Câu chuyện về một nền kinh tế Đông Âu bên "bờ vực" phá sản

04/03/2009 10:26 AM |

Cho đến gần đây, Latvia vẫn được coi là câu chuyện kinh tế thành công điển hình. Mọi chuyện đã đảo ngược.

Linards Naglis cho biết anh liên tục mất ngủ. Suốt 15 năm qua, anh là một quản lý dự án giỏi cho một tập đoàn lớn của phương Tây, tập đoàn này sử dụng đất cho các dự án phát triển bất động sản. Tập đoàn anh hiện gặp rất nhiều khó khăn.

 

Và nay, thay vì đến đưa gia đình đến Florida nghỉ hè, anh lo lắng rất nhiều về những hoá đơn tiền điện, tiền nước và nhiều loại hoá đơn cho cuộc sống gia đình hàng ngày khác.

 

Tiền tiết kiệm của anh, trước đây được đầu tư vào bất động sản tại Florida nay đã trở về con số không:”Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi có thể ở trong tình huống như thế này. Tôi không có ý định trở thành triệu phú nhưng tôi muốn có một cuộc sống dễ chịu. Và nay tôi thật sự vẫn không hiểu điều gì sẽ xảy ra.”

 

Câu chuyện của anh Naglis xét trên nhiều phương diện là đại diện cho cả đất nước Latvia. Xét đến những nước chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, không một nước nào chịu ảnh hưởng tệ hại như Latvia.

 

Kinh tế của đất nước vùng Baltic này quý 4/2008 suy giảm 10,5% so với 1 năm trước. Theo nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, kinh tế Latvia sẽ tiếp tục đi xuống 12% trong năm 2009.

 

Dù Latvia đã nhận được 7,5 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong tháng 12/2008, nước này vẫn buộc phải đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế tăng trưởng mạnh tay, mức lương của khu vực kinh tế công giảm 15%.

 

Kinh tế Latvia như vậy đã rẽ sang một con đường hoàn toàn mới sau khi trở thành điển hình thành công kinh tế. Tại thủ đô Riga của Latvia, thành tựu của tăng trưởng kinh tế vẫn còn nguyên.

 

Thành phố hút rất nhiều khách du lịch phương Tây. Thành phố trở nên hết sức sôi động với những cửa hàng mua sắm, tiệm café, và nhà hàng sang trọng. Chi nhánh các ngân hàng lớn mọc lên ở khắp nơi.

 

Tuy nhiên những dấu hiệu phồn vinh trên chỉ là vẻ bên ngoài. Tháng 1/2009, những khu phố cổ của Riga, dù không ai mong muốn, đã trở thành nơi diễn ra nhiều cuộc ẩu đả giữa thanh niên và cảnh sát sau khi cuộc biểu tình trước đó với quy mô 10 nghìn người diễn biến xấu đi.

 

Bất ổn chính trị tại nước này lên đến cực điểm với sự từ chức của chính phủ liên minh. Tổng thống mới của Latvia, ông Valdis Dombrovskis đã thừa nhận Latvia đang bên bờ vực phá sản, ông hối thúc chính phủ nước này chấp thuận gói giải cứu được bảo trợ bởi IMF nếu không sẽ phải chịu khó khăn về tài chính.

 

Tác động từ thị trường nhà đất đến nền kinh tế

 

Vậy trên thực tế điều gì đã xảy ra? Khi suy thoái kinh tế toàn cầu tệ hại hơn, Latvia, một đất nước nhỏ bé và có nền kinh tế cởi mở, chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi xuất khẩu suy giảm.

 

Những vấn đề của nước này càng trầm trọng hơn bởi đồng nội tệ neo vào đồng euro, đây là mấu chốt cho thấy chính sách kinh tế của nước này có một số vấn đề. Tuy nhiên nguồn gốc của vấn đề có gốc rễ từ cách đây nhiều năm.

 

Đó là câu chuyện của thị trường nhà đất tăng trưởng quá nóng do tín dụng lỏng lẻo, cho vay quá tay và các nhà hoạch định chính sách tự mãn.

 

Ông Aleksis Karlsons, chủ tịch một tập đoàn bất động sản và khách sạn tại Riga, nhận xét:”Bản thân thị trường địa ốc không có lỗi. Một người sở hữu khoảng 2 căn hộ, như vậy người đó giàu. Người ta nghĩ rằng người ta có thể giàu có mà chẳng cần phải làm gì cả. Vào thời điểm đỉnh cao, giá căn họ tại Riga lên tới 2 nghìn bảng/mét vuông. Từ đó đến nay, giá nhà đất hạ hơn 50%.” (2 nghìn bảng tương đương khoảng 54 triệu đồng)

 

Cả người dân và chính phủ Latvia đều phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề trong thị trường nhà đất nước này.

 

Nếu người dân Latvia có thể phần nào được thông cảm bởi họ khờ khạo, chính phủ phải chịu trách nhiệm lớn hơn bởi họ đã không làm bong bóng nhà đất hạ nhiệt khi họ có thể.

 

Chuyên gia kinh tế trưởng Peteris Strautins của ngân hàng Swedbank ở Riga nhận xét:”Chính phủ đã không làm gì để ngăn sự bùng nổ của thị trường nhà đất.”

 

Vào thời kỳ đỉnh cao của thị trường nhà đất, kinh tế Latvia tăng trưởng 11%, Latvia lúc đó cũng bị thâm hụt ngân sách. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Latvia lên tới 25% GDP năm 2007.

 

Vấn đề tại Latvia trầm trọng hơn so với các nước láng giềng như Lithuania và Estonia bởi nước này đã tự do hoá hệ thống tài chính và mở cửa nền kinh tế đón vốn và đầu tư nước ngoài.

 

Ông Jerry Wirth, chủ tịch của tập đoàn bất động sản RBM tại Riga:”Khả năng được gia nhập vào Liên minh châu Âu và sử dụng đồng tiền chung châu Âu trước đây đã là một lực hút đối với nhiều nhà đầu tư và các ngân hàng đổ xô vào thị trường nhà đất Latvia.”

 

Thay đổi đáng buồn của kinh tế Trung và Đông Âu

 

Những vấn đề kinh tế trên không chỉ của riêng Latvia. Xét trên phương diện lớn hơn, tất cả những nước Trung và Đông Âu hiện đang gặp phải nhiều vấn đề sau nhiều năm tăng trưởng mạnh nhờ nguồn tín dụng dồi dào của các ngân hàng phương Tây.

 

Ông Erik Berglof, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng tái thiết và phát triển tại London, nhận xét:”Mô hình hiện nay không có gì sai. Vấn đề là mô hình đó thiếu một cấu trúc tốt.”

 

Ông nhận xét đến điều này là muốn nói tới việc thiếu kiểm soát đối với dòng chảy tín dụng và bong bóng giá tài sản. Ông nhận định ở thời điểm hiện nay hỗ trợ từ phía quốc tế là thật sự cần thiết để giải quyết khủng hoảng đối với cả khu vực.

 

Điều này gần đây đã trở thành tâm điểm trong các cuộc bàn thảo của các nhà lãnh đạo nền kinh tế châu Âu. Căng thẳng kinh tế khu vực Đông Âu ngày một trầm trọng và đã gây tác động lên các nền kinh tế Tây Âu.

 

Tuy nhiên từ việc nhận ra ảnh hưởng dây chuyền này đến việc đưa ra hành động cụ thể còn là con đường xa. Lãnh đạo các nền kinh tế Đông Âu đã hết sức ngạc nhiên khi mới đây chính phủ Đức đã từ chối kêu gọi hỗ trợ từ một số nền kinh tế Đông Âu.

 

Vẫn còn nhiều hỗ trợ khác cho Đông Âu. Tháng 2/2009, bộ trưởng tài chính các nước công nghiệp phát triển G7 đã đồng ý tăng gấp đôi ngân sách cho IMF, chi tiết sẽ được công bố vào tháng 4/2009.

 

Thế nhưng ngay cả khi những biện pháp hỗ trợ được đưa vào thực tế, tác dụng của nó đối với kinh tế Latvia vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng của khủng hoảng vẫn là dấu hỏi lớn. Sự hồi phục về dài hạn phụ thộc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

 

Ngọc Diệp

Theo Businessweek

 

ngocdiep

Cùng chuyên mục
XEM