Tôi đi “phượt” ở Nam Mỹ: Đi để thấy, đi để trải nghiệm!
Gần một tháng lang thang ở châu lục cách xa quê hương nửa bán cầu, tôi đã vỡ ra rất nhiều điều. Chẳng có gì vĩ đại cả. Nhưng tôi biết, mình sẽ sống ý nghĩa hơn, trước hết là cho chính mình, sau là cho cuộc đời mình.
Trên hồ Titicaca (biên giới Peru và Bolivia) tôi đã nghe một hướng dẫn viên 20 năm trong nghề nói rằng, “Cậu là khách du lịch Việt Nam đầu tiên tôi hướng dẫn”, rồi chủ nhà tôi ở homestay (sống trải nghiệm trong hộ gia đình) cũng nói điều tương tự. Đương nhiên, tôi có chút tự hào.
Nhưng nỗi buồn và cái gì đó gọi là “lòng tự ái dân tộc” cũng dâng lên. Tôi ước, người Việt Nam ra ngoài nhiều hơn, gặp gỡ nhiều hơn và thấy nhiều hơn.
Vì sao đi du lịch?
Có hàng trăm ngàn lý do để ai đó quyết định đi du lịch. Đối với tôi, câu chuyện đơn giản là tôi có 40 ngày nghỉ lễ cuối năm (Noel và năm mới). Không cần phải nghĩ nhiều tới chuyện ra nước ngoài, vì bản thân tôi cũng đang ở nước ngoài rồi.
Tôi cũng bận, vì phải bắt đầu làm luận văn. Nhưng thực tình thì tôi không muốn nằm ở nhà suốt 40 ngày đó, mặc dù tôi ở với gia đình chủ nhà, sáng sớm là có bữa sáng, trưa đã có người nấu ăn cho sẵn.
Tôi nung nấu ý định đi thăm Nam Mỹ từ khi bắt đầu ra nước ngoài, đi từ Costa Rica tới Peru và Bolivia đương nhiên rẻ hơn đi từ Việt Nam sang châu Mỹ khá nhiều. Nên tôi đặt vé từ cách đó 2 tháng, chuẩn bị chu đáo nhất có thể. Và đi.
Aden, hướng dẫn viên 20 năm kinh nghiệm, lần đầu tiên gặp khách Việt Nam. Ảnh: Nhung Nguyen.
Gần một tháng lang thang ở châu lục cách xa quê hương nửa bán cầu, tôi đã vỡ ra rất nhiều điều. Chẳng có gì vĩ đại cả. Tôi không nghĩ mình sẽ thay đổi được ai, thay đổi được gì hoặc làm được gì cho đất nước. Nhưng tôi biết, mình sẽ sống ý nghĩa hơn, trước là cho chính mình, sau là cho cuộc đời mình.
Nói thêm rằng, vì “tự ái dân tộc” mà tôi và một người bạn nữa đã nhờ gửi một lá cờ Việt Nam từ Việt Nam, qua Philippines, qua Costa Rica rồi mang đi Bolivia để cắm trên cánh đồng muối Uyuni, nơi có cờ của hàng chục quốc gia khác mà không có Việt Nam.
Chúng tôi đều mơ ước người Việt mình ra ngoài nhiều hơn, đi nhiều hơn nữa.
Đi để thấy
Ngày còn ở trong nước, tôi đã đi du lịch một vài nước ở châu Á (trong nước thì đã đi hết các tỉnh thành, vùng miền, do tôi vốn là phóng viên). Với quan sát hạn hẹp của bản thân mình, tôi thấy hầu hết người Việt đi du lịch với tâm lý xả hơi và hưởng thụ.
Các loại hình du lịch chủ yếu là nghĩ dưỡng và mua sắm. Nghĩa là nhiều khách du lịch Việt sẵn sàng chi một khoản không nhỏ (hoặc cơ quan họ chi một khoản không nhỏ cho nhân viên) để đi du lịch.
Nhiều người thích đến các khu resort đẹp đẽ, có người phục vụ tận răng, dịch vụ hoàn hảo, và mua sắm thỏa thích. Bản thân tôi hoàn toàn tôn trọng và hiểu lý do vì sao mọi người chọn các điểm du lịch này. Và trên bản đồ điểm đến của người Việt Nam, các nước phát triển là ưu tiên đầu tiên.
Người Inca bản địa trên bảo Amantani (đảo Cấm) trên hồ Titicaca. Ảnh: Nhung Nguyen.
