Sử dụng máy tính và điện thoại quá nhiều, bạn phải làm gì để bảo vệ tế bào giác mạc?

05/03/2017 10:12 AM | Sống

Đừng chủ quan, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn và bạn phải biết cách để chăm sóc nó.

Ngày làm việc kết thúc khi bạn tắt máy tính và rời khỏi văn phòng. Chính xác lúc này, bạn đang gia nhập vào hàng ngũ hàng triệu người lúc nào cũng có đôi mắt khô, ngứa và dễ kích thích, sau khi đã nhìn chằm chằm vào máy tính rồi điện thoại trong suốt cả ngày.

Hiện tượng này được gọi là mỏi mắt, cụ thể hơn là “mỏi mắt kỹ thuật số”. Tiến sĩ Rahul Khurana, phát ngôn viên Viện Nhãn khoa Hoa Kỳ cảnh báo: “Đây thực sự là một vấn đề hệ trọng”.

Bạn không biết các tế bào trên biểu bì giác mạc, phần phía ngoài cùng đôi mắt mình, đã bị tổn thương và không thể hồi phục. Chúng chỉ có thể được thay mới hoàn toàn bằng các tế bào gốc ở khóe mắt. Nhưng ít nhất cũng phải đợi qua đêm cho tới sáng hôm sau, bạn mới có thể thấy mắt mình tốt hơn một chút.

Mặc dù tổn thương trên lớp biểu bì giác mạc không vĩnh viễn, nó sẽ gây kích ứng và khó chịu, Tiến sĩ Khurana nói. Qua một ngày làm việc, mọi chuyện sẽ lặp lại y như cũ. Những tế bào bị tổn thương, rồi lại phải chờ qua đêm mới được thay mới. Bạn sẽ có một buổi tối không trọn vẹn, gặp nguy hiểm khi lái xe và khó chịu khi xem tivi hoặc giải trí.

Vậy làm thế nào để dừng vòng lặp này lại, giữ cho đôi mắt lúc nào cũng khỏe mạnh và có sức nhìn tốt nhất? Tiến sĩ Khurana nói rằng điều này không khó, thậm chí rất đơn giản nếu bạn đọc qua 5 lời khuyên nhỏ dưới đây:

1. Nguyên nhân chứng mỏi mắt

Bạn bị mỏi mắt mà không biết lý do tại sao? Hóa ra thật đơn giản, nó liên quan đến những cái chớp mắt. Khi quá tập trung và chăm chú nhìn vào một cái gì đó, màn hình máy tính chẳng hạn, chúng ta chớp mắt ở tần suất thấp hơn.

Thay vì 15 lần chớp mắt mỗi phút khi bình thường, mọi người chỉ chớp 10-12 lần và hậu quả là mắt sẽ bị khô. Đây không phải vấn đề với riêng những người làm việc trên máy tính, tập trung khi đọc sách, báo cũng có thể gây ra hiệu ứng tương tự.

Trong suốt cả ngày trời, nếu [các tế bào biểu bì giác mạc] bị khô ở một vị trí nào đó, chúng sẽ không thể hồi phục nổi”, tiến sĩ Richard Rosen, giám đốc nghiên cứu nhãn khoa tại Trường Y Icahn cho biết. “Không thể hồi phục cho tới khi chúng được thay thế bởi các tế bào mới vào ban đêm, bạn sẽ cảm thấy thoải mái [trở lại vào sáng ngày hôm sau]”.

2. Hãy cố gắng giữ mắt bạn đủ ẩm

Thật khó để tự nhắc mình chớp mắt mỗi phút, khi mà bạn đang cố gắng tập trung hết sức vào công việc. Tuy nhiên, có một cách khác để bù độ ẩm cho mắt. Dung dịch nước muối hay nước mắt nhân tạo có thể giúp bạn.

Nhỏ mắt khi cảm thấy mỏi, bạn sẽ lấy lại được cả sự tỉnh táo và độ ẩm cho mắt. Nếu làm việc trong một môi trường đặc biệt khô vào mùa đông, một máy tạo độ ẩm có thể là giải pháp dành cho bạn và cả văn phòng.

3. Hãy thử quy tắc 20-20-20

Để cho mắt bạn được khỏe mạnh, không có gì hơn việc cho phép nó có những kỳ nghỉ thực sự. Sẽ không khiến bạn mất thời gian, Tiến sĩ Khurana chia sẻ một nguyên tắc đơn giản có thể áp dụng. Cứ mỗi 20 phút, hãy nhìn vào một điểm cách bạn 20 feet (khoảng 6 mét) trong vòng 20 giây.

Những “kỳ nghỉ” này sẽ cho phép mắt bạn thư giãn một lúc, đồng thời, đừng quên tranh thủ chớp mắt để làm ẩm giác mạc trở lại.

3. Thiết lập lại các màn hình thiết bị

Ánh sáng chói từ màn hình các thiết bị điện tử có thể làm gia tăng sự căng thẳng trên đôi mắt bạn. Đồng thời, sự chênh lệch độ sáng giữa màn hình và môi trường xung quanh cũng khiến bạn mất công điều chỉnh mắt, mỗi khi nhìn qua lại.

Để khắc phục vấn đề này, bạn nên để độ sáng màn hình của điện thoại, hoặc máy tính tương tự môi trường xung quanh. Nếu màn hình của bạn quá chói, hãy xem xét đến việc mua một màn hình có lớp phủ chống chói.

4. Nếu bạn đeo kính áp tròng?

Nếu bạn hoặc một ai đó xung quanh mình đeo kính áp tròng, nên biết rằng một chút đẹp đẽ về ngoại hình phải đánh đổi với nguy cơ khô và kích ứng mắt.

Tốt nhất, hãy giảm tần suất đeo kính áp tròng xuống, thay vì mỗi ngày, có thể từ 1-2 ngày/ tuần. Thay đổi một chút cũng khiến phong cách của bạn đa dạng hơn.

Một điều đặc biệt cần tránh, đừng đeo kính áp tròng khi đi ngủ.

5. Nếu bạn có vấn đề nghiêm trọng, phải nhận ra nó ngay và tới gặp bác sĩ

Không phải bất kể một sự khó chịu nào ở mắt đều có thể xem nhẹ như chứng mỏi mắt. Bạn phải nhớ như in nguyên tắc này. Mờ mắt, đỏ, tiết dịch hoặc nhạy cảm với ánh sáng không biến mất mà nặng dần lên theo thời gian là vấn đề thực sự.

Hãy tới bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa mắt để tìm ra nguyên nhân của nó. Đừng chủ quan, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn và bạn phải biết cách để chăm sóc nó. Đôi khi, một buổi cố gắng đi học hoặc đi làm với đôi mắt có vấn đề cũng khiến bạn phải trả những cái giá rất đắt sau này.

Theo Zknight

Cùng chuyên mục
XEM