Startup Interloan – mô hình cho vay ngang hàng trực tuyến, ra mắt cùng những bước đi thận trọng

31/07/2019 18:51 PM | Kinh doanh

Để tạo niềm tin cho người dùng, trong giai đoạn đầu tiên, Interloan chỉ cho nhân viên trong những doanh nghiệp cụ thể vay, đồng thời mọi giao dịch trên nền tảng này đều thông qua bên thứ 3 – ngân hàng.

Công ty CP Interloan – một startup trong lĩnh vực fintech đã chính thức ra mắt nền tảng công nghệ thực hiện dịch vụ kết nối cho vay tiêu dùng cá nhân.

12 tháng để đưa 1 dự án tham dự cuộc thi về khởi nghiệp ra thị trường

Theo chia sẻ của ông Trần Đại Dương – Giám đốc điều hành của Interloan, thì ông cùng các cộng sự đã có một hành trình dài tìm tòi nghiên cứu rồi mới tạo ra được startup Interloan.

Hiện Việt Nam có hơn 90 triệu dân, trong đó có 23 triệu lao động và 90% trong đó là có nhu cầu ứng lương hoặc vay tiền ngắn hạn. Đặc biệt, với những nhân sự làm việc ở những vị trí mà mức lương không cao, như công nhân, nhân viên phục vụ, nhân viên hành chính… nhu cầu ứng lương hoặc vay ngắn hạn của họ càng lớn.

Với những công ty lớn, có từ khoảng vài ngàn đến vài chục ngàn nhân viên, thì ứng lương là một công việc rất phiền phức, vì buộc doanh nghiệp phải huy động tất cả các bộ phận, từ nhân sự chấm công, đến kế toán làm lương và hành chính nhân sự làm các thủ tục giấy tờ để thực hiện công việc đó.

Nhận thấy cơ hội nói trên, Dương và các cộng sự đã thử nghiệm khá nhiều mô hình cho vay khác nhau, nhưng vẫn không thể tìm được mô hình thích hợp có thể đáng trả lời thỏa đáng những câu hỏi như: nguồn tiền ở đâu, quy trình và khẩu vị đầu tư rủi ro mà nhà đầu tư có thể chấp nhận được…; cho đến khi họ thấy mô hình cho vay ngang hàng – P2P Lending vào năm 2018. P2P Lending là một giải pháp tài chính công nghệ đã có mặt rất lâu trên thế giới, song nó vẫn còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam.

Năm 2018, startup này đã mang mô hình kinh doanh P2P Lending tham dự cuộc thi Fintech Challenge Vietnam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát động và lọt tới vòng bán kết. Sau 12 tháng hoàn thiện sản phẩm cũng như chạy thử nghiệm, Interloan đã chính thức được ra mắt.

Nền tảng này sử dụng các công nghệ tiên tiến như nhận diện khuôn mặt, chữ ký điện tử…và sử dụng mô hình chấm điểm tín dụng được tư vấn bởi quỹ John Galt Ventures. Ngoài Việt Nam, thì mô hình chấm điểm tín dụng của uỹ John Galt Ventures đang được dùng tại 4 nước Đông Nam Á khác cùng 2 triệu khoảng vay.

Startup Interloan – mô hình cho vay ngang hàng trực tuyến, ra mắt cùng những bước đi thận trọng - Ảnh 1.

Nền tảng Interloan.

"Khi cho khách hàng có thu nhập thấy vay, chi phú rủi ro và vận hành cao, vì quy mô cho vay bé. Chưa nói, do chậm trễ trong phổ chức kiến thức tài chính cho phân khúc khách hàng này, khiến họ đang bị bao vây bởi ‘tín dụng đen’, từ online đến offline.

Interloan ra đời nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng xấu nói trên. Cũng rất may mắn, trong thời buổi bây giờ, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, chúng ta sẽ giảm thiểu được rất nhiều rủi ro nếu biết áp dụng đúng công nghệ", ông Trần Đại Dương nói.

Mô hình Interloan hoạt động như thế nào?

Về cơ bản, Interloan là nền tảng công nghệ về tài chính, nơi kết nối giữa người muốn cho vay và người cần vay. Quy trình đăng ký để được vay tiền khá đơn giản và dễ dàng, nếu so với các phương cách truyền thống như đến vay ngân hàng. Theo lời giới thiệu của Interloan, chúng ta chỉ cần vài phút để điền đầy đủ thông tin theo 5 bước hướng dẫn, bao gồm load ảnh 2 mặt giấy chứng minh nhân dân và cả selfie.

Về người đi vay, sau khi đăng ký tất cả các thông tin, căn cứ vào những thông tin thu nhận và đối chiếu được, các chuyên gia Interloan sẽ bắt đầu chấm điểm tín dụng cho các cá nhân. Tùy vào mức độ tín nhiệm, từ A đến F, người vay sẽ hưởng những lãi suất khác nhau, giao động trong khoảng 16,5% đến 19%. Điểm tín dụng càng cao, lãi suất vay càng thấp. Chưa hết, Interloan cũng đưa ra những quy định hết sức chặt chẽ để ràng buộc người vay, ví dụ như nếu quá hạn trả nợ thì lãi suất sẽ tăng lên như thế nào...

Về người cho vay – nhà đầu tư: Interloan nhắm tới những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi dưới 100 triệu, bỏ ngân hàng thì chẳng được bao nhiêu và chơi chứng khoán thì không đủ sức. Hiện tại, Interloan cho phép nhà đầu tư đầu tư nhiều nhất 70 triệu đồng và ít nhất có thể từ 1 đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động, mức đầu tư phổ biến của các nhà đầu tư vào khoảng 5 triệu đến 10 triệu. Ngoài ra, startup này luôn khuyến khích các nhà đầu tư nên xé nhỏ vốn của mình ra, để tạo các khoản vay khác nhau, nhằm giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất.

Các khoản vay sẽ được giải ngân từ 1 đến 3 ngày, thông qua các ngân hàng. Interloan sẽ nhận mức phí 4,5% trên 1 giao dịch. Nếu trừ tất cả các chi phí khác nhau và cả chi phí rủi ro, nhà đầu tư sẽ nhận lại từ 12% đến 15% lợi nhuận thông qua lãi suất. Hiện tại, Interloan có khoảng 100 nhà đầu tư cá nhân và họ vẫn chưa thu phí của bên này.

Còn nếu người vay không chịu trả khi đã quá hạn nhiều lần hoặc có ý định "quỵt nợ", Interloan sẽ giúp nhà đầu tư truy xuất thông tin của người vay, đồng thời sẽ hỗ trợ nhà đầu tư nếu họ có ý định thưa kiện ‘con nợ’ ra tòa. Interloan sẽ không hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư nếu xảy ra sự cố, vì theo startup này, khi tham gia vào hình thức P2P Lending, nhà đầu tư cần nhận thức rằng, mình sẽ chịu hoàn toàn rủi ro, nếu nó xảy ra.

Giai đoạn đầu tiên dùng để xây dựng niềm tin

Hiện tại, thị trường vẫn chưa hiểu cũng như có nhiều cái nhìn nhiều thiện cảm với mô hình P2P Lending và Interloan muốn thay đổi điều đó. Trong giai đoạn đầu tiên, CEO Interloan tiết lộ rằng, họ sẽ ưu tiên việc xây dựng niềm tin cho khách hàng hơn là mở rộng thị trường một cách cấp tập.

Startup Interloan – mô hình cho vay ngang hàng trực tuyến, ra mắt cùng những bước đi thận trọng - Ảnh 2.

Ông Trần Đại Dương đang ký kết với đại diện ngân hàng Bản Việt.

"Đây là sân chơi không phải ai muốn vào cũng được. Trong giai đoạn đầu tiên, Interloan sẽ ưu tiên kết nối với các doanh nghiệp có chọn lọc. Hiện chúng tôi đã có khoảng 3.000 khách hàng là nhân viên của các công ty McDonald’s Việt Nam, Công ty CP BPO Mắt Bão, Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông và Công ty CP Việt Money.

Chúng tôi không nhận người vay ở ngoài những công ty kể trên hoặc ở những công ty mà chúng tôi sẽ ký kết hợp tác sau này. Nếu trường hợp chúng tôi nhận nhiều đơn đăng ký ở ngoài và nhiều người trong đó thuộc 1 công ty nào đó, chúng tôi sẽ đến công ty đó để đề nghị hợp tác", ông Trần Đại Dương khẳng định.

Mặt khác, sở dĩ Interloan không đứng ra quản lý tài chính, mà tất cả giao dịch đều thông qua ngân hàng, vì họ muốn có sự rõ ràng và minh bạch cao nhất trong lúc giao dịch. Chưa nói, một trong những lo ngại nhiều nhất của giới chuyên môn với các công ty P2P Lending - là họ thường bị "bể" do không biết cách quản lý tài chính hoặc dòng tiền.

Hiện Interloan đang hợp tác với 3 ngân hàng là Nam Á, Sacombank và Bản Việt; khi khoản vay được Interloan chấp nhận, 3 ngân hàng này sẽ giải ngân bằng cách chuyển tiền từ tài khoản nhà đầu tư qua tài khoản người đi vay.

"Theo quan điểm cá nhân, tôi rất ủng hộ mô hình tài chính như của Interloan. Ngoài việc, dịch vụ của Interloan sẽ giúp công nhân ở các khu công nghiệp tiếp cận thương mại điện tử dễ dàng hơn, họ còn giúp giảm thiểu tệ nạn ‘tín dụng đen’ đang hoành hành trên thị trường.

Ở những mô hình vay tiền kiểu ‘tín dụng đen’, người vay buộc phải cung cấp cả danh bạ điện thoại cho công ty cho vay và khi người vay chỉ chậm trả tiền 1 ngày, những số điện thoại trong list danh sách đó sẽ bị gọi điện khủng bố. Tôi rất khó chịu với vấn nạn đó và mong Nhà nước sẽ có những biện pháp cụ thể triệt tiêu ‘tín dụng đen’", ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đề nghị.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM