Sức nóng của thị trường thịt lợn thế giới dự báo sẽ kéo dài tới 2020

21/10/2019 08:45 AM | Xã hội

Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) xuất hiện tại Trung Quốc - thị trường khoảng 1,4 tỷ người tiêu dùng - cách đây hơn một năm, sau đó lan sang nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, Philippines, Lào…đã khiến thị trường thịt lợn toàn cầu chao đảo.

Liên tục tăng từ tháng 3/2019 tới nay, hiện giá thịt lợn tại Trung Quốc đã cao hơn khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, một số nơi mức tăng là gần gấp đôi. Giá bán lẻ thịt lợn ở Trung Quốc trung tuần tháng 10/2019 vào khoảng 4,5 USD/kg (tương đương khoảng 104.000 đồng)/kg, có nơi lên tới 8,45 USD/kg (tương đương khoảng 196.000 đồng)/kg). Một số cư dân mạng chia sẻ rằng thịt lợn tại đây hiện có giá trị hơn cả smartphone cao cấp. Thịt lợn trở thành nguyên nhân chính đẩy tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc tăng nhanh trong mấy tháng gần đây, mặc dù Chính phủ nước này đã áp dụng nhiều biện pháp để hạ nhiệt, từ việc xuất kho dự trữ thịt lợn, trợ giá thịt lợn cho người nghèo tới nhập khẩu thịt lợn, khuyến khích chăn nuôi mặt hàng này…

Thị trường thịt lợn biến động mạnh nhất và được nhiều người quan tâm nhất trong số các thị trường hàng hóa trong năm 2019.

 Sức nóng của thị trường thịt lợn thế giới dự báo sẽ kéo dài tới 2020  - Ảnh 1.

Tại Châu Âu, dịch ASF cũng bùng phát ở nhiều nước như Bỉ, Hungary, Ba Lan…khiến giá thịt lợn tăng lên mức cao nhất 6 năm, kéo giá các sản phẩm thịt lợn cũng tăng theo.

 Sức nóng của thị trường thịt lợn thế giới dự báo sẽ kéo dài tới 2020  - Ảnh 2.

Tại Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2019, giá lợn hơi trên thị trường cả nước biến động mạnh. Giai đoạn tháng 3-6 là lúc "cao điểm"của dịch tả lợn Châu Phi khiến giá liên tiếp giảm, từ trung bình 43 nghìn đồng, 50 nghìn đồng và 50 nghìn đồng (lần lượt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam) hồi đầu năm 2019, giá lợn hơi giảm xuống chỉ còn trung bình lần lượt 38 nghìn đồng, 35 nghìn đồng và 36 nghìn đồng vào cuối tháng 6/2019 – thời điểm giá thấp nhất kể từ đầu năm tới nay.

Bắt đầu từ tháng 7/2019, giá bắt đầu có dấu hiệu hồi phục khi nguồn cung trở nên khan hiếm, lượng lợn do các hộ gia đình nuôi bị giảm mạnh, chỉ còn rất ít con có trọng lượng trên 100 kg, trong khi nhu cầu tiêu dùng ổn định trở lại và có thông tin một lượng nhỏ thịt lợn tại các tỉnh biên giới phía Bắc được xuất khẩu sang Trung Quốc kể từ đầu tháng 8/2019.

Liên tiếp tăng, giá đạt mức cao nhất trong năm vào ngày 17/10/2019, trung bình ở 3 miền lần lượt là 62 nghìn đồng, 60 nghìn đồng và 59 nghìn đồng mỗi kg lợn hơi, tức là cao hơn trên 60% so với lúc thấp điểm của tháng 6/2019. Có thông tin bắt đầu có hiện tượng lợn Thái Lan được nhập khẩu về một số địa bàn ở miền Nam.

 Sức nóng của thị trường thịt lợn thế giới dự báo sẽ kéo dài tới 2020  - Ảnh 3.

Triển vọng giá từ nay đến Tết

Sắp tới bước vào mùa lễ hội trên khắp toàn cầu, là mùa nhu cầu thịt lợn tăng nhanh, nhất là tại đa số các nước Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Tại Việt Nam, hiện có tới 30% lượng lợn đưa vào giết mổ ở các cơ sở lớn là loại 50 - 60 kg/con, chủ yếu do người chăn nuôi bán sớm để chạy dịch, điều này cũng sẽ góp phần làm tăng đáng kể tình trạng thiếu hụt thịt lợn cuối năm nay.

Khảo sát một số người bán thịt lợn ở các chợ cho thấy, hiện lượng lợn trong dân ở nhiều địa phương hầu như không còn, lợn sữa cũng khan hiếm vì lợn nái bị dịch bệnh. Hiện nguồn cung thịt lợn chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Theo dự đoán, phải khoảng cuối quý 1 đến quý 2/2020 cung lợn mới gia tăng rõ rệt, bởi người chăn nuôi nhỏ lẻ hiện tại phải chờ việc gây giống lợn nái rồi mới có lợn con để nuôi.

Dự đoán xa hơn, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2020 sẽ vẫn giảm tiếp 10% do dịch ASF ảnh hưởng tới số lợn nuôi ở những nước sản xuất chủ chốt. Dự báo sản lượng ở Trung Quốc sẽ giảm 25%, Philippines giảm 16%, Việt Nam giảm 6%...Tuy nhiên, sản lượng cũng sẽ tăng ở một số khu vực sản xuất lớn như ở Mỹ dự báo tăng 4%, Brazil tăng 5%...

Theo USDA, xuất khẩu thịt lợn toàn cầu dự báo tăng 10% lên 10,4 triệu tấn, trong đó nhập khẩu của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 35% và chiếm 35% tổng lượng nhập khẩu trên toàn cầu. Philippines cũng sẽ tăng 32% nhập khẩu do nguồn cung trong nước giảm mạnh vì dịch bệnh.

Dự báo thị trường thịt lợn sẽ còn nóng, và việc người tiêu dùng buộc phải thay thế phần thịt lợn còn thiếu bằng những loại protein khác như thịt gà, thịt bò, cá tôm… sẽ kéo giá các loại thịt khác tăng theo.

 Sức nóng của thị trường thịt lợn thế giới dự báo sẽ kéo dài tới 2020  - Ảnh 4.

Theo Vân Chi

Cùng chuyên mục
XEM