Phía sau hào quang người đẹp đăng quang Hoa hậu ở Venezuela
Venezuela nổi tiếng thế giới là cường quốc của các người đẹp với 6 Hoa hậu Thế giới, 7 Hoa hậu Hoàn vũ, 6 Hoa Hậu Quốc tế và 2 Hoa hậu Trái Đất.
Thế nhưng, cái giá phải trả để những người đẹp tại quốc gia này có thể chạm tay vào những chiếc vương miện danh giá là không hề nhỏ, thậm chí là đau đớn.
Những người xúc tiến các cuộc thi người đẹp tại Venezuela đã khuyến khích những cô bé mới 12 tuổi nâng mông hay làm mũi, và những cô bé 16 tuổi đi nâng ngực. Nhiều người còn phải phẫu thuật giảm cân bằng cách cắt bớt phần dưới ruột đi để tiêu hóa thức ăn nhanh hơn.
Wi May Nava, một thí sinh trong cuộc thi hoa hậu Venezuela năm 2013 đã thừa nhận với kênh BBC rằng cô đã khâu một tấm lưới plastic vào lưỡi để không ăn được các thức ăn cứng, cũng như nâng ngực, sửa răng và sửa mũi.
Theo tờ Daily Mail, một số bậc cha mẹ thậm chí còn cho con gái mới 8-9 tuổi của mình tiêm hormone để trì hoãn sự dậy thì và giúp các cô bé cao hơn.
"Giấc mơ của mọi cô gái ở Venezuela là trở thành Hoa hậu Venezuela. Ở đây vẻ đẹp tự nhiên không còn được coi trọng nữa. Người ta đang ca ngợi những phụ nữ có vẻ đẹp hoàn toàn giả tạo, những người đã đi chỉnh sửa cả cơ thể của mình," Taylee Castellanos, một nhà hoạt động xã hội cho biết.
Wi May Nava, một thí sinh thi Hoa hậu Venezuela năm 2013 thừa nhận mình đã phẫu thuật thẩm mỹ nhiều bộ phận trên cơ thể. (Nguồn: BBC)
Các nhà hoạt động xã hội đều phản đối các "học viện người đẹp" ở Venezuela. Những học viện này giống các khu trại tập luyện dành cho các cô gái xinh đẹp, và khuyến khích các học viên làm phẫu thuật chỉnh hình, cũng như dạy cách đi đứng và biểu diễn cho các bé gái từ 4 tuổi trở lên.
Belankazar, "trường hoa hậu" lâu đời nhất tại thủ đô Caracas nằm lọt giữa 600 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, và có khoảng 600 cô gái đang theo học ở đây.
"Danh hiệu Hoa hậu Venezuela không phải là một ví dụ tốt cho phụ nữ. Nhiều người sẽ làm mọi thứ để có vẻ ngoài giống như vậy," cô Castellanos cho biết, và nhấn mạnh rằng các trường đào tạo hoa hậu chỉ đang vẽ ra giấc mơ đổi đời cho nhiều gia đình nghèo khó ở Venezuela.
Giám đốc học viện Belankazar, Alexander Velasquez thì cho rằng những ngôi trường hoa hậu mang lại lợi ích cho quốc gia cũng như "đề cao hình ảnh cá nhân tốt đẹp." Tuy nhiên ông Velasquez cũng thừa nhận hầu hết cha mẹ học sinh trong trường có thu nhập thấp, chỉ khoảng 50 USD/tháng, và một nửa trong số đó là để đóng học phí, mua quần áo và đồ trang điểm cho con họ.
"Tôi không cho là Venezuela có những phụ nữ đẹp nhất thế giới, nhưng chúng tôi biết cách tạo ra những người phụ nữ đẹp và hoàn hảo. Đó là lý do chúng tôi luôn nổi bật trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế," ông Velasquez nói.
Bruno Caldieron, người sở hữu bản quyền 7 cuộc thi sắc đẹp ở Venezuela thậm chí còn từng cho phép một người mẫu được đeo khuôn chất dẻo rất chật quanh người để làm thon eo.
Các bé gái xếp hàng trong giờ học tại một trường đào tạo người mẫu ở Caracas. (Nguồn: Reuters)
"Nếu một cô gái có vòng bụng không phẳng, cô ấy nên đi hút mỡ. Nếu mũi cô ấy không đẹp, cô ấy nên đi phẫu thuật mũi," Caldieron chia sẻ.
Yorrgelys Mero, một học viên 15 tuổi của trường Belankazar cho biết giáo viên hướng dẫn của cô đã gợi ý cho cô đi làm mũi. Cô gái trẻ này hiện đang sống trong một ngôi nhà rách nát với bà của mình, người đã phải trả tiền cho cô đi niềng răng, và đang chuẩn bị phải vay mượn để cô được phẫu thuật thẩm mỹ.
"Nhiều người nói tôi phải đi sửa mũi. Tôi nghĩ tôi vẫn đẹp khi là chính mình, nhưng nếu đó là điều tôi phải làm để trở thành người đẹp nhất, tôi sẽ làm như vậy," Mero cho biết./.
Một bé gái học cách đi catwalk. (Nguồn: Reuters)
>> Quy trình tuyển dụng tiếp viên hàng không khó hơn thi hoa hậu của Air Asia
Mai Nguyễn