Tác giả sách "Đi qua hai mùa dịch": Giờ là lúc chúng ta cần yêu thương nhau

01/08/2020 14:11 PM | Sống

"Không gì là không thể. Thay đổi chính bản thân mình, giúp mình vững vàng hơn, từ đó giúp cho những người xung quanh lạc quan hơn để đương đầu và vượt qua sóng gió!"

Có lẽ chưa bao giờ cả nước hướng về thủ phủ miền Trung với nhiều tâm trạng như những ngày này: lo lắng, hoang mang, ngóng trông, cầu mong yên ổn. Nhưng thật tiếc đâu đó còn có vài lời cay đắng.

Dy Khoa là tác giả sách Đi qua hai mùa dịch, cuốn sách thu hút được nhiều chú ý vào hồi tháng 5-6 năm nay khi tác giả kể lại chính câu chuyện của tác giả trải qua lần dịch cúm A/H1N1 và COVID-19. Tác phẩm truyền đi thông điệp về năng lượng tích cực, khích lệ mọi người vượt qua khó khăn. Trước tình cảnh COVID-19 trở lại như mấy ngày qua, Dy Khoa có viết:

"Tháng trước, tôi có dịp đến với thủ phủ miền Trung. Mọi thứ còn hẩm hiu lắm. Nhiều cửa hàng còn chưa mở cửa trở lại. Thậm chí do dư chấn của dịch mà nhiều cơ sở kinh doanh buộc phải đóng cửa. Nhiều nơi bỏ hoang cả một cơ ngơi hoành tráng. Khách du lịch thì vẫn chưa tự tin đi du lịch. Chỉ đến độ gần đây, người dân bắt đầu chịu chi và “cảm thấy an toàn” sau chuỗi bài viết truyền thông quảng bá cho du lịch nội địa. Theo đó, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận cũng kịp tạo ra cơ hội và nắm bắt được cơn mưa vàng do chính sách thu hút khách du lịch tốt.

Du lịch giúp cải thiện rất nhiều đến nguồn thu của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng quán… Từ đó tạo ra dòng tiền lưu thông mạnh mẽ hơn thời kỳ gần như đóng băng. Những quán ăn đặc sản đã đông đúc hơn. Và du lịch vào thời điểm được khuyến khích không có gì sai cả. Và càng cần mọi người chìa hầu bao ra để khám phá nội địa nhiều hơn là đằng khác.

Nhưng đâu ai ngờ. Thành phố trực thuộc trung ương lớn nhất và những tỉnh thành lân cận ở giữa của bản đồ đất nước đang liên tục ghi nhận các ca dương tính với SARS-CoV-2. Là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đà Nẵng. Những nơi này trở thành từ khóa và là tâm điểm chú ý của người cả nước cũng như truyền thông quốc tế trong mấy ngày trở lại đây. Bởi nó đánh dấu kết thúc 99 ngày tạm bình yên với “giặc” COVID-19. Thừa Thiên - Huế áp dụng biện pháp phòng vệ mạnh mẽ. Các chuyến bay, xe khách, tàu hỏa kết nối với Đà Nẵng từ tất cả địa phương đều được hạn chế đến dừng hẳn sau yêu cầu cách ly toàn xã hội lần thứ hai ở đô thị loại I quốc gia.

Và rồi người về từ Đà Nẵng “vô tình” trở thành vật chủ của những con virus tai quái kia. Hà Nội, Đăk Lăk, TP HCM… và có thể sẽ có nhiều thành phố nữa sẽ xuất hiện những ca dương tính mới. Chỉ mới đây thôi, chúng ta còn ngỡ rằng bản thân mình và mọi người xung quanh sẽ yên ổn. Quay lại nhịp sống thường ngày, quay lại với mức thu nhập đáng nhẽ được hưởng trọn vẹn.

Tất cả chúng ta bắt đầu chuỗi cảm xúc hoang mang và đầy tiêu cực, lắng lo rất nhiều như lần giặc COVID-19 tấn công đất nước hồi sau Tết. Dẫu mọi người kháo với nhau trên mạng xã hội rằng “Nghỉ từ Tết đến hè, giờ có thể nghỉ từ hè đến Tết”. Nhưng tôi hiểu là ai cũng đang lo rất nhiều. Những tiếng cười thường trực sẽ tắt đi mà chuyển dần sang trạng thái “trú đông”.

Trong "Đi qua hai mùa dịch", tôi cũng từng nhắc đến chuỗi trạng thái lẫn lộn nhưng dễ hiểu này. Mừng vui khi Bộ Y tế báo tin không có ca nhiễm tăng. Buồn thêm khi một địa phương nào đó chịu yêu cầu cách ly, giãn cách hoặc có ca bệnh mới được xác nhận.

Tác giả sách Đi qua hai mùa dịch: Giờ là lúc chúng ta cần yêu thương nhau - Ảnh 2.

Chỉ mới vui chưa được bao lâu thì lại tiếp tục tích trữ thêm rất nhiều năng lượng tiêu cực. Chắc chắn là như vậy rồi! Bởi vì dư lượng tiêu cực thì lần trước vẫn chưa được giải tỏa hoàn toàn. Rất dễ bị sốc và gia tăng nguy hại lên tình trạng sức khỏe của mỗi người. Sức khỏe tinh thần giảm có thể kéo theo rất nhiều bệnh hại khác mà vốn dĩ chúng ta có thể tránh được.

Thể chất thì chúng ta đã nghe rất nhiều đến những bài tập luyện thể thao để tăng cường sức đề kháng, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để tạo thành trì vững chắc bảo vệ cơ thể. Nói vậy nhưng cũng chưa nhiều người hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của thể chất vì vậy dành thời gian tìm hiểu cơ thể của bạn đang cần chất gì để bổ sung kịp thời. Bài tập hiện tại đã hiệu quả chưa, nếu chưa thì cũng nên thay đổi.

Nhưng điều mà tôi nhắc đến ở đây chính là tinh thần. Tinh thần giữ vai trò rất quan trọng để chúng ta vượt qua tất cả con sóng mạnh, không chỉ trong lần dịch này mà còn nhiều thử thách khác trong cuộc đời. Tôi cũng vậy. Tôi cũng có những ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng tôi chọn thanh lọc chúng rất nhanh để cơ thể được trong lành nhất.

Tôi thanh lọc tinh thần theo kinh nghiệm cũng như một số phương pháp có hiệu quả trong thực tế. Trong các phương pháp, tôi thường xuyên áp dụng cách nói những điều tốt đẹp với đối phương. Đó là phản ứng khá đơn giản nhưng lại không dễ thực hiện đối với một số người, người không thực hành được sẽ bảo do tính cách cá nhân. Nhưng rõ ràng nếu người đối diện hoặc ai đó được nghe lời khen của bạn thì họ cũng rất vui. Niềm vui lan tỏa, niềm vui nhân đôi. Nói cho nhau nghe những yêu thương (tốt hơn nữa là kèm nụ cười tươi) sẽ giúp giảm rất nhiều năng lượng tiêu cực lắng đọng. Chính vậy, hãy cẩn trọng lời nói với nhau trong thời điểm nhạy cảm này. Nhiều khi nó rất bình thường trong hoàn cảnh khác nhưng ở hoàn cảnh này thì mọi chuyện có thể bị chệch hướng.

Tác giả sách Đi qua hai mùa dịch: Giờ là lúc chúng ta cần yêu thương nhau - Ảnh 3.

Ngoài ra, cũng nên tập thói quen lắng nghe nhiều hơn. Đừng trách ai đó than thở với bạn quá nhiều. Hãy hít thở cùng hơi thở với họ. Quan sát những cử chỉ, sự di chuyển của thớ cơ mặt hay nghe từ ngữ của họ có khác thường không… để đồng cảm. Và hơn nữa, có thể đó là cơ hội để cứu lấy người bạn yêu thương trong lúc họ cùng quẫn. Những lúc bí bách của cuộc sống, tìm được một người lắng nghe mình quả là không dễ dàng. Một lúc nào đó bạn cũng muốn tâm sự mà đúng không?

Suy nghĩ thêm một hướng khác trong cùng một tình huống. Não bộ của chúng ta rất thông minh nhưng đôi khi lại rất lười do thói quen hằng ngày. Trong cùng một tình huống, tôi hay bạn đều thường xuyên chỉ nghĩ ra được một hướng giải quyết hay một suy nghĩ phân tích. Thường thì chúng đều là điều tiêu cực. Tập thói quen suy nghĩ thêm một hoặc nhiều hướng nữa để tìm ra hướng đi hợp lý và tích cực hơn. Mọi chuyện đều không chỉ có một hướng giải quyết.

Sẵn sàng cho đi, hỗ trợ hoàn cảnh người yếu thế trong lúc hoạn nạn cũng làm cho tâm trạng chúng ta tốt đẹp hơn. Không nhất thiết phải có thật nhiều tiền, nhiều của thì mới có thể cho đi. Và cũng như sẵn sàng nhận lại từ người khác nếu bạn thật sự cần. Đừng ngại!

Không gì là không thể. Thay đổi chính bản thân mình, giúp mình vững vàng hơn, từ đó giúp cho những người xung quanh lạc quan hơn để đương đầu và vượt qua sóng gió!"

PV

Cùng chuyên mục
XEM