Sự vận động kinh tế Việt Nam từ thời Bao cấp đến Đổi mới thể hiện như thế nào qua mâm cỗ ngày Tết?

18/02/2018 09:04 AM | Xã hội

Nếu như ngày xưa, để chuẩn bị được một mâm cỗ cho ngày Tết cổ truyền đủ đầy, người dân phải dành dụm, chắt chiu từ nhiều tháng trước đó, thì nay, tất cả có khi chỉ gói gọn trong một cuộc điện thoại hay vài cái nhấp chuột.

Những ngày cận Tết, mọi người dường như trở nên bận rộn hơn với hàng loạt các công việc tồn ứ cần giải quyết. Theo đó, quỹ thời gian thu hẹp lại khiến cho nhiều dịch vụ ra đời giúp cho mọi người tiện lợi, dễ thở hơn. Đơn cử đó là việc nở rộ dịch vụ đặt mua mâm cỗ Tết

Ở miền Bắc, mâm cỗ Tết đầy đủ không thể thiếu những món như bánh chưng, nem rán, gà luộc, canh bóng… Tuy nhiên, mâm cỗ Tết bán sẵn thì có nhiều hơn những thứ truyền thống. Ở các cửa hàng này, họ không quy định chính xác một mâm cỗ cúng Tết thường có những gì mà liệt kê ra danh sách dài các món.

Mức giá cũng tuỳ theo đó. Trung bình, một set với 10 món chi phí dao động từ 600 nghìn đến 1 triệu 500 nghìn đồng.

Không mất công chuẩn bị, thực đơn lại đa dạng, phong phú là những gì các chị em phụ nữ rỉ tai nhau về loại dịch vụ này. Nếu quay trở ngược thời gian, thời ông bà cha chú chúng ta chắc chắn khó hình dung ra được.

"Một mâm cỗ ngày Tết thời Bao cấp là một quá trình chuẩn bị, gom góp tem phiếu từ nhiều tháng trước để mua thịt, gạo, đậu xanh, măng…", ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhớ lại.

Sự vận động kinh tế Việt Nam từ thời Bao cấp đến Đổi mới thể hiện như thế nào qua mâm cỗ ngày Tết?  - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ảnh: Kiên Trần.

Những năm đó, Nhà nước quy định chế độ phân phối thực phẩm tiêu dùng cho cán bộ, công nhân viên theo hình thức tem phiếu. Tem phiếu cho biết loại hàng và số lượng người dân được phép mua, chiếu theo một số tiêu chuẩn như cấp bậc và niên hạn.

Trong đó, có diện được ưu đãi, cho phép ưu tiên mua dùng, một số diện khác thì không. Ví dụ như thịt lợn, người dân thường chỉ được mua 1,5kg/tháng nhưng cán bộ cao cấp thì có quyền mua 6kg/tháng. Đường, sữa đặc, nước mắm, mỡ, muối… tất cả đều có tem phiếu.

Sự vận động kinh tế Việt Nam từ thời Bao cấp đến Đổi mới thể hiện như thế nào qua mâm cỗ ngày Tết?  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Tuỳ thuộc vào vị trí công việc, đặc thù nghề nghiệm mà các cán bộ, công chức nhà nước cũng như người dân lao động được phát tem phiếu, mua lương thực, thực phẩm với chế độ riêng.

Ví dụ như cán bộ cao cấp được hưởng tiêu chuẩn đặc biệt là phiếu A1, phiếu A dành cho Bộ trưởng, phiếu B dành cho Thứ trưởng, các cục trưởng của cục, việnđược hưởng phiếu C và có các cửa hàng riêng tại phố Tông Đản, Nhà thờ, Vân Hồ… còn cán bộ công nhân viên bình thường và người dân được chế độ tem phiếu lần lượt là E và N.

Chính bởi hàng hoá khan hiếm, việc mua khó khăn, việc sắm sửa ngày tết, theo ông Nguyễn Đức Kiên đã được người dân vun vén từ nhiều tháng trước. Đồ khô như măng, miến hay mộc nhĩ được mua từ sớm nhưng những tấm phiếu mua thịt, mỡ, nước mắm thì được dồn về gần Tết để sắm sửa.

Cũng chính tại thời kỳ này đã hình thành nên một số nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường, đơn cử như nghề làm bánh biscuit.

Ông Kiên kể những cửa hàng làm bánh rất phổ biến thời Bao cấp, đặc biệt vào những ngày cận Tết. Người dân mang bột, đường, sữa, trứng bơ đến rồi ngồi tại đấy làm. "Nhà nào có điều kiện thì cứ 1kg bột thì cho 6-7 quả trứng, nhà nào nghèo thì chỉ 2-3 quả", ông nói.

Các công đoạn, chủ yếu là do khách hàng tự làm, từ cho nguyên liệu, trộn, nhào, cán bột… nhân viên cửa hàng chỉ cho mượn dụng cụ, kiểm tra kỹ thuật và giúp nướng bánh. Do vậy, cũng không có hiện tượng ăn bớt nguyên vật liệu. Nghề làm bánh biscuit về sau thoái trào rồi biến mất vào thời kỳ Đổi mới.

"Khi nền kinh tế mở cửa, tem phiếu biến mất, mọi người phải tự quyết định mình chi tiêu như thế nào", ông Nguyễn Đức Kiên cho biết.

Sự vận động kinh tế Việt Nam từ thời Bao cấp đến Đổi mới thể hiện như thế nào qua mâm cỗ ngày Tết?  - Ảnh 3.
Sự vận động kinh tế Việt Nam từ thời Bao cấp đến Đổi mới thể hiện như thế nào qua mâm cỗ ngày Tết?  - Ảnh 4.

Mâm cỗ ngày Tết vẫn được giữ nguyên các nét truyền thống tuy nhiên đã có sự thay đổi trong cơ cấu, chủng loại khi kinh tế thay đổi. Cũng vẫn là mâm ngũ quả nhưng thay vì những hoa quả trong nước, nay đã xuất hiện những thứ quả ngoại lai. Điều này phần nào thể hiện tính hội nhập của Việt Nam đối với thế giới khi những thứ hàng quốc tế đã lần lượt xuất hiện trong mâm cơm truyền thống của người Việt.

Bên cạnh đó, phân công lao động, chuyên môn hoá sản xuất đã giúp người dân giảm lược chi phí về thời gian, công sức. "Điều này đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế", ông Kiên nói.

Mâm cơm ngày Tết, đủ đầy các món, ngày một ngon và lạ miệng hơn được làm ra với thời gian ít hơn phần nào thể hiện sự phát triển, vận động đi lên của kinh tế đất nước, theo TS. Nguyễn Đức Kiên.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM