Startup ứng dụng cho thú cưng, tham vọng 100 triệu users: Shark Bình ví với mô hình Webtretho đã thất bại, shark Liên bảo thay vì đầu tư thì dành tiền từ thiện
Dù rất tham vọng vươn lên trong thị trường chăm sóc thú cưng như đội ngũ Pety vẫn không nhận được cái "gật đầu" nào từ các "cá mập".
Ứng dụng cho thú cưng tham vọng đạt 100 triệu người dùng
Là startup cuối cùng gọi vốn tại Tập 13 của Shark Tank Việt Nam mùa 4, founder Thuý Trần chia sẻ về thực trạng một số lượng lớn chó mèo đang bị bỏ rơi và trở thành mồi nhậu tại Việt Nam.
"Ở Việt Nam mỗi năm có hơn 6 triệu chó mèo bị làm thịt. Từ những câu chuyện thực tế và trải nghiệm của chính bản thân, tôi đã nung nấu ý tưởng xây dựng một ứng dụng chỉ dành riêng cho thú cưng, nâng cao nhận thức của người dùng về thú nuôi. Càng tìm hiểu thì tôi thấy thị trường này quá tiềm năng, cả trong nước và thế giới", founder kiêm CEO Thuý Trần giới thiệu về ứng dụng Pety. Đồng thời, cô kêu gọi đầu tư 100.000 USD cho 8% cổ phần.
Ngay lập tức, Shark Hưng đặt câu hỏi về cơ sở định giá startup. Nữ CEO cho biết hiện công ty đã hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên và được định giá 1 triệu USD.
Trả lời thắc mắc của Shark Liên về sự khác biệt của Pety với các dự án, nhóm cộng đồng bảo vệ chó mèo khác, CEO chia sẻ: "Tại Pety, thú cưng sẽ có profile riêng với đầy đủ tên tuổi, giống loài, hồ sơ sức khoẻ online,… từ đó có thể cá nhân hoá thông điệp hoặc sản phẩm cho từng bé thú cưng. Chúng em đã có khoảng 30.000 người dùng và 12.000 profile thú cưng ở trên app".
CEO Pety
Về doanh thu, từ khi triển khai gói quảng cáo vào đầu năm 2021, những tháng đầu tiên công ty chỉ mang về khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong tháng gần nhất, con số này là 270 triệu đồng, đến từ các gói marketing cho nhãn hàng đồ ăn thú cưng. Doanh thu hiện tại chủ yếu đến từ quảng cáo và trở thành nhà phân phối online cho các hãng.
"Theo nghiên cứu của em, mỗi tháng người ta chi ít nhất khoảng 1 triệu đồng cho thú cưng. Với 200.000 người dùng mà chúng em đặt mục tiêu đạt được trong năm nay, với 5% trở thành khách hàng thì đã có ngay 10.000 khách hàng", CEO Pety thông tin thêm.
Theo nữ founder, các hội nhóm yêu chó mèo trên Facebook chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa con người với con người, tập trung vào hồ sơ của chủ nuôi. Còn ứng dụng Pety tập trung vào hồ sơ của thú cưng, giúp chủ tìm chó mèo thất lạc hoặc nhận nuôi thú cưng bị bỏ rơi.
Dù đưa ra khá nhiều chức năng nhưng Pety vẫn bị Shark Bình vẫn nhận định là "tất cả các tính năng của bạn, một group trên Facebook cũng đủ giải quyết hết".
Trong khi đó, Shark Hưng gợi ý biến Pety thành một sàn thương mại điện tử dành riêng cho chó mèo. CEO Thuý Trần cũng cho biết từ cuối tháng 5, công ty đã ra mắt một nhóm tính năng thương mại điện tử. Cô nhận định doanh số của ngành chăm sóc thú cưng không hề nhỏ, riêng Việt Nam là 500 triệu USD, toàn cầu là 232 tỷ USD và tăng trưởng bất chấp Covid.
Đến đây, Shark Linh đặt câu hỏi: "Sự tương tác giữa người dùng với ứng dụng của em như thế nào"?
- Retention Rate (mật độ duy trì khách hàng) của bọn em khoảng 35%, CEO trả lời.
- Trong bao lâu?
- Trong 7 ngày ạ.
- Trong 7 ngày họ sẽ trở lại 1 lần? Và họ ở trên app của mình trong bao lâu?
- Trung bình là 15 phút, trong khi đó Facebook là 30 phút. Từ đó có thể thấy chúng em cũng có sự yêu thích nhất định.
- Số lượng người quảng cáo là bao nhiêu?
- Chúng em đã bắt tay với khoảng 20 đối tác về quảng cáo.
Trước câu hỏi của Shark Hưng về số người dùng có thể đạt được, CEO Thuý Trần tự tin có thể "cover" được toàn bộ 23 triệu người đang nuôi thú cưng tại Việt Nam sau 3 năm hoạt động. Tuy nhiên, Phó Chủ tích CEN Group cho rằng chỉ cần đạt được 10% là "đã tuyệt vời lắm rồi".
CEO Pety chia sẻ thêm, hiện tại ứng dụng có 5 ngôn ngữ nhưng đang tập trung nguồn lực vào tiếng Việt và tham vọng vươn ra thị trường quốc tế vào năm thứ 3. Từ khi ra mắt vào tháng 6/2020, công ty ghi nhận mức tăng trưởng người dùng 30%. Trong khi đó, lượng nhân sự chỉ vỏn vẹn 5 người, bao gồm 3 co-founder và 2 nhân viên full-time, ngoài ra còn 2 part-time.
CEO Thuý Trần và CTO Đào Ngọc Giang
Cô mời thêm Đào Ngọc Giang – CTO Pety, người được ví như "bộ não của doanh nghiệp" để trình bày nhiều hơn về công nghệ. Đào Ngọc Giang cũng ngay lập tức bày tỏ tham vọng và tin tưởng đến năm 2025, ứng dụng có thể đạt 100 triệu người sử dụng trên 50 quốc gia.
Tuy nhiên, Shark Bình nhận định số vốn 100.000 USD mà startup kêu gọi là quá ít.
"Chúng em biết để thực hiện được mong muốn của mình thì cần gọi thêm những vòng gọi vốn sau nữa. 100.000 USD ngày hôm nay cộng với số tiền đã được đầu tư, chúng em dùng để thực hiện kế hoạch tới Quý 3/2023 là bắt đầu có lợi nhuận. Chúng em sẽ sử dụng 35% cho marketing, phần còn lại tập trung xây dựng đội ngũ nhân sự thật tinh gọn và mạnh, đẩy nhanh quá trình phát triển ứng dụng", CTO làm rõ.
Tuy nhiên, Shark Linh cho rằng tốc độ tăng trưởng 30% về số lượng người dùng là quá chậm. CEO Thuỳ Trần lại tin tưởng đội ngũ đã đi rất nhanh và "lean" (tinh gọn).
"Đó là vấn đề, tại mình quá tinh gọn", Shark Linh phản pháo ngay.
"Các bạn công nghệ, ngoài việc chuyển đổi bản web thành ứng dụng thì có yếu tố công nghệ gì hay ho ở đây không? Có gì 4.0 hay lại 0.4?", Shark Hưng hỏi thêm.
CTO Đào Ngọc Giang giải thích: "Bậc học sau đại học của em là trí tuệ nhân tạo. Chúng em đang áp dụng trí tuệ nhân tạo vào những bước nhỏ nhất, hình ảnh nào người dùng đăng tải lên mà có độ nét không tốt thì sẽ tự điều chỉnh để hiển thị tốt hơn. Thứ hai, bọn em cố gắng sử dụng chatbot và nhân cách hoá ứng dụng, nếu người dùng đã cập nhật hồ sơ sức khoẻ thú cưng lên thì ứng dụng có thể nhắc nhờ người dùng để về lịch tiêm phòng hoặc các vấn đề sức khoẻ".
Dù đã trình bày khá lâu nhưng Shark Liên vẫn chưa hiểu rõ mục đích chính của ứng dụng Pety. CTO tiếp tục nhấm mạnh thêm về một số tính năng như hỗ trợ tìm chó mèo thất lạc, minh bạch các dịch vụ chăm sóc thú cưng, giúp cung gặp cầu,… từ đó một lần nữa khẳng định tính hữu ích của ứng dụng.
Được ví tương tự như Webtretho, đội ngũ ra về trắng tay
Shark Liên chia sẻ rằng bản thân cũng là một người rất thích nuôi chó mèo, hiện nhà bà có khoảng 10 con chó nhưng từ trước đến giờ vẫn chưa biết đến ứng dụng Pety. Bên cạnh đó, bà nhận định tiềm năng của dự án rất hạn chế, "chị cũng là fan yêu thú cưng nhưng thay vì đầu tư vào đây thì chị có thể đầu tư cho các em nhỏ vùng sâu vùng xa đang thiếu sách vở". Do không nằm trong tiêu chí nên nữ ‘cá mập’ quyết định không đầu tư.
Với Shark Bình, do khẩu vị chủ yếu thiên về các startup chuyển đổi số cho khối doanh nghiệp, tiểu thương, chưa kể làm ứng dụng lại rất tốn kém nên ông chủ NextTech cũng lắc đầu từ chối.
"Góp ý thêm, hiện mô hình của các bạn đang gần giống với một mô hình dành cho phụ nữ trước đây và hiện vẫn tồn tại, đó là Web Trẻ Thơ (Webtretho). Thay vì app thì là diễn đàn, sau đó họ khai thác, mở ra rất nhiều dự án thương mại điện tử để bán hàng hoá, trao đổi trên đó. Dù cộng đồng phụ nữ lớn hơn cộng động nuôi thú cưng rất nhiều nhưng dự án đó cũng chưa thành công, đã toang. Các bạn muốn kiến tạo tương lai thì cũng phải học những bài học từ lịch sử", Shark Bình khuyên nhủ thêm.
Tương tự, Pety tiếp tục nhận được lời từ chối của Shark Linh, Shark Phú và Shark Hưng. Trong đó, "cá mập" CEN Group cho rằng công ty nên thay đổi mô hình, không nên chỉ phụ thuộc vào kinh doanh quảng cáo để có dòng tiền tốt hơn.