Lịch sử sau ánh hào quang lấp lánh của những viên kim cương
Rất nhỏ và rất hiếm, nhưng những viên kim cương luôn khơi gợi lòng mê đắm vô tận đối với nhân loại. Những viên kim cương dù bé nhỏ nhất cũng đều có lịch sử và nét quyến rũ riêng.
Nội dung nổi bật
Kim cương là loại quặng quý hiếm nhất trên thế giới đại diện cho quyền năng và vẻ đẹp thanh khiết. Kim cương được ghi chép lần đầu 800 năm trước Công nguyên và được săn lùng và tìm kiếm từ thời cổ đại đến hiện đại.
Thậm chí, những viên kim cương là chiến lợi phẩm của một cuộc chiến tranh trở thành những viên kim cương đầy máu được bán trôi nổi trên chợ đen, đặc biệt là ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.
Giá trị của kim cương thể hiện ở: trọng lượng carat, màu sắc, độ trong suốt và độ cân xứng của những đường cắt một viên kim cương thành phẩm.
Giá của những viên đá quý này tăng lên đến 12% trong suốt 5 năm gần đây và dự đoán giá kim cương sẽ còn tăng nữa trong vòng 4 năm tới,
Hấp dẫn bởi khả năng phản chiếu ánh sáng, kim cương là biểu tượng của vẻ đẹp thanh khiết, hoàn hảo và đầy quyền năng. Loại quặng quý hiếm này không chỉ có độ cứng tự nhiên cao nhất mà còn được ngưỡng mộ và săn lùng nhiều nhất trên thế giới.
Bước ra từ những câu chuyện cổ tích và được nuôi dưỡng trong thần thoại, bàn tay tài hoa của những nhà giả kim thuật hiện đại đã nhào nặn từ một viên đá đầy góc cạnh thành những viên kim cương mang một giá trị mới hoàn toàn khác.
Ngay từ thời cổ đại, những truyền thuyết đã ám chỉ những thung lũng ngập tràn kim cương được bảo vệ bởi thế lực siêu nhiên. Cho đến ngày nay, những viên kim cương quý hiếm được đem bán cũng không hề mất đi màu sắc văn hoá truyền thống.
Có người chỉ đeo đuổi những viên kim cương vì vẻ đẹp không tỳ vết của nó, những cũng không ít người trở nên giàu có nhờ gia công và kinh doanh những viên đá carbon đa diện này.
Vài nét về lịch sử của kim cương
Được khai thác từ độ sâu hiếm thấy, xấp xỉ 150m xuyên vào lòng trái đất, kim cương được sinh ra từ nhiệt độ cao khoảng 4 tỷ năm trước đây, tức là tuổi thọ của kim cương gấp tới 600 lần tổ tiên cổ xưa nhất của loài người.
Mặc dù kim cương là một dạng của carbon, nguyên tố phổ biến nhất trên Trái Đất, nhưng nó rất quý hiếm. Khi một ngôi sao chết đi, nó sẽ nổ tung, hàng tỷ tỷ tấn carbon sẽ tung vào không gian, một trong số đó sẽ rơi xuống trái đất.
Tài liệu đầu tiên có nói về việc sử dụng kim cương là từ năm 800 trước CN tại Ấn Độ, nhưng dường như loài người đã biết đến kim cương từ hơn 3.000 năm trước. Tuy nhiên, cho đến tận năm 327 Trước CN, Alexander Đại Đế đã mang viên kim cương đầu tiên từ Ấn về châu Âu.
Về sau, kim cương vẫn chưa được chế tác theo cách người ta vẫn làm thời nay. Nó vẫn mang nguyên hiện trạng như lúc được khai thác từ mỏ. Rất nhiều người đeo kim cương vì nghĩ rằng họ sẽ được bảo vệ khỏi ác quỷ và tà ác, kim cương được xem như mộ bùa phép may mắn tại các chiến trường khốc liệt.
