Sự khan hiếm của cua tuyết Alaska khiến ngành công nghiệp Mỹ chịu tác động
Việc trữ lượng cua tuyết giảm 90% khiến giới chức Alaska không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tạm dừng mùa thu hoạch hồi năm ngoái.
Theo WSJ, sản lượng cua hoàng đế Alaska đã chậm lại trong hơn một thập kỷ, song đến năm 2018-2019 lại tăng nhanh một cách bất ngờ, theo các nhà khoa học. Dự báo về một vụ mùa bội thu khiến Gabriel Prout (32 tuổi), cùng với hai em trai là Sterling và Ashlan quyết định đầu tư.
Sau khi trở thành cổ đông sở hữu con tàu khai thác Silver Spray dài 113m, ba anh em tiếp tục chi 4 triệu USD để có thể khai thác hợp pháp cua trên biển. Rất nhiều ngư dân trẻ cũng quay lại nghề cá vì tin rằng mùa cua tuyết năm 2021 sẽ bội thu.
Tuy nhiên, bất chấp những dấu hiệu lạc quan trước đó, trữ lượng cua tuyết lại giảm 90%. Đến tháng 10/2021, chính quyền Alaska không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc dừng hoàn toàn mùa thu hoạch, lần đầu tiên kể từ thập niên 90.
“Đó là một cuộc đấu tranh,” Prout nói. “Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm vài dặm dưới đáy đại dương song chỉ kéo lên được chiếc lưới trống. Chúng tôi thậm chí không bắt nổi 100 con cua’’.
Đối với những chủ nhà hàng đang tìm kiếm nguồn hàng mới bù đắp cho sự thiếu hụt của cua tuyết Alaska, còn có một vấn đề đau đầu nữa chưa thể giải quyết. Đó là bởi chính phủ Mỹ hồi tháng 3 đã tuyên bố cấm nhập khẩu cá và các sản phẩm thủy sản của Nga, cùng với các mặt hàng tiêu dùng khác như vodka và kim cương.
Được biết cua hoàng đế khổng lồ thường nặng tới 20kg; lớp vỏ dày và nhiều gai nhọn. Trong khi đó, cua tuyết nặng khoảng 1-2kg, vỏ mỏng hơn và có thể dùng tay bẻ. Cả hai thịt đều trắng, chắc và ngọt.
Hiện tại, đây là ngành công nghiệp cua lớn nhất Alaska song mức giá của cua tuyết lại rẻ hơn nhiều so với cua hoàng đế. Thông thường, cua tuyết Alaska sẽ được giao bán với giá khoảng 50 USD/kg, trong khi tại nhà hàng Joe’s Stone Crab ở thủ đô Washington, các thực khách phải trả 199,95 USD cho hộp 700gr chân cua hoàng đế. WSJ cho rằng, đây là mức giá "đáng kinh ngạc".
Tại nhà hàng Klaw ở Miami, quản lý George Atterbury đã làm việc với Troika Seafood - một hãng bán buôn hải sản của Na Uy, để nhập cua hoàng đế đỏ từ Finnmark County bằng đường hàng không.
"Chúng tôi cua hoàng đế trong một bể chứa riêng biệt 9m3. Chi phí biến động mạnh, nhưng chúng tôi chỉ có thể chuyển một tỷ lệ nhỏ sang khách hàng. Chúng tôi mức giá nào là hợp lý lúc này", Atterbury cho biết.
Alaska có 3 nguồn cua lớn. Ngoài cua tuyết và cua hoàng đế đang dần biến mất thì cua dòng bairdi vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, đây là ngành rất nhỏ, chủ yếu mang lại thu nhập cho những người tham gia vào chương trình Hạn ngạch Phát triển Tây Alaska. Đây là chương trình phân bổ trực tiếp một phần sản lượng cá thu hoạch hàng năm cho các khu vực bị cô lập về mặt địa lý. Tuy nhiên, theo Heather McCarty, một nhà tư vấn nghề cá ở Juneau, khả năng tiếp cận các nguồn thu nhập bị hạn chế rất nhiều.
Một trong những nhà máy chế biến cua lớn nhất thế giới được đặt tại đảo St. Paul. Họ phải sử dụng tới 400 công nhân vào mùa cua tuyết cao điểm mới có thể đáp ứng đủ số lượng. Tuy nhiên, tháng 2 năm nay, nhà máy này trầm lắng một cách lạ thường do tình hình khan hiếm cua nghiêm trọng.
Rất nhiều giả thuyết được đặt ra cho sự khan hiếm của cua tuyết. Chúng có thể bơi vào các vùng biển Nga, bị khai thác quá mức hoặc buộc phải ăn thịt lẫn nhau để sinh tồn. Rất nhiều con cua đã chết bên ngoài thềm lục địa.
Tuy nhiên, mọi người đã đi đến kết luận, rằng sự biến mất của cua tuyết Alaska có lẽ là do biến đổi khí hậu. Các nhà sinh vật học biển và ngư dân trong ngành lo ngại tình trạng này có thể chính là một điềm báo cho thấy nghề cá sẽ sớm bị mai một trong tương lai đầy biến động.
“Đảo St. Paul sống dựa vào nghề cá. Nó chiếm đến 85% thu nhập của người dân. Dù họ đã thu hoạch được số lượng lớn cua vào năm ngoái, song tình hình năm nay khiến mọi thứ không còn được suôn sẻ’’, Heather McCarty nói, đồng thời cho biết những gì xảy ra với cua tuyết là một minh chứng cho sự thay đổi nhanh chóng về nguồn tài nguyên sẵn có. “Đã có một sự trở lại kỷ lục của cá hồi mắt đen ở Vịnh Bristol. Có vẻ như thay đổi nhanh chóng này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng’’.
“Chúng tôi không thể khẳng định cụ thể điều gì đã xảy ra. Chỉ biết rằng chúng tôi vừa phải trải qua một đợt nắng nóng khắc nghiệt vào năm 2019. Cá và cua đã di cư đến những khu vực mà chúng tôi chưa từng khai thác’’, Bob Foy, Giám đốc tại Trung tâm Khoa học Thủy sản Alaska cho biết.
Hiện tại, ngư dân đang nín thở chờ đợi xem liệu ngành công nghiệp cua tuyết trị giá 200 triệu USD của Alaska có bị thu hẹp nghiêm trọng trong vụ mùa 2022-2023 hay không. Theo Jamie Goen, Giám đốc điều hành hiệp hội thương mại Alaska Bering Sea Crabbers, tình trạng cua khan hiếm đang tác động rất nhiều đến ngư dân và các doanh nghiệp gia đình nhỏ. Họ là những người không có “bảo hiểm mùa màng” dù thực tế, Bộ Thương mại Mỹ đã chi gần 132 triệu USD cho Alaska vì thảm họa thủy sản. Goen cho rằng sẽ phải mất nhiều năm để tiền đến tay những người bị ảnh hưởng.
“Để bù đắp cho khoản lỗ 90%, chúng tôi không có nhiều lựa chọn’’, Gabriel Prout buồn rầu nói. “Đây là khoảng thời gian ảm đạm đối với toàn ngành công nghiệp. Rất nhiều người sẽ phải bán tàu để kiếm sống’’.
Theo: WSJ, Bloomberg