Sự thật về “đặc quyền xinh đẹp”

22/11/2022 13:45 PM | Sống

Tâm lý thiên vị cái đẹp của con người ẩn chứa cả những khía cạnh không đẹp lắm.

Trong bài hát nhạc pop ra mắt năm 2010 tên “Pretty Girl Rock”, Keri Hilson hát: “Mọi ánh mắt đổ dồn vào tôi khi tôi bước vào/Không nghi ngờ gì nữa, cô gái này là điểm 10/Đừng ghét tôi vì tôi xinh đẹp/Đó không phải là lỗi của tôi”.

Ngày nay, mọi người có thể nói rằng Hilson đang hát về “đặc quyền xinh đẹp”, có thể hiểu đơn giản là những người có vẻ ngoài hấp dẫn dựa trên các tiêu chuẩn sắc đẹp của xã hội có nhiều lợi thế và cơ hội hơn so với những người được coi là kém sắc hơn. Định kiến này khiến người ta liên kết cái đẹp với tài năng, trí thông minh, thành công xã hội, sức khỏe hay tất cả những điều tốt đẹp khác mà bất kỳ ai cũng mong muốn. 

Giống như hầu hết các thành kiến khác, đặc quyền xinh đẹp là điều mà tất cả chúng ta đều biết, cho dù chúng ta có trực tiếp trải nghiệm nó hay không. Không phải lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng thừa nhận nó - hoặc thậm chí nói về nó - đặc biệt nếu chúng ta đang nhận được những lợi ích từ đó. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu và khảo sát mang tính học thuật đã chứng minh rằng ngoại hình của một người trên thực tế có mối tương quan trực tiếp với mức độ chúng ta được người khác đón nhận, trong cả môi trường xã hội và nghề nghiệp. Sự thiên vị này còn được gọi là chủ nghĩa ưa nhìn.

Trên khắp thế giới, những người hấp dẫn thu được nhiều tài nguyên và khả năng sinh sản thành công hơn những người khác. Trong một nghiên cứu thực hiện năm 2009, 284 tình nguyện viên đã đánh giá các bức ảnh và đưa ra nhận xét họ cảm nhận được về người trong ảnh. Kết quả cho thấy những cá nhân hấp dẫn được coi là đáng tin cậy hơn những người không hấp dẫn. 

Song, như Hilson đã hát, những người xinh đẹp không có lỗi, về cả mặt sinh học và tâm lý học.

Theo Judy Ho, nhà tâm lý học thần kinh lâm sàng và pháp y có trụ sở tại California (Mỹ), đặc quyền xinh đẹp được con người ưa chuộng từ xa xưa vì mục đích tiến hóa. Một khuôn mặt đối xứng, phù hợp với những gì xã hội cho là ưa nhìn thể hiện người đó mang các gen mạnh mẽ và khỏe mạnh. Vì vậy, trong quá trình tiến hóa, con người mong muốn có nhiều gen này hơn là điều hợp lý. 

Còn theo chuyên gia Jon Briggs, mấu chốt khiến người xinh đẹp dường như có cuộc sống dễ dàng hơn là sự tự tin. Briggs giải thích: “Người ta đã chứng minh rằng những người “xinh đẹp” không làm việc hiệu quả hay sáng tạo hơn những người bình thường, nhưng họ rất tự tin vào các kỹ năng của mình và các nhà tuyển dụng nhận thấy sự tự tin là một đặc điểm rất hấp dẫn”.

Người đẹp có “hiệu ứng hào quang”

Một mảnh ghép khác của đặc quyền xinh đẹp là kéo theo “hiệu ứng hào quang”. Hiệu ứng hào quang có nghĩa là nếu một người có một đặc điểm tốt, bạn sẽ liên kết một loạt các đặc điểm tốt khác với đặc điểm tốt đầu tiên đó. Thường thì đặc điểm tốt đầu tiên mà chúng ta hay bị thu hút đến là vẻ đẹp hình thể. Điều này giải thích tại sao mọi người có xu hướng cho rằng những người đẹp thông thường cũng thông minh, hài hước hoặc tài năng. 

Song, Ho cũng chỉ ra rằng ngoại hình đẹp đôi khi có tác dụng ngược, đặc biệt là đối với phụ nữ. Ví dụ, mọi người có thể nói rằng vì một người phụ nữ quá xinh đẹp nên cô ấy chắc hẳn khá nông cạn hoặc không thông minh cho lắm.

