Người giàu Trung Quốc chịu nhiều áp lực

23/11/2012 08:15 AM | Sống

Theo các nhà xã hội học, người dân nước này luôn cảm thấy áp lực vì phải lo chi phí sinh hoạt, thăng tiến và củng cố địa vị đến nỗi chẳng có thời gian để tận hưởng cuộc sống.

Nhiều nghiên cứu gần đây tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho thấy: Tiền giúp họ mua được nhiều ôtô và túi xách, nhưng không thể làm cho họ hạnh phúc. Trên thế giới, nhân viên văn phòng nước này là những người có khả năng lớn nhất tuyên bố rằng họ ngày càng cảm thấy áp lực. Mức độ thỏa mãn cuộc sống của người dân Trung Quốc cũng giảm liên tục từ năm 1990.

Rebecca Jiang, một công chức 29 tuổi tại Bắc Kinh cho biết: "Thi thoảng tôi cảm thấy như đang lái xe trên đường cao tốc, lướt hết chỗ nọ đến chỗ kia mà quên mất lý do và cũng chẳng biết đích đến". Đối với nhiều người, Jiang có một cuộc sống như mơ: từ An Huy lên Bắc Kinh học Đại học năm 2002, lấy bằng cử nhân và thạc sĩ tại các trường tên tuổi, thi công chức đạt điểm cao và vừa lập gia đình hồi tháng 6.

Tất cả những thành công đó không thể giúp cô xua tan cảm giác đang chạy đua với cuộc sống. Jiang nói: "Tôi chẳng có thời gian hay sức lực để tận hưởng thành công. Tôi quá bận rộn đến nỗi chẳng biết mình muốn gì và muốn trở thành ai nữa".

Chồng Jiang đang làm việc cho một công ty đa quốc gia và cũng bận rộn không kém. Cô than thở: "Chúng tôi quá mệt mỏi để chuyện trò với nhau. Đến tối, cả hai lại phải đi ngủ luôn để sáng còn dậy sớm. Công việc của tôi cũng chẳng tuyệt vời đâu, làm việc như robot và phải luôn nghe lệnh người khác".

Khảo sát gần đây của Học viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh cho thấy một phần năm người Trung Quốc nhận định cuộc sống có cải thiện chút ít trong giai đoạn 2005 - 2011. Tuy nhiên, có tới hai phần năm cho rằng họ chỉ cảm thấy mệt mỏi hơn.

Xia Xueluan, nhà xã hội học tại Đại học Bắc Kinh cho biết: "Sự thay đổi nhanh chóng của Trung Quốc cũng như bất ổn về tương lai đã khiến nhiều người bị áp lực tâm lý. Hạnh phúc không phải chỉ đo bằng tiền. Với những người từ thành phố khác, họ còn phải lo chi phí sinh hoạt. Trong khi các nhân viên văn phòng ở thành thị lại chịu áp lực về thăng tiến và danh vọng".

Một cuộc khảo sát của Pew Global Attitudes Project cũng hé lộ người Trung Quốc ngày càng tin rằng nước mình không chỉ có sự bất bình đẳng về thu nhập, mà còn là về cơ hội. Cứ 10 người thì lại có tám đồng ý rằng: "Người giàu đang ngày càng giàu lên, và người nghèo cũng ngày càng nghèo đi".

Han Cheng - một nhà phân tích tại Bắc Kinh cho biết: "Trung Quốc đang có cấu trúc thu nhập rất lệch lạc. Với những người trẻ, việc kiếm tiền lại càng khó khăn hơn. Hồi xưa, mọi người đều nghèo như nhau và chẳng ai được ưu tiên cả. Nhưng dần dần, tầng lớp được ưu tiên hình thành, và những người thuộc nhóm đó sẽ hưởng lợi rất nhiều từ gia đình".

Richard A. Easterlin - một nhà nghiên cứu tại Đại học Nam California cho biết: "Có người sẽ hỏi tại sao GDP Trung Quốc tăng nhanh như thế, mà độ thỏa mãn cuộc sống lại giảm? Câu trả lời nằm ở thói quen so sánh thu nhập và mong muốn vật chất của người Trung Quốc. Nó có xu hướng phủ nhận tác động của thu nhập tăng. Nói một cách dễ hiểu, chỉ có tiền thì chưa chắc mang lại hạnh phúc, nhưng nếu bạn kiếm được nhiều tiền hơn hàng xóm thì có thể".

So sánh cuộc sống của mình với người chị họ tại quê, Jiang tỏ ra bối rối. Chị cô chỉ đi bộ mất 5 phút để đến cơ quan, làm việc vài giờ, có nhà lớn hơn và tiêu cũng ít tiền hơn. Jiang nói: "Thỉnh thoảng tôi băn khoăn không hiểu sao mình lại phải bám trụ Bắc Kinh. Nhưng rồi sau đó lại nhận ra cuộc sống này sẽ giúp con tôi có nền tảng vững hơn, dù biết chi phí sinh hoạt sau khi có con sẽ rất đắt đỏ".

Theo Hà Thu 
Vnexpress/Business Week

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM