng người giàu sẽ tiêu bớt số lãi họ kiếm được, và tiền sẽ rơi rớt xuống cho những người khác.

Dù cổ phiếu có tiếp tục tăng một thời gian nữa vì doanh nghiệp mua lại cổ phiếu và nhà đầu tư nhỏ lẻ quay lại thị trường, nhưng đà tăng ấy sẽ không duy trì mãi, Druckenmiller chia sẻ.

Thị trường tăng điểm không bền

“Khả năng thị trường tăng điểm như hồi năm 1982 không cao, vì chúng ta đang đối mặt với quá nhiều vấn đề, từ đòn bẩy quá cao đến vay nợ quá nhiều,” ông nói. “Tôi không biết khi nào chuyện đó mới được phản ánh vào giá cổ phiếu, nhưng nó sẽ xảy đến.”

Druckenmiller gợi ý tăng tuổi hưởng An sinh xã hội, điều chỉnh cơ cấu phúc lợi cho người giàu, và dỡ bỏ những điểm không khuyến khích người ta lao động vào cuối đời.

Ông còn đề nghị tăng thuế tiêu dùng liên bang, vì các cụ hưu cũng tiêu thụ chẳng kém gì giới thanh niên 20-30 tuổi, nhưng lại đóng thuế thu nhập ít hơn.

Một cách điều chuyển gánh nặng thuế khác là đánh thuế cổ tức và thu nhập từ đầu tư vốn, vì người nghỉ hưu thường dựa nhiều vào các loại thu nhập này.

Khai tâm mở trí

Druckenmiller nêu ý kiến nên chấm dứt ưu đãi thuế với nhà quản lý các quỹ đầu cơ, quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư vốn tư nhân.

“Carried interest” (tạm dịch, “lợi tức tích lũy”), khoản thu nhập chính của các nhà quản lý quỹ này, được coi như lãi thu về từ các vụ đầu tư thành công và đánh thuế như thu nhập từ đầu tư vốn (thuế suất 10%) thay vì thu nhập thông thưởng (biểu thuế lũy tiến, thuế suất lên tới 35%).

“Cái thứ đó nên biến mất từ lâu rồi.”

Druckenmiller nói tiếp theo ông sẽ trực tiếp nói chuyện với các bạn trẻ, gồm cả ở trường cũ Bowdoin College.

“Cứ nhìn những thanh niên đang ám ảnh vì vấn đề môi trường ấy thì biết. Họ đã biết nghĩ tới hậu quả những gì chúng ta đang làm trong vòng 50-60 năm tới.” Druckenmiller hiện đang là thành viên ban điều hảnh Quỹ Phòng vệ môi trường

Mục tiêu của ông là giúp họ có cái nhìn dài hơi hơn về tương lai kinh tế của chính mình.

“Sau khi được khai tâm mở trí, 40 triệu thanh niên sẽ hành quân tới Washington.”

Minh Tuấn

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM