Vì sao Việt Nam hay đứng top xếp hạng hạnh phúc?

16/06/2013 09:13 AM | Sống

Bạn học ‘Tây’ thời XHCN, nhất là những ai từng có “mảnh tình Việt vắt vai”, hay đặt câu hỏi: vì sao Việt Nam hay đứng top nhiều Bảng xếp hạng Hạnh phúc của phương Tây?

Sau cuộc tranh luận kịch liệt về đề tài trên, có cựu lưu học sinh người Việt đề xuất: phải chăng quan niệm về đạo đức Đông – Tây có khác nhau? Nói rõ hơn, thước đo giá trị cuộc sống của Việt Nam và của phương Tây phải chăng “khắc độ” khác nhau?

Với nhiều người Việt có tuổi hạnh phúc có nghĩa là an nhàn, là đã biết được cách thu xếp để có cuôc đời nhàn hạ (tri nhàn tiện nhàn). Theo BBC, với nhiều đại diện U40, U50 của giới trung lưu hôm nay: sáng làm, chiều cà phê, tối nhậu zô zô… khi đống vỏ bia cao là biểu hiện hạnh phúc. Và hạnh phúc là hưởng thụ, là được hưởng lợi (kể cả được ăn theo). Hạnh phúc còn có thể là biết cách chạy cửa, để nhập siêu về danh lợi (?) Các đại diện của nhiều lứa tuổi Việt tuyên bố: “thích nhiều tiền”, gây cảm tưởng Hạnh phúc kiểu Việt nghĩa là sang giàu.Hạnh phúc “kiểu Việt Nam”?

Gần đây có bài về Hạnh phúc được chấm điểm cao, đọc thì có thể hiểu hạnh phúc là thứ may mắn hiếm hoi: nhà nghèo, cha mẹ ốm đau nhưng rồi tai qua nạn khỏi.

Các bạn nước ngoài thích câu “Con hơn cha là nhà có phúc”, nghe có quan điểm tiến hóa, tiến bộ rõ ràng, có xu hướng nhấn mạnh đường học vấn. Nhưng cũng có thể thể hiện sự thiếu vắng thực tiễn Nhà dưỡng lão, là biểu hiện khác của câu “già cậy con”?

Hạnh phúc là cảm nhận “có tiền là có quyền” từ miệng một nữ sinh hôm nay của trường ngày xưa gọi là Hoàn Kiếm. Nhiều bạn nước ngoài khá ấn tượng cách đánh trọng âm câu hỏi “Bao nhiêu tiền” của một số ông bà chủ Việt.

Hạnh phúc kiểu Đức

Đức là nơi có hai quốc gia sau thời “Chiến tranh lạnh” (1945 - 1991 ) đã thống nhất rất thành công. Tuy nhiên, những tương khắc về hệ thống giá trị hình thành trong quá khứ, và những so le trong chuẩn mực cuộc sống vẫn cộm lên đây đó…

Điều tra dư luận về hạnh phúc gần đây ở Đức dựa trên các tiêu chí chủ yếu là: 1. Sức khỏe; 2. Hạnh phúc trong hôn nhân; 3. Được giao du với bạn bè; 4. Thường xuyên có điều kiện rèn luyện thân thể; 5. Sở hữu bất động sản; 6. Có việc làm vừa ý; 7. Có triển vọng về lương - thưởng; 8. Có năng lực, điều kiện thỏa mãn nhiều sở thích riêng (hobby); 9. Sống có văn hóa; 10. Sống có đức tin.

Trong những điều gây bất hạnh, đáng chú ý có thất nghiệp, bị cô lập về văn hóa và xã hội (bị kỳ thị), ly dị, tuổi già, túng thiếu, phải dịch chuyển nhiều khi đi làm…

Theo các tiêu chí như trên, có khoảng 30% người được hỏi ý kiến ở nước Đức thống nhất cho rằng mình có hạnh phúc, toại nguyện với cuộc sống.

Tại phần quốc tế của điều tra xã hội học này của Đức, Việt Nam đứng thứ hai (!), với 60, 4% dân số hài lòng về các chất lượng cuộc sống như tuổi thọ, khả năng tiêu dùng các nguồn vật chất và năng lượng… Đức đứng thứ 46 (47, 2%, cũng là thứ 9 ở châu Âu), Mỹ đứng thứ 105 (37, 3%)… trong bảng xếp hạng phần trăm dân số cảm nhận được mình có “hạnh phúc”, hài lòng với cuộc sống. Costa Rica đứng thứ “nhất quả đất”, ta còn quay lại với nước này ở phần dưới.

Muôn nẻo đường hạnh phúc…

Theo tạp chí Nghiên cứu hạnh phúc Journal of Happiness Studies, tiền là biểu hiện sinh động nhất của hạnh phúc chỉ trong mắt của người nghèo. Còn một khi “anh” đã có thu nhập ổn định, tiền có “về” nhiều hơn thì cũng khó gây “xúc động”.

Có cựu học sinh Đông Âu nhận thấy giới trung lưu người Việt gồm nhiều người “có tiền”, chứ không “có thu nhập” kiểu chính quy. Thị trường Việt vẫn còn hằn hình bóng của cái chợ tiền mặt, nơi thuế khó là công cụ điều chỉnh khoảng cách giàu nghèo, trên thực tế doãng ra không đo đếm được. Trong “nền kinh tế xám”, một số người Việt … cư xử “xông xênh” hơn bạn học Đông Âu có thu nhập sêm sêm với mình còn do khoản thu nhập để “ngoài sổ sách”.

Về thứ “phúc” là đống vỏ chai (rượu bia) chứa mầm họa, các bạn từ Liên Xô cũ dẫn ngụ ngôn: Chai rượu nói, tôi đã kết nối được các bạn, thì chính tôi cũng chia rẽ các bạn (бутылка: я вас свела, я вас и разведу)…

Việc Việt Nam hay xuất hiện ở đầu các bảng xếp hạng hạnh phúc, còn các nước Đông Âu, Liên Xô cũ thì chẳng mấy khi, hẳn là vì ở các nước có nền kinh tế tri thức, cảm nhận về hạnh phúc “nặng” về tinh thần (mental) chứ không phải về hưởng thụ vật chất.

Người giàu mới nỏi thường có vẻ thoả mãn (snob). Các học giả khẳng định rằng tiền, và danh lợi nói chung, mang lại cảm giác hài lòng (satisfaction), chưa phải là hạnh phúc. Nhà bác học được giải thưởng Nobel D. Kahneman cho rằng người có tiền tài, địa vị hơn bạn chỉ thoả mãn với cuộc sống hơn, chứ không hề hạnh phúc hơn bạn.

Hai giáo sư Heyman (Đại học St. Thomas) và Ariely (Đại học Duke) trong một nghiên cứu sâu về xã hội hai giới (giới cầu tài lộc/financial; giới đấu tranh cho tiến bộ xã hội/social, như bảo vệ môi trường) khẳng định rằng đồng tiền làm cho chúng ta kém cỏi hơn về ý thức với cộng đồng (socially minded).

Việc Mỹ và một số nước phương Tây luôn ngự ở phía đáy bảng xếp hạng Hành tinh hạnh phúc được minh họa qua lời người dân một nước phát triển: “…Có thể nhìn nhận một cách tiêu cực khi bạn được sở hữu thêm những tài sản. Bởi vì bạn cảm thấy mình đang vơ vét từ các nguồn tài nguyên của thế giới hơn nhiều so với phần mà bạn xứng đáng được hưởng”.

Vì thế, “địa vị” đứng đầu các bảng xếp hạng, chẳng hạn “Hành tinh hạnh phúc” (HPI), có phải là một ngụ ý, về một cộng đồng hồn nhiên, “vô tư đi” với cách hưởng lợi bằng khai thác hệ sinh thái theo kiểu không biết có ngày mai. Khi ai “chùa” được một mảnh tài nguyên, bất chấp hậu họa, thì “vào cầu”, “có tài lộc”?

Vì theo HPI, Costa Rica là “một nước tác động lên môi trường ở mức trung bình, và một thể trạng sức khoẻ thể chất và tinh thần (well-being)” còn Việt Nam “là một nước có thể trạng sức khoẻ thể chất và tinh thần xoàng xĩnh (mediocre well-being), nhưng tác động (của phát triển kinh tế) lên môi trường còn thấp”.

Câu này chắc nên đọc: Việt Nam “là một nước có thể trạng sức khoẻ thể chất và tinh thần xoàng xĩnh (mediocre well-being), nhưng CẢM NHẬN về PHẢN tác động lên môi trường còn thấp”.

Theo Lê Thành

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM