Những quả bong bóng từ làn sóng Hallyu

23/04/2014 20:00 PM | Sống

Bằng các bộ phim Hàn Quốc, các bạn trẻ Việt đã được cấy vào một tư tưởng: "Đi làm tập đoàn lớn mới là khẳng định đẳng cấp".

Tôi chỉ muốn nhắc đến điều này như một sự nhắc nhở, có thể hình mẫu lý tưởng của các bạn không phải tự nhiên mà có, có khi bị định hướng bởi một thao tác văn hóa nào đó. Hãy cảnh giác với điều ấy, bởi có thể, khi bong bóng vỡ, bạn lại vỡ mộng và bắt đầu oán trách...

Phim Hàn Quốc bắt đầu vào Việt Nam từ khi tôi đang học lớp 4, lớp 5 và nhanh chóng chia thị phần với phim Tàu, phim Hồng Kông. Còn nhớ phim đầu tiên tôi xem là "Yumi, tình yêu của tôi", rồi sau đó là "Cảm xúc", "Người mẫu", "Ông trùm"... Từ sau loạt phim "Trái tim mùa thu", "Bản tình ca mùa đông", Hương mùa hè", tôi thấy phim Hàn Quốc tuột dốc một cách khó lý giải. Về ca khúc giải trí tôi không biết nhiều, chủ yếu nghe phần soundtrack của các phim, thấy khá thú vị. Nhưng ngay khi phim tụt dốc thì ca khúc trong phim cũng nhảm theo. Và lúc bắt đầu đã mất hứng với phim và ca khúc Hàn, tôi mới ngồi ngẫm lại xem, tại sao tôi và mẹ tôi, bạn bè của tôi... nói chung phái nữ, lại thích văn hóa giải trí Hàn Quốc đến vậy.

Một anh bạn có nói với tôi rằng phụ nữ hay thích bong bóng, có nghĩa là hay thích tưởng tượng, đặc biệt là trong tình yêu. Khi gặp một anh chàng có vẻ hợp, hầu như bạn gái nào cũng vẽ ra trong đầu mình những khung cảnh lãng mạn, những tình huống kịch tính. Phim Hàn Quốc thỏa mãn chị em phụ nữ bởi khả năng thỏa mãn trí tưởng tượng yêu đương của phụ nữ. Trong khi có vẻ đàn ông thích những màn tình tứ trên giường ngủ của Âu-Mỹ hơn, thì bạn gái nào cũng mơ mộng về một người yêu mình hết mực, quằn quại vì mình, suốt ngày lẽo đẽo theo đuôi mình, và thậm chí chết vì mình. Điều này hiếm khi chúng ta gặp được trong phim Tàu. Đa phần phim Tàu hay vẽ ra mẫu đàn ông vì sự nghiệp và thỉnh thoảng mới ra tay bảo vệ người yêu của mình. Có vẻ hình tượng này không thể thỏa mãn mong muốn của các chị em.

Đây là một dạng bong bóng tình yêu dễ nhận thấy. Cuộc sống đời thường làm gì có cái tình yêu như bị bỏ bùa như thế, nhất là cái kiểu đeo bám của các "anh giai" trong phim Hàn có khi bị coi là bệnh hoạn cũng nên. Nhưng đó lại là điều phụ nữ mơ ước. Bong bóng này sẽ nhanh chóng vỡ và các bạn gái chẹp miệng kết luận rằng: "Trai Việt chán chết!". Mà thực ra là trai Hàn Quốc ngoài đời thực cũng không khác trai Việt là mấy.

 

Bong bóng thứ hai tôi muốn nhắc tới liên quan đến vấn đề thực dụng hơn: đời sống kinh tế. Phim Hàn Quốc vẽ ra những gia đình giàu có với đời sống như công chúa, hoàng tử. Đây là đời sống của những ông chủ tập đoàn lớn. Và mục đích của mọi người trẻ tuổi trong phim Hàn Quốc đó là đạt chức vụ cao, thậm chí làm ông chủ trong một tập đoàn. Điều này, một cách vô thức, đã ảnh hưởng không ít đến lối nghĩ của các bạn trẻ nước ta. Thay vì động lực là theo đuổi đam mê (như phim Mỹ), hay giấc mộng bá quyền (như phim Trung Quốc) thì phim Hàn tạo ra động lực: học mấy trò kinh doanh, vào tập đoàn làm việc, kiếm nhiều tiền... và thế là chúng ta thành công trong cuộc sống.

Thế nên, đi cùng với sự ảnh hưởng của phim ảnh, các tập đoàn Hàn Quốc cũng theo đó mà tấn công vào thị trường Việt Nam và biến Việt Nam thành nhà máy rẻ tiền cho họ. Bằng các bộ phim Hàn Quốc, các bạn trẻ Việt đã được cấy vào một tư tưởng: "Đi làm tập đoàn lớn mới là khẳng định đẳng cấp". Nhưng đến khi đi làm ở các tập đoàn, các bạn trẻ mới nhận ra là mình chỉ là cỗ máy làm việc theo lập trình, và lương thì không xứng đáng với công sức bỏ ra.

Bong bóng thứ ba cũng liên quan đến bong bóng thứ hai, nó nằm ở chủ nghĩa tiêu dùng. Chủ nghĩa tiêu dùng luôn gắn với vai trò của tập đoàn. Tập đoàn cần bao trọn thị trường, vậy nên họ cần phải đẩy mạnh truyền thông để kích thích người dân mua hàng nhiều hơn. Muốn mua hàng nhiều hơn, xịn hơn, người dân phải chăm chỉ làm việc hơn, và chấp nhận mọi sự vận hành của hệ thống tập đoàn. 

Phim ảnh đã giúp các tập đoàn làm điều này khi vẽ ra đời sống quý tộc và vương giả của các gia đình thượng lưu. Hơn thế nữa, các ngôi sao showbiz Hàn lại càng nhấn mạnh sự kích cầu này khi họ trở thành biểu tượng quảng cáo cho các tập đoàn và là những người tạo ra mốt thời trang, mốt ăn chơi cho xã hội Hàn Quốc. Người dân sẽ luôn có xu hướng mua những đồ giống các ngôi sao của mình, có như vậy mới khẳng định đẳng cấp. Tình trạng này của Hàn  Quốc có lẽ là do ảnh hưởng của giới showbiz Hollywood.


Bong bóng thứ tư liên quan đến giới tính. Có lần dự một buổi workshop của các em học sinh trường Ams phân tích về sự áp đặt giới tính của truyền thông, tôi được nghe một phân tích khá thú vị. Trước đây, vẻ đẹp đàn ông được thể hiện qua sức mạnh, với kiểu đẹp trai rất "manly" mà ta thường thấy ở phương Tây hay Trung Quốc. Nhưng Hàn Quốc đã làm điều ngược lại, đàn ông Hàn Quốc luôn xuất hiện trên màn ảnh một cách khá nữ tính, thậm chí có vẻ unisex (phi giới tính). Và thế là trào lưu bắt chước phim Hàn diễn ra, các bạn trai cũng dần "lả lướt" đi. 

Các bạn gái tuổi teen cũng có xu hướng chuyển sang thích các mẫu đàn ông ăn mặc chải chuốt, dáng người nhỏ, nét mặt hơi có tính nữ, hơn là những anh chàng cao to, vạm vỡ. Hậu quả của việc này là gì có lẽ tôi không dám bàn tới. Tôi chỉ muốn nhắc đến điều này như một sự nhắc nhở, có thể hình mẫu lý tưởng của các bạn không phải tự nhiên mà có, có khi bị định hướng bởi một thao tác văn hóa nào đó. Hãy cảnh giác với điều đấy, bởi có thể, khi bong bóng vỡ, bạn lại vỡ mộng và bắt đầu oán trách...

Bong bóng thì rất nhiều, kể ra có thể không hết, bởi tôi không phải người quá say mê phim Hàn Quốc. Dù sao đó cũng chỉ là dòng văn hóa giải trí, và với tôi những gì giải trí thì xem một lần rồi quên. Tôi cũng đã từng có thời thích thú với những cái bong bóng kiểu này, và cũng từng chọc cho bong bóng đấy vỡ. Và sau khi các bong bóng vỡ thì tôi nhận ra rằng không nên quá coi thường văn hóa giải trí của đại chúng, bởi có thể nó sẽ lái xã hội đến một tương lai mà các chính trị gia không thể dự đoán được.


Theo Nhà văn Hà Thuỷ Nguyên

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM