Đến thời của các kinh tế gia bảo thủ

19/12/2010 08:31 AM |

Họ hứa giảm thâm hụt ngân sách, tiếp tục giảm thuế, kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng lờ đi việc sẽ làm điều đó thế nào.

Việc Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện làm nức lòng các học giả và nghiên cứu viên có quan điểm về thuế, luật định và quy mô hợp lý của chính phủ từng bị phới lờ sau khi Đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện năm 2006 và Nhà Trắng hai năm sau đó.

Tại Viện Cato theo trường phái tự do, người tham dự kéo tới chật cứng cuộc hội thảo kéo dài một ngày về chính sách tiền tệ của FED, dù họ chỉ được đứng.

Học giả từ Viện Hoover (ĐH Stanford) theo trường phái bảo thủ đột ngột được cánh phóng viên và trợ lý cho các nghị sỹ săn đón.

Chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà TT Obama đã gọi là thất bại nặng nề của đảng mình, Viện Doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute) theo định hướng thị trường tự do, nguồn tư vấn chính sách lớn của Đảng Cộng hòa, tổ chức một cuộc tranh luận dài nửa ngày về việc đảo ngược cải cách chăm sóc y tế và giảm quy mô chính phủ.

Các nhà kinh tế bảo thủ đột ngột tích cực hoạt động không phải là để chào mừng thắng lợi.

Đảng Dân chủ vẫn kiểm soát Thượng viện và Nhà trắng, các dự luật do Hạ viện Cộng hòa đề xuất chỉ có tính biểu tượng và gây khó chịu đối với TT Obama chứ khó có thể là các lựa chọn chính sách nghiêm túc.

Nhưng sự chuyển biến trong giới trí thức dường như rất lớn và có thể làm xoay chuyển cuộc tranh luận về các vấn đề từ thương mại tới điều tiết tài chính vốn không phải luôn có được sự đồng thuận giữa hai phái.

“Dù cho hai năm tới không có được kết quả gì về thuế hay các vấn đề khác, chúng ta vẫn sẽ thấy một cuộc tranh luận mở đầy quyết liệt tại Quốc hội về chính sách kinh tế, một bước chuyển so với sự thủ cựu mà tự cao của chính quyền Obama,” Phillip L. Swagel, người từng là Trợ lý Bộ trưởng Tài chính về chính sách kinh tế từ năm 2006 đến năm 2009 dưới thời TT Bush, nói.

Dân biểuJohn A. Boehnertừ Ohio, người sắp nhậm chức Chủ tịch Hạ viện, đã thành lập một nhóm các cố vấn kinh tế sẽ sớm thu hút nhiều sự chú ý trong vài tháng tới.

Các thành viên chủ chốt của nhóm này bao gồm:

- Allan H.Meltzer, GS ĐH Carnegie Mellon và nhà sử học hàng đầu về FED. Ông từng phê phán dữ dội chính sách tiền tệ của FED dưới thời Chủ tịch Ben S. Bernanke.

- Douglas Holtz-Eakin, cựu Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội. Ông là thành viên của ủy ban điều tra nguyên nhân khủng hoảng tài chính 2008 sẽ công bố báo cáo vào tháng 1 tới.

- Lawrence B.Lindsey, cựu thành viên Hội đồng Thống đốc FED thời chính quyền Bush. Ông từng giúp soạn thảo các kế hoạch cắt giảm thuế 2001 và 2003, các điều khoản chủ yếu của các chương trình này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay trừ phi được Quốc hội kéo dài thêm

- Kevin A. Hassett, chuyên gia chính sách thuế, cựu nghiên cứu viên tại FED. Ông đang chỉ đạo nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ và giống như ông Holtz-Eakin, từng tư vấn cho TNS Cộng hòa John McCain trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2008.

- Donald B. Marron Jr., người đang điều hành Trung tâm Chính sách Thuế, kết quả của sự hợp tác giữa Viện Đô thị (Urban Institute) và Viện Brookings, từng là cố vấn cho TT Bush.

Bất chấp danh tiếng của các cố vấn trên, Dân biểu Boehner vẫn chưa đưa ra được chương trình kinh tế cụ thể của Đảng Cộng hòa.

