Tại sao chúng ta luôn lo sợ và không cho phép bản thân nhìn nhận vấn đề một cách tích cực?

02/02/2016 11:13 AM | Sống

Bạn có thể học để biến những suy nghĩ tiêu cực thành suy nghĩ tích cực.

Tôi mất đến 7 ngày lo lắng về cuộc điện thoại sắp tới với khách hàng. Tôi đang lo sợ rằng họ sẽ từ chối. Tôi cảm thấy lo lắng, căng thẳng, trong đầu tôi luôn lặp đi lặp lại những điều tôi muốn nói với họ.

Tôi bị mất ngủ nhiều ngày, dự đoán hết những trường hợp khách hàng có thể nói. Tôi đã để cho nỗi lo lắng làm hỏng bét những ngày tươi đẹp của mình.

Chúng ta lo lắng điều gì?

Theo nhiều nghiên cứu, trung bình mỗi người có khoảng 50.000 ý nghĩ mỗi ngày. Những suy nghĩ này đều có khả năng giúp bạn xây dựng sự tự tin, vượt qua rào cản đến với thành công hoặc thoát khỏi những hiểm nguy.

Tuy nhiên, những suy nghĩ tiêu cực có khả năng hạn chế quan điểm và lựa chọn của chúng ta. Bởi vì có quá nhiều thứ khiến ta lo nghĩ:

Lo sợ về tương lai: những gì có thể xảy ra, những cạm bẫy tiềm tàng có thể xảy đến.

Lo sợ về quá khứ: những gì chúng ta nên nói hoặc làm.

Lo sợ về hiện tại: bị lỡ một việc gì đó, lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình.

Đôi lúc, việc tự kỷ ám thị có thể đem lại những lợi ích nhất định. Nhưng nếu không làm chủ được bản thân, chắc chắn bạn sẽ phải trải qua giai đoạn khó khăn.

Điều rất thú vị là khi mọi thứ diễn ra không đúng kế hoạch, hầu hết mọi người sẽ nói với bản thân những điều tiêu cực. Chúng ta thường không cho phép bản thân mình nhìn nhận vấn đề một cách tích cực. Bạn không tin ư?

- Tưởng tượng xem khi bạn phải làm việc vất vả nhiều tháng trời cho một dự án và đã chuẩn bị một bài thuyết trình với ban điều hành. Trước buổi thuyết trình thì bạn nhận được thông báo rằng buổi thuyết trình bị hủy bỏ. Lúc này trong đầu bạn có suy nghĩ gì?

- Một đồng nghiệp trễ hẹn hoàn thành hồ sơ và họ đã hứa gửi cho bạn trong ngày hôm nay. Chợt điện thoại reo và người đồng nghiệp đó đang gọi bạn. Bạn đang nghĩ gì khi trả lời điện thoại?

- Một đồng nghiệp luôn ngắt lời bạn trong những buổi họp. Bạn tự suy nghĩ gì về động cơ của họ?

Kinh nghiệm chỉ ra rằng tâm trí của bạn sẽ luôn đưa đến những giả thiết tồi tệ nhất: Ban điều hành không biết họ đã làm gì; dự án của bạn không hề quan trọng; đồng nghiệp của bạn lại thất hứa và không hoàn thành công việc đúng hạn; đồng nghiệp đang không tôn trọng bạn.

Chỉ có một phần nhỏ sẽ suy nghĩ đến những điều tốt đẹp hơn. Ví dụ, “Ban điều hành rất tin tưởng tôi nhưng họ cần tập trung vào một vài điều khác gấp hơn.” “Đồng nghiệp của tôi gọi điện để báo rằng cô ấy hoàn thành tài liệu trước thời hạn.” “Đồng nghiệp đang cảm thấy phấn khích với những điều tôi nói.”

Trong trường hợp của mình tôi lo lắng về việc khách hàng có thể từ chối, mặc dù tôi chẳng có lý do hoặc dữ kiện nào khiến tôi có thê đưa ra kết luận này.

Tuy nhiên, bản thân tôi vẫn luôn có vướng mắc, bởi vì cảm giác thiếu tự tin. Những thứ có thể xảy ra không có nghĩa rằng nó sẽ xảy ra. Có một quy tắc đơn giản nhưng cần thiết phải ghi nhớ: Bạn không cần tin vào tất cả mọi thứ bạn nghĩ.

Trong trường hợp của tôi, một đồng nghiệp đã động viên và chỉ ra nguyên nhân những lo lắng của tôi. Cô ấy còn cho tôi gợi ý cho cuộc trao đổi sắp tới. Tôi cũng đã tự tin hơn khi hình dung tới một kết quả tích cực.

Bạn có thể học để biến những suy nghĩ tiêu cực thành suy nghĩ tích cực. Quá trình này rất đơn giản, nhưng nó mất thời gian và thực hành – trước hết bạn phải tạo ra một thói quen mới. Dừng lại và đánh giá những gì bạn đang suy nghĩ trong ngày. Nếu bạn thấy rằng suy nghĩ của bạn chủ yếu là tiêu cực, cố gắng tìm một cách để đặt một suy nghĩ tích cực vào chúng. Hãy tự cho phép mình mỉm cười, nhất là trong những thời điểm khó khăn.

Cuối cùng, bạn luôn phải nhớ rằng: Đừng tin vào tất cả mọi thứ bạn nghĩ.

Mai Lâm

Cùng chuyên mục
XEM