Sự thật xấu xí về “đặc quyền xinh đẹp” - một thành kiến hiển nhiên trong đời sống dưới góc nhìn tâm lý học - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nhóm các đặc điểm tích cực lại với nhau - giả sử người xinh đẹp cũng là người tốt - chỉ là một cách mà tâm trí con người cố gắng hiểu thế giới. Mọi người đưa ra những giả định này, bởi vì bộ não của họ liên tục tìm kiếm các lối tắt để hiểu môi trường xung quanh. Khi chúng ta nhìn thấy một người hấp dẫn, não bộ sẽ nghĩ người hấp dẫn đó có lẽ cũng tốt, thông minh, có nhiều bạn bè và nổi tiếng.

Điều tương tự cũng áp dụng với sự giàu có.

“Là một người giàu có rất kỳ quặc, bạn được nhận xét là “lập dị”. Là một người nghèo kỳ quặc, bạn đơn giản chỉ bị gọi là “kẻ điên” thôi”, doanh nhân Frank Niu nói trong một video trên TikTok. 

Những người xinh đẹp không nhất thiết phải khỏe mạnh hơn, hài hước hơn và thông minh hơn những người kém sắc, nhưng thực tế nhiều người cuối cùng lại cố gắng sống theo mong đợi của mọi người và trở nên như vậy. 

Hãy lấy ví dụ một người đã “xinh đẹp” từ khi còn nhỏ. Vì lý do này hay lý do khác, gia đình, bạn bè và giáo viên của người đó có thể sẽ quan tâm tích cực hơn đến đứa trẻ. Kết quả của sự quan tâm tích cực đó là đứa trẻ lớn lên trở nên hướng ngoại hoặc tự tin hơn về mặt xã hội. 

Những người không phải sinh ra đã xinh đẹp và sau này mới trở nên hấp dẫn hơn theo tiêu chuẩn xã hội sẽ cảm nhận hành trình tâm lý khác. Họ có thể vạch ra ranh giới giữa cách người khác đối xử với họ trong quá khứ trước và sau khi sở hữu “đặc quyền xinh đẹp”. Các bộ phim dành cho lứa tuổi mới lớn luôn sử dụng câu chuyện này.  

Lợi thế và cả khó khăn của người có “đặc quyền xinh đẹp”

Giống như các đặc quyền khác, đặc quyền xinh đẹp có thể được sử dụng cho mục đích tốt nếu được phát huy đúng cách. 

“Những người có đặc quyền nếu chọn hoạt động vì xã hội thì với sự quan tâm tích cực đó, họ có thể đạt được những mục tiêu giúp đỡ người khác dễ dàng hơn. Vẻ đẹp giúp họ có sự đồng cảm hơn từ mọi người và ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của người khác”, Ho nói. Đây chính là tiền đề của các cuộc thi sắc đẹp. 

Nhưng đặc quyền xinh đẹp cũng có thể không đẹp lắm. Ho nói rằng mọi người có thể nghĩ rằng họ xứng đáng nhận được tất cả sự quan tâm tích cực và chỉ sử dụng nó để phục vụ bản thân để đổi lấy không gì khác ngoài việc được ngồi yên và xinh đẹp.  

Sự thật xấu xí về “đặc quyền xinh đẹp” - một thành kiến hiển nhiên trong đời sống dưới góc nhìn tâm lý học - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

“Những cá nhân này rõ ràng có thể gây ra nhiều khó khăn trong các mối quan hệ mà họ có. Họ có thể gặp khó khăn khi thực hiện những công việc phải làm theo nhóm hoặc phải lắng nghe người khác”, Ho cho biết. 

Những người nghĩ rằng họ có đặc quyền không nên xấu hổ về điều đó. Thay vào đó, họ nên biết ơn và sử dụng đặc quyền một cách đúng đắn. Rốt cuộc, đặc quyền này chỉ đơn giản là được trao cho họ bởi cách vận hành của tâm lý con người và sinh học tiến hóa. 

Thế nhưng song song với đó, người đẹp cũng phải chịu một thành kiến khác. Trong một nghiên cứu có tên "Đánh giá một cuốn sách qua trang bìa: Vẻ đẹp và kỳ vọng trong trò chơi lòng tin", các nhà nghiên cứu đã tìm thấy cái mà họ gọi là "hình phạt về vẻ đẹp". Quan niệm này cho rằng mọi người kỳ vọng rất cao vào người đẹp. Thế nên khi người đẹp không đáp ứng được kỳ vọng đó, họ bị trừng phạt thậm chí còn nặng hơn người không đẹp.

Theo Chi Chi

Cùng chuyên mục
XEM