Bí mật dự án cuối cùng trước khi nhắm mắt của Steve Jobs (1)

25/04/2013 00:06 AM |

“Steve đã dành nhiều tâm huyết và tình cảm cho dự án xây dựng trụ sở mới này trước khi ông ấy qua đời,” Cook nói.

Xem thêm: Tất cả các tấm kính đều phải cong!

Tại lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng vào ngày 7 tháng 6 năm 2011, Steve Jobs đã trình bày về kế hoạch xây dựng đại bản doanh mới cho Apple trước Hội đồng Thành phố Cupertino. Ăn mặc tuềnh toàng nhưng với phong thái dứt khoát như mọi lần, Jobs giới thiệu một vài phối cảnh của tòa trụ sở hình tròn, đơn nhất, có sức chứa dự kiến khoảng 12.000 nhân viên. 

“Tòa nhà này khá giống một con tàu vũ trụ,” Jobs đã mô tả như vậy khi nói về toà nhà khổng lồ hình tròn, bốn tầng lầu với diện tích sử dụng lên tới 261 nghìn m2. Với kích thước này, đại bản doanh mới của Apple sẽ rộng bằng 2/3 Lầu Năm góc và tọa lạc trên một khu đất rộng 176 acres có trồng nhiều cây cối. Hiện nay phần lớn diện tích này được sử dụng làm các bãi đỗ xe có trải nhựa đường. 

“Chúng tôi hi vọng rằng,” Jobs nói, “đây sẽ là tòa nhà văn phòng tuyệt vời nhất trên thế giới. Tôi thực sự tin rằng các sinh viên ngành kiến trúc sẽ tới đây để chiêm ngưỡng nó.” 

Jobs trình bày về dự án trụ sở mới của Apple

Đẹp không tỳ vết

Bốn tháng sau đó, Jobs qua đời, trước khi bản kế hoạch hoàn chỉnh được nộp lên các nhà hoạch định của thành phố Cupertino. Nhưng trước đó, Jobs đã nói rõ rằng việc xây dựng “Xứ sở Hạnh phúc” này sẽ rất tốt kém. 

Apple sẽ trồng thêm 6,000 cây và thuê gần như toàn bộ các con đường và các bãi đỗ xe dưới lòng đất. Nhiều căng-tin sẽ được xây dựng, trong đó có những căng-tin đủ lớn để phục vụ bữa trưa cho 3,000 nhân viên. Jobs đặc biệt chú ý tới các dãy tường uốn cong của tòa nhà chính. Theo kế hoạch, việc xây dựng tòa nhà sẽ cần tới các tấm kính cong cao 40 foot từ sàn nhà cho tới trần nhà nhập từ Đức. 

Khi trình bày với Hội đồng thành phố Cupertino, Jobs cho biết: “sẽ không có bất kỳ tấm kính phẳng nào được sử dụng trong tòa nhà…và như chúng ta đều biết, đây không phải là cách xây dựng tiết kiệm nhất.”

Jobs đã tiên liệu đúng về điều này. Kể từ năm 2011, ngân sách cho việc xây dựng đại bản doanh Apple số 2 đã phình lên đáng kể, từ mức dưới 3 tỉ USD lên mức gần 5 tỉ USD. Nếu như dự toán này là chính xác, việc xây dựng thêm trụ sở của Apple sẽ tốn kém hơn cả mức 3.9 tỉ USD dùng để xây dựng khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, và chi phí cho mỗi foot vuông mặt sàn sẽ lên tới 1,500 USD – gấp ba lần chi phí của nhiều tòa tháp công sở đắt nhất tại trung tâm các thành phố lớn.

Trước khi qua đời, Jobs đã hi vọng có thể khởi công công trình này vào năm 2012 và vận hành tòa nhà vào cuối năm 2015. Apple sẽ tiến hành tháo dỡ 26 tòa nhà hiện đang nằm trên mặt bằng xây dựng vào tháng 6, theo thông tin của một người khác cũng tham gia vào kế hoạch xây dựng nói trên. Tại buổi họp công ty thường niên ngày 27 tháng 2, Giám đốc điều hành Tim Cook cho biết thời điểm dự kiến sử dụng tòa nhà đã được lùi lại tới năm 2016.

Một trong những nguyên nhân của việc thay đổi mốc thời gian nói trên là do Apple đang cùng với Foster và cộng sự - hãng thiết kế kiến trúc chính của dự án – nỗ lực cắt giảm khoảng 1 tỉ USD chi phí xây dựng trước khi tiến hành dự án. Từ năm 2010, Jobs và Apple đã thuê hãng thiết kế của Norman Foster – nổi tiếng với thiết kế xây dựng lại Tòa nhà Quốc hội Đức ở Berlin và tòa tháp Hearst ở New York. 

Apple cũng đã chỉ định nhà thầu chính – gồm liên danh của Công ty xây dựng DPR ở thành phố Redwood, bang California và hãng chuyên về cơ khí chế tạo sẵn Skanska USA Building ở New York – nhưng chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng với một loạt các nhà thầu phụ. Một vài nhà thầu sẽ nộp hồ sơ dự thầu vào khoảng tháng Năm. Bên cạnh đó, để xây dựng tòa nhà, đơn vị thi công sẽ phải di dời một khối lượng đất cực lớn, chỉ riêng việc di dời này cũng sẽ cần tới các xe tải làm việc liên tục trong vòng 6 tháng, 24 tiếng mỗi ngày.

Không vừa lòng cổ đông

Việc chi phí bị đội lên là điều thường thấy tại các dự án xây dựng cỡ lớn, ngoài ra, quy mô của dự án xây dựng này cũng đã ra tăng đáng kể, từ chỗ thiết kế trụ sở cho 6,000 nhân viên tới trụ sở cho 12,000 nhân viên, thậm chí là 13,000 người tại một địa điểm. 

Khoản tiền 1 tỷ USD vẫn nhỏ hơn 1% khoản dự trữ tiền mặt 137 tỷ USD của Apple. Tuy nhiên, việc chi nhiều tỷ USD xây dựng đại bản doanh số 2 có thể làm ra tăng tranh cãi về việc Apple hiện đang làm gì với lượng tiền của mình. Các nhà đầu tư không kêu ca than vãn nhiều khi Apple còn là thống soái của thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng, nhưng thực tế là hiện nay giá cổ phiếu của Apple đã giảm 38% kể từ tháng 9 năm trước, trong khi đó mức độ cạnh tranh với đối thủ Samsumg Electronics khiến cho nhà đầu tư quan ngại nhiều hơn về triển vọng các dòng sản phẩm của Apple. 

Hiện giờ, các cổ đông Apple đang yêu cầu công ty trả các khoản cổ tức lớn, mua lại cổ phần, hoặc phát hành loại cổ phiếu ưu đãi (theo đòi hỏi của David Einhorn, sáng lập quỹ Greenlight Capital). Apple đã phát đi tín hiệu cho thấy Công ty có thể sẽ đáp ứng những đòi hỏi trên của cổ đông, nhưng các ý kiến chỉ trích chắc chắn sẽ căn vặn việc sử dụng các tấm kính cong liệu có phải là cách sử dụng ngân sách tốt nhất không. 

Keith Goddard, Giám đốc điều hành Capital Advisors có trụ sở tại Tulsa, người nắm giữ 30,537 cổ phiếu của Apple cho biết: “Tôi sẽ cần được thuyết phục thêm nữa để có thể hiểu được tại sao chi phí cho một dự án như thế này lại lên tới mức 5 tỷ USD”. “Đúng là sát muối vào vết thương nếu công ty chi một khoản tiền mà ai cũng thấy rằng hết sức hoang phí, cùng lúc lại tỏ ra keo kiệt trong việc chi trả cổ tức.” Nếu giá cổ phiếu tiếp tục giảm, Goddard dự đoán rằng: “việc xây trụ sở mới này sẽ chỉ khiến người ta nghĩ tới những chuyện không mấy tốt đẹp.”

Hơn nữa, tại thung lũng Silicon, không có gì khiến người ta liên tưởng tới việc công ty đã lên tới đỉnh (và chuẩn bị đi xuống) hơn là việc xây dựng một trụ sở mới một cách hoang phí. Các công ty có giá cổ phiếu tăng nhanh như Silicon Graphics, Borland Software (MCRO), và Sun Microsystems đều phải gánh chịu “lời nguyền trụ sở”: Khối tài sản của các công ty này đã sớm bốc hơi sau khi đưa vào hoạt động các trụ sở mới hoành tráng và xa hoa.

Thiết kế gây tranh cãi

Sẽ có ít công ty tư vấn thiết kế công khai đặt nghi vấn với đánh giá của Jobs và Foster, nhưng sẽ có nhiều công ty kín đáo cười thầm về thiết kế hình bánh doughnut này. Trong khi Google, Facebook, và các công ty khác ưa thích các văn phòng có diện tích mặt sàn rộng, nằm trên cùng một tầng để tạo cơ hội gặp gỡ tối đa cho các nhân viên thì thiết kế trụ sở hình tròn của Jobs có thể dẫn tới sự tách biệt giữa các nhân viên và các nhóm dự án. Thiết kế hình tròn sẽ không mang lại sự linh động đáng kể. 

Hiện nay, nhiều công ty lựa chọn mô hình “tòa nhà linh động” với thiết kế bên trong có thể dễ dàng điều chỉnh được. Trụ sở phía Tây của Facebook tại Mountain View dự kiến sẽ là một công trình khổng lồ dài ¼ dặm (khoảng 400 mét) – về cơ bản là một nhà kho lớn có thể được điều chỉnh một cách nhanh chóng khi bắt đầu hay kết thúc các dự án.

“Có vẻ là cái đẹp đã đánh bại năng suất,” theo Scott Wyatt, một nhà quản lý của NBBJ – hãng tư vấn kiến trúc có trụ sở tại Seatlle và hiện đang thiết kế các văn phòng tại vùng này cho Goolge và Samsung. “Tôi lo ngại rằng thiết kế văn phòng hình tròn sẽ khiến cho các bộ phận của công ty bị tách rời, thay vì tìm cách kết nối chúng.” Theo Wyatts, thay vì thiết kế một trụ sở tốt để làm việc, “công trình này có lẽ được coi như một đồ vật, giống như chiếc iPhone là một đồ vật vậy.”

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Apple đang chùn bước. Một trong những lý do là công ty thực sự cần thêm không gian làm việc. Kể cả sau khi đưa trụ sở mới này vào vận hành, Apple sẽ vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở chính hiện nay là Infinite Loop, với sức chứa 2,800 nhân viên. Với lượng tiền mặt dự trữ, Apple có khả năng để thực hiện dự án này, kể cả ở mức chi phí 5 tỷ USD. 

Tuy nhiên, Tim Cook đã tiết lộ tại buổi họp mặt thường niên của Apple hồi tháng Hai rằng công trình này sẽ không giống y hệt như những gì Jobs đã vạch ra. “Steve đã dành nhiều tâm huyết và tình cảm cho dự án xây dựng trụ sở mới này trước khi ông ấy qua đời,” Cook nói. “Chúng tôi hi vọng rằng những nỗ lực của chúng tôi trong giai đoạn thiết kế sẽ giúp công trình trở nên hoàn mỹ hơn. Chúng tôi muốn xây dựng công trình này một cách đúng đắn nhất.”

Ngọc Anh

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM