Mùa Tết trong phố
Mấy năm nay Tết đến sớm vì người ta sống ảo nhiều quá, nên Tết dĩ nhiên dễ dàng hiện diện sớm trên mạng xã hội.
Tiếp theo thương mại điện tử, chợ truyền thống đang bị chợ trực tuyến áp đảo, nên mới đầu tháng Chạp, hàng Tết, quà Tết đã tràn ngập mạng. Thế nhưng cái gì quá nhiều cũng có tác dụng ngược. Hàng trên mạng, từ cam sành Bắc Giang đến áo váy Sài Gòn, món nào cũng lung linh rất ảo, biết rằng thời đại này, dù trên mạng ảo vẫn rất thật vì chỉ cần một lời than phiền về chất lượng, có khi "chết dở" cả làng nghề, cả ngành nghề!
Thấy hàng hóa trên mạng lung linh, bỗng thương quá một anh bán cam đứng lớ ngớ trên con đường nằm giữa Hội An và Đà Nẵng. Gần Tết, cái bảng giá "Cam sành 15.000 đồng/ký” lạc lõng giữa con đường lớn mới xây dựng, ghé vào chỗ đám cây non mới trồng. Mắt người qua lại ngó cái bảng, quét xuống giỏ cam vừa to vừa tươi, rồi dứt khoát quay đi, lẩm bẩm "lại cam ngâm hóa chất!".
Có lẽ trong bài toán "kiếm tiền ăn Tết" của người đàn ông thật thà đó, lời giải là chọn phương án vốn bỏ ra thấp, bán rẻ sẽ ít rủi ro. Nhưng bài toán quá thật thà ấy không hợp với logic xã hội "của rẻ là của ôi", nên tôi cứ thấy ái ngại khi nhớ đến dáng người thấp bé lủi thủi, ngơ ngác của người đàn ông bán cam.
Tháng Chạp, đường phố thay đổi rất nhiều, đó là khoảng thời gian người nghèo hớt hải kiếm tiền tiêu Tết, mon men vào tận những khu trung tâm sầm uất vì Tết đuổi sau lưng. Có thể vì vậy, trong quá trình quy hoạch, các chợ hoa lớn chỉ được phép ở vùng ngoại ô.
Thế mà cứ 22 tháng Chạp, giữa phố trung tâm lại thấy mấy cái chợ gốm, chợ mai núi chễm chệ, mà người bán toàn dân nghệ sĩ và người nghèo. Trông cái chợ giữa phố đông vui khá luộm thuộm, nhưng người bao dung thì nghĩ đó là chút gì còn sót lại của cái thủa xưa túng thiếu, phố sá chưa hiện đại. Khi nào hết người nghèo thì những cái chợ Tết dã chiến đó cũng sẽ biến mất.
Cái nghèo để lại chút bùi ngùi thương nhớ, nhưng cái vui vẫn là cái chủ đạo tràn ngập phố phường. Mấy cái Tết nhuốm màu ảm đạm giữa cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dẫn đến sự sa sút của các doanh nghiệp Việt, khiến túi tiền của từng gia đình càng thêm eo hẹp cũng đã qua đi.
Siêu thị nườm nượp người mua sắm cũng tạo ra cái Tết vui. Doanh nghiệp vắt óc nghĩ ra món Tết vừa túi tiền người có thu nhập trung bình. Người nghèo cũng cố gắng đem không khí Tết vào nhà nên đổ đi tìm mọi cách mua sắm hợp lý. Cả hai gặp nhau tạo ra luồng sinh khí hào hứng thổi vào xã hội.
Ngay thành phố, người trung lưu vẫn chưa chiếm ưu thế như các nước phát triển hoặc đang phát triển, nên thị trường phải dựa vào mức chi tiêu, khẩu vị của người nghèo. Dù sao Tết năm nay, người nghèo đỡ "tức thở" thì doanh nghiệp hẳn cũng đỡ hồi hộp đọng hàng. Mà đọng hàng Tết thì buồn lắm!
Và năm nay cái lạnh cuối năm cũng sơ sài làm cho cây cối dường như đón Xuân sớm. Bỗng nhớ sao cái Tết năm ấy trên đường Hà Nội - Lạng Sơn, trời mưa phùn, rét căm căm, một dòng sông hoa đào trôi trong màn mưa xám lạnh.
Hàng trăm người phóng vùn vụt chở hoa đào núi từ xứ Lạng về xuôi kịp bán nốt phiên chợ sáng 30 Tết, phiên chợ cũng của người nghèo đi mua hoa vét. Họ đi trong niềm hy vọng bán nốt chỗ hoa này sẽ kịp đón Xuân.