Nhưng những ngày lang thang trên đất Nam Mỹ còn cho tôi một trải nghiệm khác, của những người “đi để thấy”. Tôi đã bắt gặp bản thân mình há miệng ngạc nhiên tới như thế nào khi gặp một cậu bạn người Ba Lan, sống ở Đức mười năm, sau đó thì sang Colombia dạy tiếng Đức.
Bạn này nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Anh không chút khó khăn nào. Bạn bảo: Tôi đã ngừng các thức ăn chế biến khoảng 4 năm nay. Bữa sáng cậu ta ăn táo. Bữa trưa, ăn khoảng một nải chuối. Còn bữa tối thì ăn một loại trái cây địa phương.
Hóa ra, trong thế giới hiện đại này, vẫn có người sống hoàn toàn nhờ thực phẩm tự nhiên, không hề qua chế biến. Đương nhiên, cậu bạn này không uống đồ uống có cồn hay cà phê mà chỉ uống nước.
Bạn bảo “Đi hết Nam Mỹ thì tôi sẽ chuyển sang dạy tiếng Đức ở Việt Nam, tôi muốn thử ăn sầu riêng”. Năm nay cậu ấy mới 25 tuổi.
Quachi, người Balan (cầm máy ảnh) 4 năm không ăn thực phẩm chế biến. Ảnh: Nhung Nguyen.
Tôi còn gặp một cậu chàng 27 tuổi khác là Mark Quattrocchi. Cậu ta để râu rậm quá, nên tôi suýt ngất khi cậu ấy nói tuổi. Mark đạp xe từ Trung Quốc, qua Trung Á, Trung Đông, Châu Phi, rồi Nam Mỹ đã hơn một năm.
Cậu ấy quyên đủ tiền xây ba cái trường học ở 3 châu lục rồi. Cậu ấy dự tính đạp xe từ Peru về Canada là hết 6 tháng nữa. Đầu tháng 6/2016 sẽ về nhà thăm bố mẹ.
Tôi tự nhiên thấy mình nhỏ bé khi nghe Mark bảo “tôi muốn nhìn thấy thế giới, nếu tôi không làm bây giờ, thì không bao giờ làm được”. Tôi sẽ viết kỹ hơn về Mark ở một bài khác.
Mark Quattrocchi (áo đỏ) và các bạn du lịch đạp xe khác ở Bolivia. Ảnh: Nhung Nguyen.
Đi đi - để trải nghiệm
Suốt những năm tuổi hai mươi, tôi luôn thầm ghen tị với các bạn giỏi tiếng Anh, đi nước ngoài (bất chấp là đi học hay đi làm hay đi chơi). Tôi luôn tự hỏi mình sao lại để thua kém người thứ mình thực sự thích như thế. Rồi cuối cùng tôi cũng ra ngoài, tôi đi học.
Và rồi tôi đi “travel”. Từ này có thể tương đương với từ “phượt” trong tiếng Việt chăng. Nó mang nghĩa là đi, thấy và trải nghiệm. Người travel không nhất thiết là có nhiều tiền.
Tôi đã ở trong các phòng dorm (dạng giường tầng như ký túc xá) với chi phí 10 USD/đêm. Trong một phòng có thể có 8-16 người, không ai quan tâm tới giới tính và tuổi tác. Vì tất cả mọi người cùng đang “travel”.
Tôi tự giặt quần áo, tự nấu ăn trong nhà khách (vì họ có bếp, có tủ lạnh, và đủ đồ nấu ăn) cho tiết kiệm. Tôi vào chợ ăn thức ăn của người địa phương. Tôi đã ăn món súp bò và súp thịt gà ở chợ Cusco-Peru với giá khoảng 2 USD/bữa.
Rất ngon, rất giống hương vị quê nhà!
Sáng nay tôi nhìn bảng chi phí đặt vé máy bay và đặt phòng ở Philippines của một người bạn Việt nam, chi phí đó là gần 2000 USD, chưa kể ăn uống, tiêu pha. Với số tiền đó, tôi đi ba nước châu Mỹ, tới những nơi mà tôi chỉ nhìn thấy trong mơ.
Tôi đã nghe rất nhiều em bé, cùng thời và nhỏ tuổi hơn tôi nói rằng các em ước mơ “đi du lịch vòng quanh thế giới”. Nhưng người làm điều đó thì không nhiều. Đi ra ngoài không còn quá khó. Hãy đi và thấy nhiều hơn!