Sự thật về căn biệt thự "không ai biết" của vua Bảo Đại ở Hà Nội, cảnh tượng sau trăm năm gây xót xa
Đây là công trình chính trong một quần thể gồm bốn biệt thự cổ nằm ở đầu làng Ngọc Hà. Toàn bộ quần thể đều liên quan tới hoàng gia thời Nguyễn dưới triều vua Bảo Đại.
Tại Hà Nội, lâu nay người ta chỉ nói đến một căn biệt thự của vua Bảo Đại nằm trên phố Trần Hưng Đạo, giờ đang là trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Theo đó, vào năm 1945, sau khi thoái vị, cựu hoàng Bảo Đại làm việc tại Hà Nội. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, ông sống ở căn biệt thự này.
Tuy nhiên, mới đây, doanh nhân Hồ Hoàng Hải - nhà sáng lập thương hiệu Phú Thành đã giới thiệu trên Facebook cá nhân về một căn biệt thự mà anh gọi là "Dinh thự Bảo Đại" - tuyệt tác tròn 110 tuổi bị lãng quên.
Bất ngờ trước một căn biệt thự của vua Bảo Đại mà... không ai biết, rất đông những người yêu lịch sử và báo chí đã đến tham quan căn nhà ở ngõ 186 Ngọc Hà. Mặc dù vậy, thông tin căn nhà có phải của vua Bảo Đại hay không đã gặp nhiều ý kiến phản biện.
"Biệt thự Bảo Đại" tại ngõ 186 Ngọc Hà, Hà Nội.
Sự thật như thế nào?
Căn nhà do anh Hải mua là một phần của căn biệt thự rất lớn, nằm trong quần thể kiến trúc với rất nhiều công trình, vườn thượng uyển.
Theo lời truyền miệng của những người lớn tuổi ở làng Ngọc Hà, đây là công trình chính trong một quần thể gồm bốn biệt thự cổ nằm ở đầu làng Ngọc Hà. Toàn bộ quần thể đều liên quan tới hoàng gia thời Nguyễn dưới triều vua Bảo Đại. Nơi đây đã nhiều lần được đón tiếp cựu hoàng Bảo Đại mỗi lần ông ra Hà Nội.
Một câu chuyện khác nêu rõ, bà cô ruột của nhà vua Bảo Đại lấy chồng người Pháp, sinh sống tại Hà Nội, đã cho khởi công xây dựng công trình từ hơn trăm năm trước. Mỗi dịp ra Hà Nội, các thành viên trong hoàng tộc, gồm cả vua Bảo Đại, đều ghé dinh thự nghỉ ngơi. Đến những năm 1984-1985 con cháu của vua Bảo Đại từ Pháp về, từng thăm lại căn nhà.
Một thông tin khác, "Biệt thự Bảo Đại" được xây bởi vợ chồng bà Marie Agnes Nguyễn Hữu Hào - Chị ruột của Nam Phương Hoàng Hậu, cùng chồng là Công tước người Pháp có tên là Pierre Didelot.
Dẫu thế nào, căn biệt thự cũng là một nơi có "dấu tích" của vị vua cuối cùng triều Nguyễn và quy mô, chất lượng của công trình sau 100 năm cho thấy sự giàu có của chủ nhân.
Một tấm ảnh tư liệu được cho là chụp hình căn biệt thự. (Nguồn ảnh: Hồ Hoàng Hải).
Sơ đồ khu nhà do doanh nhân Hồ Hoàng Hải sưu tầm.
Được biết, toàn bộ nguyên liệu xây dựng được nhập từ Pháp về. Bên trong, mỗi tầng của toà nhà được chia từ 3-5 phòng. Các phòng đều được lắp đặt lò sưởi, tủ âm tường bằng gỗ lim. Toàn bộ đường điện đều được đi âm tường có ống ghen thép. Tường nhà có độ dày lên tới 60cm, vừa cách âm lại chống nóng tốt.
Để không chạm mặt gia chủ, gia nhân được bố trí một lối đi riêng. Một hệ thống thang máy đưa đồ ăn từ phòng bếp lên phòng ăn trên tầng 2.
Đặc biệt có 1 tòa nhà nằm cách dinh thự chỉ khoảng 50m được những người dân sống quanh đây nói là nhà khách và là sàn nhảy đầm để gia chủ giải trí. Theo lời anh Hồ Hoàng Hải, "sàn nhảy đầm" này từng là Nhà hàng bia tươi Hoa Viên nổi tiếng ở số 8 Ngọc Hà (nay là 184 Ngọc Hà) có hầm rượu và hế thống nấu bia tươi tại chỗ đầu tiên tại Hà Nội.
Bao quanh biệt thự là một khu vườn thượng uyển ước chừng rộng 300m2, với hàng rào uốn lượn như những như thân rồng, đắp ngói viền đẹp mắt.
Dinh thự Bảo Đại ngày ấy bây giờ
Ngày nay, nếu đi vào ngõ 186 Ngọc Hà, sẽ rất khó để nhận ra căn biệt thự vì đã bị hàng chục ngôi nhà và hàng quán che lấp, cũng sẽ khó để nói đây từng là nơi hoa lệ, quyền quý một thời vì cảnh vật đổi thay.
Phần sở hữu của vị chủ nhà Hồ Hoàng Hải chỉ là 1 phần căn biệt thự, bao gồm 1 phần tầng 1, tầng 3 và tầng 4 (vốn là tầng chống nóng được cải tạo). Tầng 2 và nhiều khu vực khác của biệt thự thuộc về hộ gia đình khác.
Sảnh chính dẫn vào biệt thự nay đã trở thành một lối đi vào của một gia đình khác. Người ta vẫn đặt những cây phơi quần áo, dựng xe ở đây mỗi khi trời mưa gió vì sảnh có mái che.
Phía sau biệt thự có 1 lối vào, xưa đây là lối gara.
Mái ngói đã thay đổi.
Tầng áp mái cũng được cải tạo nâng cao hơn so với thiết kế ban đầu.
Công trình cả trăm năm tuổi bên cạnh những ngôi nhà hiện đại.
Anh Hồ Hoàng Hải tâm sự, may mắn là các căn nhà dù qua nhiều đời chủ nhưng được gìn giữ tốt, cho nên kết cấu cơ bản, cùng một số phần nội thất vẫn còn được giữ lại nguyên vẹn.
Vòng ra phía sau, một lối khác vào biệt thự được hé lộ. Nơi đây chính là cổng gara và là lối đi của gia nhân, lái xe cho gia chủ. Cổng này vẫn giữ được mái cong đẹp mắt nhưng tường, cột được trang trí lại. Cạnh đó, một tấm biển mới có đề tên một thương hiệu nội thất mới được treo lên.
Cổng sau đã được tu sửa.
Qua gara, một chiếc cầu thang gỗ theo hình xoáy ốc dẫn lối lên các tầng. Anh Hồ Hải kể, cầu thang rất dài vì đi qua cả tầng 2 của căn nhà. Trước đây, có lối dẫn sang tầng 2 nhưng nay đã bị bịt lại khi mà biệt thự đã "xẻ" thành vài căn nhà khác nhau!
Trên tầng 2 tầng 3, các căn phòng vẫn còn giữ được một số chi tiết của thời xưa như tủ âm tường, lò sưởi, hệ cửa sổ trượt ray. Tuy nhiên, toàn bộ nội thất đã đổi mới bằng những món đồ của công ty nội thất mượn địa điểm trưng bày sản phẩm.
Cầu thang dẫn lên các tầng.
Hàng lang đặt 1 số nội thất trưng bày.
Mỗi tầng có từ 3-5 phòng.
Phòng được sử dụng để bày nội thất của thương hiệu đang thuê địa điểm này làm nơi trưng bày.
Các phòng đều có lò sưởi nguyên bản.
Tủ gỗ lim âm tường vẫn nguyên vẹn, không hề cong vênh.
Theo chủ nhà, tủ được giữ nguyên bản so với thiết kế ban đầu.
Nơi đây từng là phòng ăn, thông với phòng ngủ master nay thành 1 phòng làm việc. Nhiều đồ dùng được thay, lắp mới như quạt trần, điều hòa, bóng điện.
Cầu thang gỗ dẫn lên tầng áp mái.
Tầng áp mái chính là nơi được xây dựng để chống nóng, điều hòa không khí nay đã được nâng mái thành tầng 4, cũng trưng bày nhiều sản phẩm nội thất. So với bản vẽ và ảnh chụp thời xưa của biệt thự, phần mái cổ giờ cũng không còn sau khi cải tạo.
Tầng áp mái.
Trên tầng cao nhìn xuống, vườn thượng uyển trong lời truyền miệng của người dân đã khác xưa. Nhiều ngôi nhà mọc lên san sát, men theo hàng rào uốn lượn hình con rồng.
Hàng rào uốn lượn quanh quần thể kiến trúc nay đã bị nhiều căn nhà che lấp.
Một lối vào khác đang là 1 căn hộ khác sinh sống.
Chủ nhà tâm sự, tuy chưa có đầy đủ cơ sở để khẳng định nơi đây có dấu vết cựu hoàng Bảo Đại nhưng rõ ràng, đây là một căn biệt thự có nhiều nét kiến trúc độc đáo, tuổi đời lâu năm, đáng để tự hào và gìn giữ.
Người này mong mỏi, có thể tìm kiếm được thêm thông tin về nguồn gốc ngôi nhà để có phương án gìn giữ công trình.
"Nơi này sẽ không dùng để kinh doanh, tôi sẽ dành để làm nơi giao lưu về văn hóa", anh Hải nói.