Sự thật về sai lầm đầu tư lớn nhất cuộc đời Warren Buffett: Nỗi hối hận 200 tỷ USD chỉ vì 1 phút 'nóng máu'
Thành công lớn nhất cuộc đời Buffet lại đến từ một quyết định "nóng máu" và ông đã phải hối hận vì chính điều này.
Berkshire Hathaway Company là một công ty đầu tư Mỹ có trụ sở tại Omaha Nebraska và là nơi là nên tên tuổi của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Thông qua doanh nghiệp này, Buffett đã tham gia đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực từ bảo hiểm, bán lẻ, sản xuất cho đến ngân hàng.
Hàng năm, Berkshire có doanh thu đến hơn 247 tỷ USD với tổng tài sản nắm giữ lên đến hơn 707 tỷ USD. Tính đến năm 2018, công ty này có khoảng 389.300 nhân viên.
Thế nhưng, hiếm ai biết rằng tiền thân của Berkshire lại chỉ là một xưởng dệt nhỏ và gần như phá sản trước khi Buffett mua lại. Thậm chí, việc Buffett bỏ tiền mua lại Berkshire cũng là do bị coi thường.
Bất ngờ hơn, Buffett từng thú nhận rằng nếu ông không đổ tiền vào đây thì có lẽ đã thu được khoản lời lớn hơn nhiều.
Khi Buffett "nóng máu"
Sự hình thành của Berkshire phải bắt đầu từ 2 nhà máy Hathaway Manufaturing Company và Berkshire Fine Spinning Associates.
Hathaway Manufaturing là một nhà máy sản xuất bông được thành lập vào năm 1888 bởi Horatio Hathaway, có trụ sở tại bang Massachusetts-Mỹ và kinh doanh khá thành công cho đến Thế chiến I khi ngành sợi bông suy thoái.
Trong khi đó, hãng Berkshire Fine Spinning Associates vốn là liên doanh của 4 hãng dệt may dưới sự điều hành của Seabury Stanton vào năm 1929. Trong thời kỳ đỉnh cao, Berkshire Fine chiếm đến ¼ tổng số sản lượng sợi dệt bông tại Mỹ.
Vào năm 1955, Berkshire Fine sáp nhập với Hathaway Manufacturing để trở thành Berkshire Hathway Inc. Cuộc sáp nhập đã tạo nên một tập đoàn may mặc lớn với hơn 10.000 lao động, 15 nhà máy với hơn 557.000 km2 diện tích nhà xưởng. Doanh thu hàng năm của Berkshire Hathaway khi đó lên tới 120 triệu USD.
Trớ trêu thay, lợi nhuận của hãng lại giảm mạnh, 7/15 nhà máy đã phải đóng cửa vào cuối thập niên 1950 cùng việc sa thải hàng loạt nhân công do làm ăn thua lỗ. Nguyên nhân chính của sự thất bại này được cho là do người điều hành Seabury Stanton vốn chỉ có nền tảng về kiến thức chuyên môn ngành dệt mà thiếu những kỹ năng tài chính. Ông cũng được cho là không nhìn nhận ra được sự rớt giá của sợi bông cùng sự cạnh tranh cả trong và ngoài nước.
Seabury Stanton
Năm 1961, Berkshire giảm số ngày hoạt động của các nhà máy xuống 4 ngày/tuần, đóng cửa thêm một số nhà máy và thông báo lỗ. Năm 1962, hãng tiếp tục đóng cửa 3 nhà máy và tiếp tục lỗ nặng. Thời điểm này hầu như chẳng mấy nhà đầu tư nào muốn bỏ tiền vào đây nhưng Warren Buffett lại mua vào vì tin rằng giá trị của công ty vẫn còn và giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại để ông có thể bán ra hưởng chênh lệch.
Dẫu vậy, Buffett cũng bắt đầu nhận ra ngành sợi bông đang thoái trào và tình hình tài chính của công ty chẳng thể tốt lên nổi. Vào năm 1964, Stanton đề nghị bằng miệng việc mua lại cổ phiếu của Buffett với giá 11 ½ USD/cổ và Buffett chấp nhận đề nghị này bởi chúng cao hơn mức giá 7,5 USD/cổ mà ông mua vào. Thế nhưng vài tuần sau đó khi nhận được văn bản hợp đồng, giá cổ phiếu mà Stanton đưa ra lại chỉ còn 11 3/8 USD/cổ và điều này đã làm Buffett nổi giận.
Bởi vậy thay vì chấp nhận bán với mức giá thấp cho Stanton, Buffett đã quyết định mua thêm vào cổ phiếu để giành quyền kiểm soát để rồi sa thải vị CEO này. Thế nhưng hành động này cũng đặt Buffett vào tình thế nguy hiểm khi sở hữu một hãng dệt đang trên bờ phá sản.
Sai lầm đầu tư lớn nhất cuộc đời
Sau khi tiếp nhận Berkshire vào năm 1965, Buffett vẫn duy trì hoạt động sản xuất chính của công ty là dệt sợi bông nhưng cũng bắt đầu mở rộng sang các ngành khác. Tại thời điểm này, Berkshire chỉ có khoảng 2.300 lao động và 2 nhà máy dệt vẫn còn hoạt động. Sau Thế chiến II, ngành sợi bông khá trồi sụt do lượng đơn hàng từ quân đội dần suy giảm và Buffett cần tìm kiếm một kênh đầu tư mới để ổn định lợi nhuận.
Vào năm 1967, Berkshire đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm khi mua lại National Fire& Marine cùng Indemnity Company với giá 8,5 triệu USD. Hai hãng này chuyên hoạt động trong ngành bảo hiểm ô tô và có lợi nhuận đều hơn.
Liên tục trong những năm sau đó, tập đoàn này mở rộng sang các mảng kinh doanh khác nhờ hoạt động thu mua, sáp nhập. Năm 1969, Buffett trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của Berkshire nhưng khác với những nhà đầu tư khác, ông không bỏ tiền vào các tập đoàn nổi tiếng mà nhắm đến những công ty mà mình cảm thấy có tiềm năng.
Chính phương thức đầu tư có phần khác người này đã giúp Berkshire liên tục tăng trưởng và tạo nên danh tiếng cho Buffett.
Vào năm 1985, Berkshire chính thức đóng cửa nhà máy dệt máy cuối cùng, chấm dứt hoạt động sản xuất cốt lõi sau nhiều năm đầu tư mở rộng. Đến năm 1987, cổ phiếu của Berkshire Hathaway trở thành cổ phiếu đắt giá nhất thị trường với 4.300 USD/cổ, cao hơn nhiều so với mức giá gần 12 USD mà Stanton từng đưa ra cho Buffett năm nào.
Thế nhưng năm 2010, Buffett bất ngờ thừa nhận rằng việc mua lại Berkshire là khoản đầu tư thua lỗ nhất cuộc đời trong khi ông có thể thu được 200 tỷ USD trong vòng 45 năm nếu chấp nhận bán cổ phiếu cho Stanton và đầu tư vào những kênh khác.
Theo Buffett, ông có thể rót tiền trực tiếp vào ngành bảo hiểm thay vì mua lại Berkshire, một hành động mà vị tỷ phú này thừa nhận mang tính cảm xúc cá nhân. Nếu không mua Berkshire, Buffett cho biết số tiền đầu tư hiện nay của ông đang lẽ đã cao hơn gấp nhiều lần.