Thực tế, “Lời thề với nước Mỹ”, văn kiện chính sách được Hạ viện Cộng hòa công bố hồi tháng 9, chịu nhiều chỉ trích vì tính mù mờ của nó; tránh phần lớn các đề xuất cụ thể có thể làm mếch lòng cử tri.

Văn kiện trên kêu gọi cấm tăng thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và giảm điều tiết từ chính phủ.

Tuy vậy, như nhiều nhà phân tích phi đảng phái đã chỉ ra, các đề xuất giảm thâm hụt ngân sách trong đó (hủy bỏ nguồn ngân sách kích thích kinh tế chưa chi, chính phủ ngừng kiểm soát các công ty cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac, hạn chế chi tiêu không thiết yếu mới và loại bỏ các chương trình lãng phí) chưa đủ để đưa nước Mỹ trở lại với một ngân sách bền vững.

“Tôi không thấy một giải pháp toàn diện nào từ gói chính sách của Đảng Cộng hòa,” Murray L. Weidenbaum nói. Ông từng là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng trong hai năm đầu thời Reagan.

“Tôi đọc chương trình nghị sự đó rồi. Được cái tranh ảnh rất đẹp. Chỗ tôi thích nhất là cái ảnh anh cao bồi tung dây thừng trên lưng ngựa.” (Tấm ảnh ở trang 19 trong văn kiện dài 48 trang.)

Tương tự, ông Hassett nói “Lời thề với nước Mỹ” không có đủ các chi tiết về cắt giảm chi tiêu.

Ông cũng nói phe Cộng hòa nên tập trung nỗ lực cải cách hệ thống thuế, bao gồm cả hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thay vì cố duy trì chương trình cắt giảm thuế từ thời Bush.

“Chương trình cắt giảm thuế thời Bush đã trở thành tâm điểm của mọi tranh luận về thuế,” ông nói. “Luật thuế cần được tu chỉnh và chúng ta không nên bị ám ảnh bởi những thứ của ngày hôm qua.”

Điều cả giới kinh tế và các nhà làm luật cùng đồng tình là việc nhấn mạnh vào cắt giảm thuế và điều tiết để kích thích tăng trưởng, thay vì tiếp tục chi tiêu giống như các nỗ lực kích thích của chính quyền Obama.

“Tôi nghĩ gói kích thích không có tác dụng, không phải vì nó quá nhỏ mà vì nó được thiết kế quá thiếu thận trong,” ông Hassett nói.

Ông Meltzer kêu gọi thắt chặt chứ không phải mở rộng ngân sách.

“Rõ ràng phải có cắt giảm ngân sách toàn diện bao gồm cả các chương trình Medicare và Medicaid,” ông Meltzer nói. “Tôi cũng nghĩ điều tốt nhất Chính phủ và Quốc hội có thể làm để kinh tế hồi phục nhanh hơn là ngừng thi hành các quy định mới.”

Ông Meltzer nói ông tin rủi ro về thuế và điều tiết là yếu tố lớn nhất cản trở doanh nghiệp đầu tư. Phòng Thương mại Mỹ, tổ chức vận động hành lang từng mạnh tay chi tiền để đánh bại phe Dân chủ, cũng đưa ra ý kiến tương tự.

Tony Fratto, phát ngôn viên của Bộ Tài chính và Nhà Trắng thời Bush và nay là chiến lược gia tập trung vào các vấn đề kinh tế và điều tiết, nói các nhà làm luật Cộng hòa đang tìm kiếm những lời khuyên thiết thực.

Tình hình hiện nay không giống với khi phe Cộng hòa kiểm soát Quốc hội năm 1994 “với cả niềm tin và hy vọng,” ông nói.

“Họ chỉ thực dụng hơn nhiều mà thôi,” ông nói. “Hạ viện Cộng hòa có thể chiến đấu bằng ngôn từ, nhưng họ không hề ảo tưởng rằng những gì được Hạ viện thông qua cũng sẽ qua được cửa Thượng viện hay ải Nhà Trắng.”

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

Cùng chuyên mục
XEM