Sức ép tăng trưởng của du lịch
Mục tiêu của ngành du lịch từ nay tới cuối năm phải đón 3,7 triệu khách quốc tế.
Tại hội nghị các doanh nghiệp (DN) lữ hành do Tổng cục Du lịch tổ chức ở Hà Nội ngày 18-10, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, nhận định thời gian qua, du lịch là một trong những ngành góp phần quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế quý III tăng cao. Cụ thể, trong 9 tháng của năm 2017 đã có 9,45 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016. Khách du lịch nội địa cũng đạt tới 57,9 triệu lượt, trong đó có 27,8 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 376.000 tỉ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016. Hầu hết các thị trường du lịch trọng điểm đều có lượng khách tăng, như Hàn Quốc (tăng 51%), Trung Quốc (47,7%), Nga (40,7%)…
Theo ông Phương, năm 2017, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 6,7%, nếu du lịch tăng 13% sẽ đóng góp 1% trong tăng trưởng kinh tế. Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng trong bối cảnh hiện nay, để đạt chỉ tiêu đề ra là một nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi sự bứt phá rất lớn của ngành, đặc biệt là cần sự nỗ lực từ phía cộng đồng DN lữ hành. Đạt được mục tiêu này cũng đồng nghĩa với từ nay đến cuối năm 2017, ngành du dịch phải thu hút được 3,7 triệu khách quốc tế.
Du khách nước ngoài tham quan tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết để duy trì tốc độ của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch sẽ đổi mới cách thức, nội dung xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài theo hướng tập trung, chuyên nghiệp, hiệu quả. Xây dựng các mô hình liên kết giữa các DN lữ hành với các đơn vị cung cấp dịch vụ để cùng phát triển thị trường, thành lập các nhóm khai thác thị trường chuyên sâu với những DN mạnh có vai trò dẫn dắt.
Theo ông Tuấn, thực trạng người nước ngoài nhập cảnh để kinh doanh lữ hành và làm hướng dẫn viên du lịch trái phép làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nhưng chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt với khách Hàn Quốc, Trung Quốc. Ngoài ra, năng lực và nguồn lực tài chính của nhiều DN lữ hành Việt Nam còn hạn chế nên không chủ động được trong việc kết nối tạo ra sản phẩm du lịch, dễ bị các đối tác nước ngoài chi phối, chấp nhận lợi nhuận thấp và để cho phía đối tác tự điều hành. Các công ty lữ hành nước ngoài gửi khách dựa vào lợi thế khách đông để ép giá và chi phối các hãng hàng không, các công ty nhận khách và nhà cung ứng dịch vụ tại điểm đến.
Thêm vào đó, ý thức pháp luật của một số DN lữ hành Việt Nam cũng còn thấp, một số DN, hướng dẫn viên Việt Nam cấu kết, tiếp tay cho người nước ngoài núp bóng kinh doanh điều hành, tổ chức tour trái phép tại Việt Nam. Tình trạng xung đột lợi ích giữa các nhóm tổ chức, cá nhân tham gia đón khách du lịch làm ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến, chất lượng dịch vụ cũng như vấn đề an ninh trật tự tại một số địa phương. Do đó, Tổng cục Du lịch đang tập trung triển khai kế hoạch chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên cũng như tăng cường quản lý điểm đến.
Cần phối hợp chặt chẽ liên ngành
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, hoạt động kinh doanh lữ hành liên quan đến nhiều dịch vụ khác nhau, như: các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, điểm mua sắm hàng hóa do các ngành khác nhau quản lý như thuế, quản lý thị trường, công thương… Vì thế, cần có sự phối hợp giữa các cấp, các cơ quan chức năng một cách thường xuyên, đồng bộ. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ liên ngành của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc quản lý người nước ngoài kinh doanh lữ hành, hành nghề du lịch bất hợp pháp. Xử lý nghiêm các cá nhân nước ngoài nhập cảnh hoạt động du lịch trái pháp luật.