Người Hy Lạp cổ đại đã tin rằng kim cương là những mảnh vỡ của các ngôi sao, nước mắt của Thượng đế đã rơi xuống Trái Đất.
Trong thời Trung cổ, loài người bắt đầu rũ bỏ những giá trị văn hoá mà người cổ đại vẫn tôn thờ, quay trở lại với những thói quen mê tín. Họ tin rằng nếu họ sở hữu một viên kim cương thì tất cả bệnh tật đều được chữa lành, người ốm yếu sẽ lại khoẻ mạnh tráng kiện như cũ.
Những người sở hữu mỏ quặng đã hiểu được độ trân qúy của những món đồ họ đang nắm giữ, họ lợi dụng sự thiếu hiểu biết và mù quáng của người dân để lan truyền tin đồn rằng thực tế kim cương là một vật chất độc hại. Nhờ đó, họ có thể kiểm soát được những thợ mỏ và ép họ tự từ bỏ thói quen trộm kim cương bằng cách nuốt chúng vào bụng.
Năm 1458 tại Bỉ, Lodewyk van Berquem đã cố gắng để cắt gọt kim cương từ bột trầm tích của chính những vết cắt đó. Cũng chính vào thời Trung cổ này mà những viên kim cương nổi tiếng như The Hope và The mountain of Light đã được phát hiện tại Ấn Độ.
Mỏ kim cương lớn nhất trong lịch sử được tìm thấy ở Golconda, Ấn Độ, hiện nay đang bị khai thác kiệt quệ đến mức gần đóng cửa. Mỏ kim cương này đã hoạt động được gần 2.000 năm, kể từ năm 300 trước CN cho đến tận thế kỷ 18. Cùng với mỏ Borneo, mỏ Golconda là hai nguồn cung cấp kim cương chính cho tới năm 1725, khi mà trữ lượng mới được phát hiện tại Brazil và sau đó là gần dòng sông Orange ở Nam Phi và dọc theo song Argyle tại Úc.
Đến thế kỷ 19, người ta sục sạo tìm kiếm kim cương, nhu cầu về kim cương là nhiều hơn bao giờ hết. Các chợ đen bùng phát. Gần đây hơn, kim cương trở thành lý do chính đằng sau rất nhiều cuộc chiến tranh và xung đột tại các nước thuộc Thế giới thứ ba.
Xem thêm: Châu Phi, Kim cương máu và Global Witness
Những viên kim cương là chiến lợi phẩm của một cuộc chiến tranh trở thành những viên kim cương đầy máu được bán trôi nổi trên chợ đen để nuôi lính và cổ vũ chính sách khủng bố, đặc biệt là ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.
Liên Hợp quốc đã nhận định những viên kim cương máu được buôn bán trong năm 1998 là nguồn tài chính cho những cuộc chiến tranh. Liên hợp quốc đã áp dụng Quy trình Kimberley, một chiến dịch tìm kiếm những tài liệu về nguồn gốc của những viên kim cương đến từ những quốc gia thuộc thế giới thứ ba, từ đó có thể kiểm soát được việc buôn bán tại các chợ đen.
Tuy nhiên, điều đáng báo động hơn là để khai khác những viên kim cương này, cái giá phải trả là sự lạm dụng lao động tàn bạo và sự vi phạm quyền con người một cách trắng trợn.
Kim cương luôn là bạn qúy của mọi phụ nữ
“Kim cương luôn là bạn qúy của mọi phụ nữ”, hoặc chí ít đó cũng là những gì mà Marilyn Monroe từng nói. Tuy nhiên, bạn không thể phủ nhận rằng bất kỳ phụ nữ nào cũng đều “sướng run” khi có được một viên kim cương.
Mua bán kim cương giờ đây đã trở thành một trong những ngành kinh doanh béo bở nhất trên thế giới, với sự tham gia của hàng trăm nhà kim hoàn tay nghề lão luyện được cho phép phân tích, chế tác và bán hàng triệu triệu viên kim cương, mà hầu hết là chỉ nặng một vài carat, khiến cho nhiều phụ nữ hơn có cơ hội được nạm một trong số những viên kim cương này lên chiếc nhẫn hoặc vòng cổ ưa thích.
Những viên đá quý hiếm này luôn được coi là biểu tượng của vẻ đẹp và sự thanh khiết tối thượng, đồng thời là biểu trưng cho sự giàu có vô biên. Kim cương thường là sự lựa chọn hoàn hảo cho những lời đính hẹn, những chiếc nhẫn cưới, bởi lẽ sự trong suốt sâu thẳm của kim cương nhấn mạnh tình yêu sâu sắc và chân thành. Chiếc nhẫn kim cương đầu tiên trong lịch sử được công tước Archuduke Maximillian ở Úc dùng để cầu hôn công nương Mary Bungundy vào năm 1477.
Kích cỡ của kim cương cũng không quá quan trọng. Một viên kim cương cỡ bự không hẳn đã là một viên kim cương đắt nhất. Có bốn lưu ý cần thiết khi chọn mua kim cương: trọng lượng carat, màu sắc, độ trong suốt và độ cân xứng của những đường cắt một viên kim cương thành phẩm.
Những viên qúy giá nhất thường không màu, còn màu sắc thông dụng hơn là vàng, trong khi đó, những viên kim cương đắt nhất từ trước tới giờ thường có màu hồng, xanh dương hoặc xanh lá.
Độ trong suốt của kim cương thể hiện ở độ sạch của viên đá qúy giá này, chỉ cần một vẩy gợi thôi là mọi giá trị đã không còn nữa. Carat là hệ thống đo lường được sử dụng để định lượng một viên kim cương, mỗi carat tương đương 1/5 gram.
Những nhà đầu tư đang dần rút chân từ lĩnh vực kinh doanh vàng và chuyển sang nhìn nhận nhiều hơn về kim cương. Giá của những viên đá quý này tăng lên đến 12% trong suốt 5 năm gần đây, trong khi giá vàng giảm đến 37% tính trong 3 thập kỷ vừa qua.
Người ta ước tính rằng, giá kim cương sẽ còn tăng nữa trong vòng 4 năm tới, bởi lẽ cầu về loại hàng hoá cực kỳ xa xỉ này đang ngày một tăng cao, hơn nữa, những thập kỷ qua vẫn chưa ghi nhận thêm một mỏ mới nào trong khi những mỏ hiện tại đang dần cạn kiệt.
Archduke Joseph đã phá kỷ lục về giá kim cương khi bán viên kim cương 76,02 carat với giá 21,47 triệu USD tại một phiên đấu giá của nhà Christie tại Geneva tháng 11/2012. Viên kim cương này được tìm thấy tại mỏ Golconda tại Ấn Độ, được bán với giá 282.485 USD cho mỗi carat, khiến nó trở thành viên kim cương đắt giá nhất trong lịch sử. Viên đá quý này là viên kim cương đẹp hoàn hảo nhất tại mỏ Golconda, màu sắc tinh tế và cấu trúc không tỳ vết của nó luôn được giới kim cương ca tụng.
Tuy vậy, viên kim cương nổi tiếng nhất của mọi thời đại vẫn là Koh-I-Noor, cũng đến từ mỏ Golcondanặng 105 carat, bây giờ là một phần trong bộ sưu tập đá quý nổi tiếng của hoàng gia Anh, hiện đang ngự trên vương miện của nữ hoàng Anh.
Viên kim cương xanh Dresden 41 carat, viên Regent 141 carat đang được trưng bày tại Louvre có giá ước tính khoảng 80 triệu USD.
Viên kim cương Blue Hope, và The spirit of de Grisogono là những viên kim cương đen đã được gia công với trọng lượng không dưới 312,24 carat, là viên kim cương trong suốt nhất, giá trị nhất và nổi danh nhất trên thế giới.
>> Chiêm ngưỡng viên kim cương hồng đắt nhất thế giới
Phong Linh