Startup Neuralink của Elon Musk bị điều tra

07/12/2022 16:01 PM | Kinh doanh

Reuters cho biết tổng cộng đã có khoảng 1.500 con vật bỏ mạng sau các thí nghiệm kể từ năm 2018 của Neuralink.

Theo Reuters, công ty chip não Neuralink của tỷ phú Elon Musk đang bị Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) điều tra cấp liên bang liên quan đến việc vi phạm Đạo luật phúc lợi động vật và tập trung vào việc điều chỉnh cách các nhà nghiên cứu đối xử cũng như thử nghiệm với các loài động vật. Một số nhân viên công ty cho biết việc thử nghiệm trên động vật của họ đang được tiến hành gấp rút, gây ra những đau đớn và cái chết không cần thiết.

Thời điểm hiện tại, Neuralink đang phát triển chip cấy ghép não với hy vọng sẽ giúp những người bị liệt có thể đi lại được và chữa các bệnh thần kinh khác. Cuộc điều tra cấp độ liên bang đã được mở ra trong những tháng gần đây theo yêu cầu của một công tố viên liên bang.

Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh nhân viên Neuralink ngày càng bất đồng về việc thử nghiệm trên động vật, bao gồm những lời phàn nàn rằng CEO Elon Musk tạo áp lực để đẩy nhanh quá trình phát triển, dẫn tới các thử nghiệm thất bại. Điều đó đã làm tăng số lượng động vật bỏ mạng.

Startup Neuralink của Elon Musk bị điều tra - Ảnh 1.

Ảnh: Internet.

Hiện Musk và Neuralink chưa phản hồi các yêu cầu bình luận liên quan đến vấn đề này.

Các quy định của Mỹ không quy định cụ thể số lượng động vật mà các công ty có thể sử dụng cho nghiên cứu. Reuters cho biết tổng cộng Neuralink đã giết khoảng 1.500 con vật, bao gồm hơn 280 con cừu, lợn và khỉ, sau các thí nghiệm kể từ năm 2018. Ngoài ra, Neuralink cũng đã tiến hành nghiên cứu sử dụng chuột cống và chuột nhắt.

Tuy nhiên, tổng số động vật đã chết không hoàn toàn đồng nghĩa với việc công ty đang vi phạm các quy định. Trên thực tế, nhiều công ty thường xuyên sử dụng động vật trong các thí nghiệm để thúc đẩy việc chăm sóc sức khỏe con người và họ phải đối mặt với áp lực tài chính để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường. Các loài động vật thường bị giết khi thí nghiệm hoàn thành, thường là để kiểm tra sau khi chúng chết cho mục đích nghiên cứu.

Mặc dù vậy, nhiều nhân viên hiện tại và trước đây của Neuralink cho biết số lượng động vật đachết cao hơn mức cần thiết vì những lý do liên quan đến yêu cầu đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu của Musk. Reuters đã xác định được ít nhất 4 thí nghiệm liên quan đến 86 con lợn và 2 con khỉ đã bị hỏng trong những năm gần đây do lỗi của con người. 3 nhân viên cho biết những sai lầm đã ảnh hưởng đến giá trị nghiên cứu của thí nghiệm, dẫn tới việc phải lặp lại thử nghiệm và nhiều con vật bị chết hơn.

Musk đã nỗ lực hết sức để đẩy nhanh tiến độ của Neuralink – công ty vốn phụ thuộc nhiều vào thử nghiệm trên động vật. Đầu năm nay, CEO 51 tuổi đã gửi cho nhân viên một bài báo về các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ phát triển thành công thiết bị cấy ghép giúp một người đàn ông bị liệt có thể đi lại được.

“Chúng ta có thể giúp mọi người sử dụng tay và đi lại trong cuộc sống hàng ngày”, Musk viết cho nhân viên lúc 6 rưỡi sáng ngày 8/2. Và chỉ 10 phút sau, vị tỷ phú tiếp tục: “Nói chung, chúng ta chỉ đơn giản là chưa đủ nhanh. Nó khiến tôi phát điên!’.

Trong nhiều năm, Musk đã không ít lần nói với nhân viên rằng hãy tưởng tượng họ bị buộc một quả bom vào người để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Startup Neuralink của Elon Musk bị điều tra - Ảnh 2.

Ảnh: Internet.

5 người từng làm việc trong các thí nghiệm trên động vật của Neuralink nói với Reuters rằng họ ủng hộ phương pháp thử nghiệm truyền thống hơn, trong đó các nhà nghiên cứu sẽ thử nghiệm từng yếu tố một và đưa ra kết luận có liên quan trước khi chuyển sang thử nghiệm trên nhiều con vật hơn. Tuy nhiên, Neuralink lại tiến hành theo cách khác. Và kết quả tất nhiên là nhiều con vật bỏ mạng hơn vì phương pháp này cần các thử nghiệm lặp đi lặp lại.

Các yêu cầu của Musk cũng gây ra căng thẳng trong nội bộ Neuralink. Một số người thậm chí còn yêu cầu công ty xem xét lại cách tổ chức các cuộc phẫu thuật động vật. Một vài người khác cho rằng lịch trình gấp rút đã dẫn đến việc các nhân viên không chuẩn bị tâm lý kỹ càng, đồng thời phải tuân thủ những thay đổi vào phút chót khiến tăng rủi ro trong quá trình phẫu thuật.

Elon Musk thành lập Neuralink năm 2016 với tham vọng phát triển thành công “giao diện não – máy tính” để điều trị các bệnh về não và cho phép con người hợp nhất với AI trong tương lai. Đầu năm 2021, công ty đã thử nghiệm thành công cấy chip vào hộp sọ của một con khỉ, giúp nó có thể tự mình chơi game.

Trong một sự kiện ngày 30/11 vừa qua, Musk cho biết Neuralink có thể bắt đầu thử nghiệm công nghệ vỏ não vận động trên con người sớm nhất là trong 6 tháng tới. “Chúng tôi muốn đặc biệt cẩn thận và chắc chắn là nó sẽ hoạt động tốt trước khi đưa thiết bị vào con người. Chúng tôi đã nộp hầu hết hồ sơ cho Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA)”.

Bên cạnh đó, Musk tuyên bố sẽ cấy chip vào cơ thể mình khi công nghệ này sẵn sàng áp dụng cho con người. “Bạn hoàn toàn có thể cấy một thiết bị Neuralink. Theo giả thuyết, bạn thậm chí còn không biết nó được đưa vào như thế nào”, ông nói. Sau sự kiện, Musk tiếp tục xác nhận việc sẽ cấy chip vào người trên Twitter.

Nguồn: Reuters

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM