Tác dụng phụ khó lường của Pokemon Go
Rất nhiều người dùng trong quá trình bắt Pokemon trong ứng dụng Pokemon Go đã gặp phải những tai nạn đáng tiếc dẫn tới hậu quả lâu dài.
Tất cả mọi người trên toàn thế giới đang say mê Pokemon Go, một trò chơi dựa trên việc tìm bắt các chú Pokemon đáng yêu và ngộ nghĩnh.
Trò chơi này, được Niantic và Pokemon Company phối hợp sản xuất, xuất hiện trên thị trường vào ngày 6/7 vừa qua, cho phép người chơi bắt các con Pokemon ở các địa điểm có thật ngoài đời.
Ứng dụng trò chơi sẽ khiến những con Pokemon xuất hiện trên màn hình smartphone của bạn, qua camera, khi bạn đi qua một nơi nào đó – như thể nó đang đứng ngay trước mặt bạn vậy. Trò chơi đã nhanh chóng vọt lên đứng đầu các bảng xếp hạng các ứng dụng miễn phí của Apple và đã được tải xuống hơn 100.000 lần trên Play store của Google.
Tuy nhiên, nó cũng nhanh chóng dẫn đến một tác dụng phụ không ngờ tới: Rất nhiều người bị thương khi đang săn tìm các chú Pokemon.
Trên trang riêng của trò chơi này ở reddit.com, có một người chơi post lên dòng thông báo: “Pokemon Go đã khiến tôi phải vào phòng cấp cứu tối qua”.
“Ngay sau khi trò chơi được giới thiệu khoảng 30 phút, tôi bị trượt chân và ngã xuống một cái mương. Và thế là bị gãy xương bàn chân số 5, phải mất 6 đến 8 tuần để hồi phục. Tôi nói dối các bác sĩ là lúc đó đang dắt chó đi dạo… Vì thế các bạn phải cẩn thận đấy nhé!".
Nhiều người khác cũng post những status cho biết họ suýt va vào nhau hoặc bị xây xước khi đuổi bắt các chú Pokemon quá hăng hái. Một số người còn bảo rằng họ gặp tai nạn khi vừa tìm Pokemon vừa lái xe, tức một hành động hết sức nguy hiểm, tương tự như vừa lái xe vừa nhắn tin trên điện thoại.
Một trường Y ở Arizona còn gửi đi một loạt các email cho sinh viên của mình, nhắc nhở họ hãy cẩn thận hơn khi “đuổi bắt” các chú Pokemon.
Các trường đại học dường như rất ý thức được cuộc “xâm lăng” của Pokemon, trong đó đại học A.T. Still còn ra thông báo như sau: “Xin hãy thận trọng khi bắt Pokemon và nhớ tìm kiếm bằng điện thoại của mình để tránh bị trượt chân hoặc va chạm với những thứ nguy hiểm”. Người phát ngôn của trường Đại học này khẳng định rằng thông điệp đó là thật, và được gửi đi từ Văn phòng Công tác sinh viên của trường.
Bản thân ứng dụng Pokemon Go cũng có lời cảnh báo trên màn hình chờ, yêu cầu người chơi chú ý đến môi trường xung quanh, nhưng rõ ràng là một số người tỏ ra quá hào hứng và quên không để ý gì cả.
Niantic, đối tác của Pokemon Company, cũng có một số quy định cho người chơi của “Ingress” – một trò chơi chủ lực của hãng này: “Hãy chú ý đến những gì xung quanh bạn; bạn không thể biết được hết những thứ đẹp đẽ và thú vị mình sẽ nhìn thấy khi chơi trò chơi này đâu”.
Niantic cũng nhắc nhở người chơi “Ingress” phải tuân thủ các quy định ngoài đời thực khi một “điểm quan tâm” trong trò chơi xuất hiện trên tài sản cá nhân của một người khác – không được xâm nhập bất hợp pháp – và đây cũng là một lời nhắc nhở đáng ghi nhớ cho người chơi Pokemon Go cũng như bất kỳ một trò chơi có kết hợp các yếu tố hiện thực nào khác.
Trong khi Pokemon Go đang tạo ra nhiều vấn đề cho những người quá ham mê trò chơi này, thì nó cũng tạo ra một số hiệu ứng tích cực không ngờ tới.
Một người dùng trên Reddit cho biết khi đang sử dụng một công cụ giúp kéo Pokemon về một địa điểm cụ thể, cậu ta phát hiện ra rằng việc đó cũng lôi kéo một số người chơi khác trong khu vực đến đúng địa điểm đó.
Một số người chơi trong công viên đôi khi cùng thả mồi nhử gần nhau và cuối cùng họ vô tình gặp nhau. Kết quả là khoảng 30 người không hề quen biết tập hợp lại và cùng bắt Pokemon – quả là một hình thức tương tác xã hội thú vị.