Sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc sẽ định hình tương lai kinh tế châu Á năm 2019?
Nền kinh tế lớn nhất châu Á này đối diện với nhiều thách thức trong nội địa cũng như từ nước ngoài, trong đó phải kể đến căng thẳng thương mại với Mỹ.
Năm 2019, thêm một lần nữa, Trung Quốc sẽ định hình triển vọng kinh tế châu Á khi mà nền kinh tế lớn nhất châu Á này đối diện với nhiều thách thức trong nội địa cũng như từ nước ngoài, trong đó phải kể đến căng thẳng thương mại với Mỹ .
Theo Nikkei, các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 sẽ tiếp tục chững lại hơn nữa so với năm 2018, đồng thời gây ra tác động lên khắp các nền kinh tế châu Á. Giờ đây, giới đầu tư cũng như chuyên gia khắp châu Á đang chờ đợi cách “ứng xử” của Bắc Kinh.
Theo xu thế của thế giới, kinh tế khu vực nhiều khả năng sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2019, theo ước tính của nhiều chuyên gia kinh tế và chinh phủ. Theo ngân hàng đầu tư Nhật Nomura, một trong những thách thức quan trọng nhất của kinh tế châu Á chính là việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, đặc biệt trong nửa đầu năm nay.
Năm 2018, kinh tế Trung Quốc đã dần tăng trưởng chậm lại, GDP quý 1/2018 tăng trưởng được 6,8%, sang quý 2/2018 tăng trưởng được 6,7%, quý 3/2018 tăng trưởng được 6,5% khi mà chính phủ cắt giảm chi phí cơ sở hạ tầng và giảm nợ tại các chính quyền địa phương. Doanh số bán ô tô giảm cũng khiến cho kinh tế tăng trưởng chững lại hơn nữa.
Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại ngân hàng Nomura, ông Ting Lu, dự báo tăng trưởng sẽ chững lại hơn nữa trong các tháng tới. Nhắc đến doanh số bán ô tô giảm, yếu tố vốn tác động đến tiêu dùng, ông Lu nói: “Tất cả những vấn đề này sẽ kéo dài sang năm 2019”. Ông Lu đồng thời dự báo doanh số bán máy móc xây dựng cũng sẽ chững lại trong nửa đầu năm 2019 khi mà chu kỳ thay thế của các gói kích cầu đã kết thúc.
Xét đến các yếu tố nội địa, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ tác động đến kinh tế Trung Quốc. Các số liệu mới nhất cho thấy các biện pháp thuế quan mà Mỹ áp với Trung Quốc đã bắt đầu gây ra tác động tiêu cực, chỉ số PMI của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc tháng 11/2018 đã giảm, đơn hàng xuất khẩu đi xuống.
Trong báo cáo gần đây, ngân hàng HSBC nhận định rằng việc chiến tranh thương mại leo thang sẽ có thể khiến cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 mất đi khoảng từ 0,7% đến 0,8%. Theo khảo sát ý kiến chuyên gia mới nhất về triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc năm 2019 nhiều khả năng tăng trưởng được 6,2% từ mức 6,6% của năm 2018.
Xét đến kịch bản trên, giới chuyên gia đang quan tâm đến cách ứng phó của chính phủ để giúp kinh tế vẫn duy trì đà tăng trưởng.