Sự kiện gây chấn động Tử Cấm Thành: Bị 'quái thú' nuốt trọn 1 nửa diện tích, đó là gì?

25/03/2022 21:15 PM | Sống

So với thời điểm mới được xây dựng vào đầu thời nhà Minh, ba chính điện của Tử Cấm Thành ngày nay có quy mô nhỏ hơn nhiều. Lý do nào đằng sao?

Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh có một số lượng lớn các công trình kiến trúc, trong đó trục trung tâm của cả quần thể là ba đại điện: Thái Hoà, Trung Hoà, Bảo Hoà. Khi đến thăm Tử Cấm Thành, chúng ta có thể nhìn thấy ba đại điện đứng trên nền tam cấp, tạo cho thị giác du khách một cảm giác cao lớn và uy nghiêm. Tuy nhiên, so với thời điểm mới được xây dựng vào đầu thời nhà Minh, ba chính điện ngày nay có quy mô nhỏ hơn nhiều, và lý do cơ bản là hoả hoạn.

 Sự kiện gây chấn động Tử Cấm Thành: Bị quái thú nuốt trọn 1 nửa diện tích, đó là gì? - Ảnh 1.

Toàn cảnh Tử Cấm Thành (Sohu)

Khởi đầu

Khi công trình xây dựng đầu tiên của Tử Cấm Thành được hoàn thành vào tháng 11 năm Vĩnh Lạc 18 (năm 1420), ba chính điện được gọi là Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân. Quy mô của ba chính điện lúc đầu lớn đến mức khoảng cách giữa các điện chỉ khoảng 10m. Theo ghi chép của "Minh Thực Lục", điện Phụng Thiên dài khoảng 95m và rộng khoảng 47m. Diện tích của điện Phụng Thiên lớn gấp đôi phiên bản được dựng lại sau này của nó là điện Thái Hoà. Trong 200 năm sau đó, chính điện đã phải hứng chịu nhiều vụ hỏa hoạn do diện tích quá lớn và khoảng cách quá nhỏ.

Biến động

Vào tháng 4 năm Minh Vĩnh Lạc 19 (năm 1421), điện Phụng Thiên bốc cháy do bị sét đánh trúng. Đám cháy nhanh chóng lan sang hai điện Hoa Cái và Cẩn Thân. Kết quả là ba đều bị phá hủy. Đến năm Chính Thống 6 (năm 1441), việc xây dựng lại ba chính điện mới được hoàn thành với quy mô cũ.

 Sự kiện gây chấn động Tử Cấm Thành: Bị quái thú nuốt trọn 1 nửa diện tích, đó là gì? - Ảnh 2.

Bên trong điện Thái Hoà (Sohu)

Vào năm Gia Tĩnh 36 (năm 1557), ba chính điện lại bị hỏa hoạn do sét đánh. Lúc này một số đại thần bắt đầu phát hiện được ba chính điện bị phá hủy cùng một lúc không chỉ do vật liệu xây dựng dễ bén lửa mà còn do khoảng cách giữa chúng quá dày đặc nên đề nghị giảm quy mô xây dựng, mở rộng khoảng cách giữa ba công trình.

Nhưng đề xuất này bị quyền thần Nghiêm Tung phản đối kịch liệt. Theo ghi chép của "Minh Thực Lục", Nghiêm Tung cho rằng việc xây dựng lại phần móng rất khó khăn và tốn kém, không chỉ gây tốn kém về nhân lực, tài chính mà còn khó hoàn thành trong thời gian ngắn. Vì vậy, đề xuất xây mới các chính điện đã không được thực hiện. Vào tháng 9 năm Gia Tĩnh 41 (năm 1562), vua Gia Tĩnh nhà Minh quyết định đổi tên ba toà chính điện với mục đích "thay đổi vận hạn": Phụng Thiên đổi thành Hoàng Cực, Hoa Cái đổi thành Trung Cực, Cẩn Thân đổi thành Kiến Cực.

Vào tháng 6 năm Vạn Lịch 25 (năm 1597), ba chính điện lại bốc cháy do sét đánh. Sau vụ hỏa hoạn, một đại thần khác đã tiếp tục đề xuất giảm quy mô và mở rộng khoảng cách giữa các cung điện để tránh tình trạng cả ba công trình cùng bị phá hủy.

Đề xuất đã được Hoàng đế Thiên Khải chấp thuận. Ông đã ra lệnh giảm quy mô ba chính điện, chuyển nền móng điện Hoàng Cực về phía nam và nền móng điện Kiến Cực về phía bắc.

Sau khi việc xây dựng lại được hoàn thành vào tháng 8 năm Thiên Khải 7 (năm 1627), quy mô của ba chính điện về cơ bản đã hình thành: Diện tích xây đã giảm xuống bằng khoảng một nửa quy mô đầu thời nhà Minh. Sau khi xây dựng lại, khoảng cách giữa ba chính điện đã lên đến khoảng 30m, gấp ba lần so với thời kỳ đầu.

 Sự kiện gây chấn động Tử Cấm Thành: Bị quái thú nuốt trọn 1 nửa diện tích, đó là gì? - Ảnh 3.

Điện Trung Hoà (Sohu)

Kể từ khi xây lại, ba chính điện của Tử Cấm Thành lại trải qua hai vụ hoả hoạn. Lần đầu tiên là vào năm Sùng Trinh 17 (năm 1644) khi quân Lý Tự Thành phóng hỏa đốt Tử Cấm Thành.

Vào năm Thuận Trị 2 của nhà Thanh (năm 1645), Hoàng đế Thuận Trị đổi tên điện Hoàng Cực thành Thái Hoà, Trung Cực thành Trung Hoà và Kiến Cực thành Bảo Hoà.

Năm Khang Hy 18 (năm 1679), hỏa hoạn lại xảy ra khi sáu hoạn quan bất cẩn nên đã để lửa từ Ngự Thiện Phòng cháy lan ra. Tuy vậy, lần này chỉ có điện Thái Hoà bị bắt lửa.

Có thể thấy sau khi quy mô của ba chính điện được giảm bớt, khoảng cách giữa chúng tăng lên, vấn đề hoả hoạn lan rộng dường như đã được giải quyết.

Phân tích khoa học

Theo quan điểm khoa học, việc đám cháy lan giữa hai tòa nhà liền kề có liên quan mật thiết đến khoảng cách. Khoảng cách càng nhỏ thì cường độ bức xạ nhiệt tạo ra khi một trong hai tòa nhà bốc cháy càng lớn và ngọn lửa càng dễ lan rộng. Ba chính điện của Tử Cấm Thành đều là những công trình kiến ​​trúc bằng gỗ - vật liệu rất dễ cháy. Sau khi xây dựng lại lần thứ ba, khoảng cách giữa ba công trình chính điện tăng lên ba lần khiến cho khả năng hoả hoạn lan rộng giảm đi.

Ngoài ra, yêu cầu nghiêm ngặt về tỷ lệ giữa chiều cao và chiều rộng của các tòa nhà trong Tử Cấm Thành đã làm giảm cả diện tích và chiều cao ba toà chính điện sau khi xây lại, từ đó giảm khả năng cháy lớn. Ở công trình có vật liệu xây dựng dễ cháy, nếu khối lượng xây dựng lớn, không gian bên trong thông gió quá tốt sẽ làm tăng khả năng bắt lửa của công trình.

Theo Đăng Khoa

Cùng chuyên mục
XEM