Startup Việt Elsa tính chuyện dạy tiếng Anh cho người Nhật, Ấn Độ, Indonesia: Bắt tay với các trường học, công ty và tùy chỉnh chương trình cho từng quốc gia, lĩnh vực

15/08/2019 13:57 PM | Kinh doanh

CEO Văn Đinh Hồng Vũ cho biết hiện Elsa đã có gần 5 triệu người dùng trên toàn thế giới, trong đó người dùng Việt Nam chiếm 1/3.

Công ty khởi nghiệp giáo dục Elsa được thành lập bởi nữ CEO Văn Đinh Hồng Vũ, người đã ra mắt ứng dụng dạy tiếng Anh tại Việt Nam năm 2016, dự định sẽ thành lập văn phòng tại Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia để khai thác đối tượng khách hàng có nhu cầu học tiếng Anh khổng lồ ở châu Á.

Elsa có trụ sở tại Thung lũng Silicon và sự mở rộng mạnh mẽ của startup này đã làm tăng thêm xu hướng khởi nghiệp giáo dục (edtech) trong khu vực, nơi các dịch vụ công nghệ đang dần thay đổi cách mọi người tiếp thu kiến thức và giúp đáp ứng như cầu chưa được giải quyết của giáo dục.

Với công nghệ nhận dạng giọng nói độc đáo, dịch vụ của Elsa tập trung vào phát âm tiếng Anh của người dùng khi họ học các bài học được cá nhân hóa dựa trên trình độ phát âm của mình. Nhận diện giọng nói được thiết kế để xác định những lỗi mà người học mắc phải trong quá trình nói tiếng Anh.

Startup Việt Elsa tính chuyện dạy tiếng Anh cho người Nhật, Ấn Độ, Indonesia: Bắt tay với các trường học, công ty và tùy chỉnh chương trình cho từng quốc gia, lĩnh vực - Ảnh 1.

Elsa là một trong những ứng dụng dạy nói tiếng Anh chất lượng với gần 5 triệu người dùng trên thế giới.

CEO Văn Đinh Hồng Vũ cho biết hiện Elsa đã có gần 5 triệu người dùng trên toàn thế giới, trong đó người dùng Việt Nam chiếm 1/3.

Elsa có kế hoạch sớm thành lập các nhóm địa phương tại Nhật Bản và sau đó là Ấn Độ và Indonesia. Lý do là vì ứng dụng của họ đã được tải xuống nhiều lần tại các thị trường trên. Với những nhóm này, Elsa đặt mục tiêu xây dựng quan hệ đối tác với các trường học và công ty đăng ký ứng dụng cho học sinh và nhân viên của họ.

Nữ CEO chia sẻ trong một buổi phỏng vấn với Nikkei: "Ngay khi có nhân lực ở Nhật Bản, chúng tôi sẽ mở văn phòng, hy vọng là trong vòng 2 tháng tới. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn làm điều tương tự tại Ấn Độ và Indonesia".

Công ty hiện có 40 nhân viên, khoảng một nửa trong số đó làm việc tại văn phòng thành phố Hồ Chí Minh. Ở Việt Nam, Elsa có khoảng 30 khách hàng là trường học và doanh nghiệp.

Theo nữ CEO, Elsa sẽ tùy chỉnh chương trình giảng dạy cho từng nước hay lĩnh vực kinh doanh cụ thể, chẳng hạn như các bài học đàm thoại tiếng Anh cho nhân viên ngân hàng.

Văn Đinh Hồng Vũ tốt nghiệp Đại học Stanford. Cô thành lập Elsa 4 năm trước tại Mỹ và huy động được tổng cộng 12 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Gradient Ventures – quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư vào AI của Google, quỹ 500 Startups và Hill Ventures của Singapore.

Học tiếng Anh đã trở thành một mảng chính của ngành kinh doanh giáo dục tại châu Á. Nữ CEO cho biết ở thời điểm hiện tại, Elsa muốn tập trung vào khu vực châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Công ty sẽ tiếp tục tập trung vào tiếng Anh nói bởi nghiên cứu của họ cho thấy 90% người học nghĩ rằng đó là lĩnh vực mà họ cần hỗ trợ để cải thiện.

Các startup giáo dục, điển hình là dịch vụ học trực tuyến đang gia tăng ở châu Á do những vấn đề như thiếu giáo viên và trường học tại khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, việc các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu đang phát triển mong muốn đầu tư nhiều hơn cho sự nghiệp học hành của con cái và sự phổ biến của Internet cũng như smartphone là những yếu tố góp phần thúc đẩy xu hướng này.

Chính phủ các quốc gia trên khắp châu Á cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng thị trường. Gervasius Samosir, đối tác tại công ty tư vấn YCP Solidiance cho biết: "Một số nước Đông Nam Á đã xây dựng kế hoạch tổng thể để nắm bắt công nghệ giáo dục trong hệ thống của họ. Indonesia muốn 270.000 trường học của mình sớm được kết nối Internet để mở đường cho công nghệ giáo dục".

Theo cơ sở dữ liệu về khởi nghiệp của Crunchbase, các công ty Trung Quốc là những đơn vị dẫn đầu mảng edtech ở châu Á với việc huy động thành công 4,3 tỷ USD trong năm ngoái, cao hơn gấp đôi so với năm 2017. Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang tìm cách bắt kịp với việc startup giáo dục tại những thị trường này đã gọi vốn tổng cộng 1,3 tỷ USD năm 2018, cao gấp 3 lần so với năm 2017.

Một số cái tên đáng chú ý trong số đó là: Kỳ lân mới nổi đến từ Ấn Độ - Byju đã huy động được 150 triệu USD trong tháng 7 vừa qua và được định giá hơn 5 tỷ USD. Công ty giáo dục trực tuyến Topica Edtech Group của Việt Nam, huy động được 50 triệu USD trong Series D do công ty đầu tư mạo hiểm Singapore Northstar Group dẫn đầu.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM