Nỗi khổ của những "thượng đế" du lịch bụi
Du lịch trải nghiệm cuộc sống ở những vùng đất mới luôn là niềm ao ước của nhiều người. Nhưng đôi khi, vấn đề tài chính đã tạo ra những rào cản vô hình khiến họ giảm đi nhiều hứng thú.
"Khéo co thì ấm"
Kinh tế khó khăn khiến nhiều người phải cắt giảm các khoản chi không thiết yếu. Để có một chuyến du lịch ưng ý lúc này là việc không đơn giản. Nhiều người phải vun vén, thắt lưng buộc bụng hàng tháng trời, cũng có người tự đặt ra cho mình hàng loạt quy tắc chi tiêu dè xẻn nghiêm ngặt.
Có hàng trăm thứ buộc khách du lịch phải móc hầu bao trong mỗi một chuyến đi chơi xa: phí đi lại, ăn ở, mua sắm, vé tham quan, dịch vụ y tế... Nếu không khéo thu vén, túi tiền của bạn sẽ vơi đi rất nhanh.
Thông thường, chi phí đi lại sẽ là khoản chi lớn nhất trong mỗi chuyến du lịch. Nhiều người cho rằng, muốn tiết kiệm tiền bạc cần phải giảm tới mức tối thiểu chi phí cho khoản này.
Chị Dung, 33 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tết vừa rồi nhà mình đi chùa Hương vãn cảnh 2 ngày nhưng chỉ tiêu hết có vài trăm nghìn đồng. Đó là vì hai vợ chồng tới ở nhờ nhà một người bạn thân giúp cắt giảm chi phí ăn ở, đi lại rất nhiều”.
Về phương tiện đi lại, để giảm thiểu chi phí, nhiều người thậm chí đã phải “mai phục” nhiều tháng trước chuyến đi để “săn” được vé máy bay ưu đãi. Chỉ cần chú ý theo dõi trên các website thông tin của các hãng hàng không là khách hàng có thể nhận được nhiều thông tin giảm giá, khuyến mãi hoặc voucher.
Anh Dũng, 27 tuổi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại có cách tiết kiệm kiểu khác. “Mình thường đi du lịch bằng xe tự lái. Giá thuê rẻ hơn so với giá vé nếu đi ô tô theo tour. Khi phải ra nước ngoài, mình lại dùng phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện để đi lại, chi phí rất rẻ”.
Của rẻ là của ôi?
Những năm trở lại đây, du lịch bụi (mới đây rộ lên với phong trào "phượt") ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Với một số tiền không quá lớn, các du khách có thể trải nghiệm một chuyến đi thú vị ở những vùng đất mới, nhất là chuyến du lịch nước ngoài.
Tuy nhiên, chấp nhận "xách ba lô lên và... phượt" đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận một số phiền toái, khó chịu có thể xảy ra trong chuyến hành trình của mình, nhất là khi ở những quốc gia hoàn toàn xa lạ.
Để tiết kiệm tiền phòng, nhiều khách phượt thường tìm thuê những nhà nghỉ bình dân giá rẻ được rao trên mạng. Dĩ nhiên, giá rẻ đi kèm với cơ sở vật chất thiếu thốn không khó để tránh được.
Văn Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) còn nhớ mãi kỷ niệm đi “phượt” ở Thái Lan cách đây 2 năm. Tìm được chỗ ở trong một khách sạn bình dân được quảng cáo trên mạng, Bình hoàn toàn sửng sốt khi tận mắt chứng kiến nhà nghỉ tồi tàn này ở bên ngoài.
Nhà nghỉ nằm trong con hẻm ẩm thấp, tồi tàn. Chăn gối gần như chưa được thay trong nhiều tháng, bốc mùi lạ. Để có được chăn gối mới, Bình đã phải trả thêm một phần phụ phí dịch vụ. "Có hôm mình đang tắm thì nước ngừng chảy. Chủ nhà nghỉ giải thích là vì cắt nước luân phiên", Bình nhớ lại.
Theo thống kê, chi tiêu bình quân của khách du lịch nội địa vào khoảng 1,1 triệu đồng/ngày cho một người. Trong đó, tiền chi cho phòng ở và đi lại chiếm tỷ lệ lớn nhất, kế đến là chi cho ăn uống và mua sắm hàng hóa. Như vậy, với một chuyến du lịch dài khoảng 4 - 5 ngày, số tiền có thể lên tới cả chục triệu đồng.
Khách muốn du lịch quốc tế thường chi trả nhiều hơn cho việc xuất ngoại. Trung bình, một du khách Việt Nam phải chi cho mỗi chuyến xuất ngoại khoảng 1.000 USD (khoảng hơn 20 triệu đồng).
Thế mới biết, thỏa được cái thú du ngoạn bốn phương khi hầu bao chật hẹp cũng khó lắm thay!
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hợp Quốc (UNWTO), doanh thu của ngành du lịch toàn cầu năm 2014 đạt trên 1.245 tỷ USD. Cũng theo đó, du khách Trung Quốc là những người chi tiêu nhiều nhất khi du lịch nước ngoài với số tiền lên tới 165 tỷ USD. Năm 2014, người Mỹ chi 112 tỷ USD cho du lịch nước ngoài, tăng 7% so với năm trước đó. Người Đức cũng hào phóng chi ra 92 tỷ USD cho du lịch.
Quỳnh Chi