Từ bức tường nham nhở của Zone9
Bức tường trong toilet của một quán bar tại Zone9 đã bị đục nham nhở. Và nó không chỉ là câu chuyện của một bức tường, mà còn là câu chuyện về ứng xử văn hóa.
Zone9 vốn là một khu nhà cũ kỹ, nên những bức tường của nó bị thời gian gặm nhấm không phải điều quá đặc biệt. Nó thậm chí là bản sắc của tổ hợp vui chơi, giải trí và nghệ thuật này. Nhưng có một bức tường đã trở nên nham nhở theo một cách hết sức đặc biệt: Người ta đục nó ra bằng lời lẽ.
Bức tường của cái toilet này vốn đã được ốp lại theo hướng mà chủ nhân của quán bar muốn, mang theo tinh thần mà người chủ muốn truyền tải: ở những chỗ giờ trông như vết loét kia vốn là những viên gạch men có hình những cô gái khỏa thân.
Nhưng khi màZone9đang khủng hoảng sau vụ cháy mới đây, khi cái tên của nó khiến dư luận quan tâm, thì chẳng biết có phải vì cần một chủ đề để nói hay không, người ta “soi” bức tường này. Họ dùng một từ chung chung là “hở hang” để mô tả những bức hình kia và nói rằng nó “gây tranh cãi”. Giờ thì chủ quán đã đục bỏ những viên gạch ấy đi. Để tránh phiền hà?
Hình khỏa thân không phải lúc nào cũng là những thứ “vi phạm thuần phong mỹ tục”. Đó có thể là một loại hình nghệ thuật. Cơ thể của người phụ nữ nếu được ghi lại theo một cách có ý đồ, không thể là thứ xấu xa. Đó là cái đẹp.
Và Việt Nam cũng đã có những nghệ sỹ nổi tiếng vì ảnh khỏa thân. Nhưng để phân biệt giữa khỏa thân và khiêu dâm, giữa cái đẹp và sự dung tục, người ta cần những cái đầu cởi mở hơn với việc tiếp nhận văn hóa.
Cái bức tường nham nhở vì định kiến kia chỉ là biểu tượng cho rất nhiều thứ lớn hơn đã nham nhở vì định kiến, vì sự thủ cựu và những cái đầu thích trở thành “cảnh sát” soi mói đạo đức của người khác theo một cách cực đoan.
Ví dụ, như tâm lý của những người đã cùng xây dựng lên Zone9. Họ đã rất lo lắng trước một cơn bão chỉ trích không có căn cứ khi vụ cháy diễn ra.
Chuyện các em sinh viên mới đây xếp chữ “SEX” ở Hoàng Thành, rồi bị kỷ luật, có thể thực sự gây tranh cãi. Mỗi người có một quan điểm khác nhau. Nhưng hẳn rất nhiều người phải bật lên câu hỏi, rằng việc phán xét nhau dựa trên những điều ấy đã thực sự là một thái độ cởi mở với văn hóa?
Chữ SEX ấy có bắt buộc phải gợi lên những điều dung tục? Có người còn nhắc: tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa truyền thống Việt Nam rất mạnh.
Hình ảnh nam nữ giao phối xuất hiện trên mặt trống đồng; bánh dày và bánh tét trong ngày lễ của người dân tộc thiểu số phía Bắc, theo GS Trần Quốc Vượng, là biểu tượng cho cơ quan sinh dục của nam và nữ.
Cái công cuộc “cảnh sát” cực đoan trong văn hóa này có thể kìm hãm sự sáng tạo và sự phát triển văn hóa-nghệ thuật.
Sáng tạo là thứ cần một môi trường yêu cái mới, chấp nhận cái mới và sự khác biệt. Nhưng đang có quá nhiều người thích bình bàn những cái khác biệt dựa trên kinh nghiệm, vốn văn hóa và gu thẩm mỹ chủ quan.
Và thật ra việc suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ, không chỉ là động lực thúc đẩy nghệ thuật, mà óc sáng tạo cần thiết cho sự phát triển của mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Hãy hỏi Albert Einstein: ông thú nhận rằng mình hay mơ tưởng viển vông, hay nghĩ rằng mình có thể bay nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Thuyết tương đối ra đời từ mơ tưởng đó chứ không hoàn toàn từ các phép tính.
Không chỉ có một bức tường. Có rất nhiều thứ đã và sẽ còn được xây lên dang dở rồi bị đục đi, chỉ vì người ta đã xây lên một cái lồng định kiến quá chắc chắn, quá hà khắc.
>> Chùm ảnh Zone 9 sau quyết định đóng cửa
Đức Hoàng (Depplus.vn)