Sự hoài nghi đổ dồn về FAA vì từng chứng nhận an toàn cho phi cơ Boeing
Hàng loạt quốc gia và hãng hàng không trên thế giới đã tạm cấm bay với phi cơ Boeing 737 Max sau hai tai nạn chết người ở Indonesia, Ethiopia. Mọi ánh mắt hiện đổ dồn về Mỹ, nơi Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) đã cấp chứng chỉ an toàn cho dòng máy bay này.
Trung Quốc là nước đầu tiên cấm bay đối với Boeing 737 Max, sau đó lần lượt là Indonesia, Singapore rồi Australia. Đến trưa 13/3, hơn 30 quốc gia và các hãng hàng khong từ Ấn Độ đến Italia đã cấm Boeing 737 Max vào không phận.
Động thái trên diễn ra sau tai nạn thảm khốc của Ethopian Airlines, liên quan đến phi cơ Boeing 737 Max, hôm 10/3 làm 157 người chết. Tháng 10/2018, một phi cơ Boeing 737 Max của hãng hàng không Indonesia Lion Air cũng gặp nạn làm 189 người thiệt mạng. Hai tai nạn làm dấy lên lo ngại trên khắp thế giới rằng nguyên nhân chính là phần mềm mới Boeing bổ sung vào dòng phi cơ này.
Tuy nhiên, FAA vẫn đứng về phía Boeing, ngay cả khi những đồng minh thân cận của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU) quyết định cấm dòng 737 Max hoạt động.
Điều này đẩy FAA, cơ quan giúp đảm bảo an toàn hàng không thương mại tại Mỹ, rơi vào thế lạc lõng, cô độc.
‘Phản xạ đầu gối’
Giới chức hàng không Mỹ từng trải qua chuyện này hay chưa?
“Chưa bao giờ”, John Goglia, cựu thành viên Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), nói. Ông từng điều tra các vụ tai nạn, trong đó có chuyến bay thảm họa TWA Flight 800 hồi tháng 7/1996 làm 230 thiệt mạng. Goglia mô tả quyết định dừng bay với dòng 737 Max là “phản xạ đầu gối” do nguyên nhân tai nạn ở Ethiopia vẫn chưa rõ ràng.
Mỹ suốt nhiều thập kỷ là bên đi đầu trong đưa ra những định hướng an toàn cho các hãng hàng không và quốc gia trên thế giới. Các quốc gia lại chọn nối gói Trung Quốc, dự kiến trở thành thị trường đi lại hàng không lớn nhất thế giới vào giữa thập kỷ tới, theo Hiệp hội Vận tải đường không Thế giới (IATA).
Tháng 1/2013, ắc quy trên dòng Boeing 787 Dreamliner khiến FAA lập tức cấm bay với phi cơ này. Giới chức hàng không châu Âu cũng hành động theo FAA, cơ quan đã cấp chứng nhận cho Boeing 787 Dreamliner. Dòng 787 được phép bay trở lại vào tháng 4 cùng năm, sau khi Boeing đã có sửa chữa. Năm 1979, FAA cấm bay phi cơ McDonnell Douglas DC-10 sau các vụ tai nạn chết người.
Thông báo từ Trump
Chiều 13/3, Canada trở thành nước kế tiếp cấm bay Boeing 737 Max, viện dẫn dữ liệu từ vệ tinh.
Vài giờ sau, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ cũng sẽ cấm bay Boeing 737 Max, loại quyết định vốn thường do FAA đưa ra. Quyền lãnh đạo FAA Daniel Elwell cho biết dữ liệu vệ tinh và bằng chứng mới này cho thấy mối liên hệ giữa hai tai nạn ở Ethiopia, Indonesia.
Ông cũng giải thích tại sao FAA cuối cùng cũng ra lệnh cấm với Boeing 737 Max.
“Chúng tôi là tổ chức hoạt động dựa trên các sự thật, số liệu”, theo Elwell. “Sau khi tai nạn xảy ra, chúng tôi kiên quyết không hành động cho đến khi có dữ liệu ủng hộ hành động. Số liệu đó cuối cùng cũng xuất hiện”.
Boeing cho biết họ đã khuyến nghị FAA ra lệnh cấm bay.
Ảnh: Reuters.
Mỹ thụ động
Mỹ thụ động đã làm dấy lên một số chỉ trích, như từ cựu bộ trưởng giao thông Ray LaHood. FAA dưới thời ông từng cấm bay với dòng Dreamliners năm 2013.
“Sự an toàn không bao giờ nên được đưa ra thỏa hiệp”, ông LaHood nói.
Những người khác, như cựu CEO Continental Airlines Gordon Bethune – giám sát quá trình sản xuất dòng 737 và 757 tại Boeing, cho rằng Mỹ nên chờ cho đến khi có thêm thông tin.
Elwell tiết lộ FAA, cơ quan cấp chứng nhận an toàn cho 737 Max, “không cảm thấy sức ép từ thế giới”.
FAA ngày 11/3 tuyên bố họ chưa có thông tin để khuyến cáo cấm bay 737 Max, ngay cả khi hàng loạt quốc gia đã hành động. Trong số hơn 350 phi cơ đã bàn giao trên thế giới, các đội bay tại Mỹ sở hữu 72 Boeing 737 Max. Boeing còn nhận đơn đặt hàng hơn 4.500 chiếc.
Bộ Tư pháp Mỹ vào cuộc
Một quan chức Mỹ hôm 18/3 cho biết Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ Giao thông Mỹ đã mở điều tra về việc FAA cấp phép hoạt động cho dòng 737 Max. Cuộc điều tra sẽ tập trung vào Hệ thống Tăng cường Chức năng Điều khiển (MCAS), hệ thống liên quan tới vụ tai nạn của hãng Lion Air. MCAS là hệ thống điều khiển tiên tiến, được thiết kế để ngăn các phi cơ thất tốc khi bay.
Trong khi đó, dữ liệu từ hộp đen chiếc Boeing 737 Max của hãng Ethiopian Airlines cho thấy sự cố trong chuyến bay ET302 "có những điểm tương đồng rõ ràng" với tai nạn của Lion Air.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz yêu cầu tiến hành phiên điều trần của Tiểu ban Thương mại về Hàng không và Vũ trụ vào ngày 27/3 với ba quan chức giao thông vận tải, trong đó có người đứng đầu FAA. Ông cũng dự định tổ chức một phiên điều trần thứ hai với các lãnh đạo của Boeing cùng các phi công và những người khác trong ngành.
Các công tố viên Bộ Tư pháp Mỹ đã phát lệnh triệu tập trong quá trình điều tra quá trình FAA cấp phép cho Boeing 737 Max. Họ muốn tìm hiểu quy trình chứng nhận và an toàn của Boeing, bao gồm huấn luyện phi công, cùng với cách công ty quảng báo dòng máy bay mới.
Hiện chưa rõ cuộc điều tra có mang tính hình sự hay không.