Đừng lo lắng khi con trẻ khởi đầu không lanh lợi

01/02/2015 09:35 AM | Sống

Tính cách chậm chạp và cẩn thận luôn là khởi nguồn hình thành nên những đặc điểm thường thấy ở người xuất chúng – kiên nhẫn, điềm tĩnh và trung thực.

Nội dung nổi bật:

- Rất nhiều trường hợp người thành công có khởi đầu từ nền tảng không tốt, thua kém với bè bạn và được đánh giá là chậm chạp không lanh lợi.

- Tuy nhiên những đức tính cẩn thận, chậm chạp ấy lại là khởi nguồn hình thành nên những đặc điểm thường thấy ở người xuất chúng – kiên nhẫn, điềm tĩnh và trung thực. 


Nếu con trẻ được nhiều người nói là không lanh lợi hay học không giỏi thì bạn cũng đừng vì thế mà lo lắng. Đúng là khi có chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát và không như ý muốn thì chúng ta hoàn toàn có thể bất an và suy nghĩ.

Điều tương tự cũng từng xảy ra với bậc cha mẹ của những thiên tài trên thế giới. Thuở nhỏ, họ nhận thấy được con mình không nhanh nhẹn như những đứa trẻ cùng trang lứa. Thậm chí còn được xem là chậm phát triển về mặt trí tuệ. Vậy thì họ có lo lắng không. Có, một số ít lo lắng. Còn lại, họ để tâm tới vấn đề nhiều hơn.

Như vậy, đâu là sự khác biệt giữa để tâm và lo lắng. Theo như Dale Carnegie thì “để tâm” là nhận diện vấn đề rồi bình tĩnh giải quyết từng bước một. “Lo lắng” là đi tới đi lui rồi phát điên trong cái vòng suy nghĩ luẩn quẩn mà không tìm thấy được hướng giải quyết đúng đắn.

Nếu con trẻ luôn đạt điểm cao và được thầy cô giáo khen ngợi là thông minh thì quá tốt. Nó đang sỡ hữu một nền tảng tốt để thành công. Ngược lại, nếu chúng gặp khó khăn trong việc học thì đừng vội kết luận chúng không lanh lợi. Vì tính cách chậm chạp và cẩn thận luôn là khởi nguồn hình thành nên những đặc điểm thường thấy ở người xuất chúng – kiên nhẫn, điềm tĩnh và trung thực. 

Như trường hợp của Thomas Edison, nhà phát minh ra bóng đèn chiếu sáng cả thế giới. Hồi bé, Edison là một cậu nhóc học đâu quên đấy và luôn bị điểm kém. Các thầy dạy nói rằng Edison không thể học được. Trong lớp, Edison hết mơ mộng rồi lại nói chuyện nên ông được xếp ngồi ở hàng đầu bàn gần thầy giáo nhất. Đó là vị trí dành cho những học sinh yếu kém. 

Không thể tiếp thu lời giảng, lại còn hay đặt ra những câu hỏi ngớ ngẩn với thầy giáo cho nên Edison chỉ trụ được trên ghế trường làng tầm ba tháng rồi phải nghỉ. May thay, người mẹ của Edison lại không nghĩ như thế. 

Bà để tâm đến tới các rắc rối của cậu con trai nhưng cố gắng không quá lo lắng. Do vậy, mẹ của Edison cần mẫn đóng vai trò là giáo viên tiếp tục dạy ông học. Thậm chí bà còn cho rằng ông rất thông minh và cam đoan là Edison sẽ thành công trong tương lai. Bà khuyến khích ông theo đuổi đam mê cũng như đặt trọn niềm tin vào mọi việc mà ông làm. 

Henry Ford từng nói mọi điều đều có thể xảy ra chỉ cần có niềm tin. Ông cũng giải thích rằng: “Niềm tin là điều tạo nên tất cả những gì chúng ta hy vọng. Đó là bằng chứng của những điều còn chưa được nhìn thấy nhưng nhất định sẽ xảy ra.”

Tại sao Ford có thể khẳng định chắc chắn như thế? Đó là bởi ông cũng nhận được niềm tin từ chính người mẹ của mình rằng ông sẽ là một thợ máy bẩm sinh. Và bà vẫn ủng hộ, khuyến khích, dù cho người cha phản đối lựa chọn sự nghiệp của Ford.

Nếu bạn có một em bé không thích sách vở nhưng lại tỏ ra thích thú đặc biệt với những loại đồ chơi thì biết đâu em bé đó sẽ trở thành Henry Ford của Việt Nam. Thủa nhỏ Henry Ford cũng rất biếng học, ngồi trong lớp luôn lén nói chuyện với bạn bè về máy móc. Vì vậy, ông trả hết kiến thức cho thầy cô và luôn gặp khó khăn trong chuyện học hành.

Cha Ford rất lo lắng cho tương lai của ông sau này. Ông hoàn toàn không ủng hộ sở thích máy móc của Ford. Ngược lại, mẹ ông lại đặt niềm tin vào đam mê của ông. Và như chúng ta thấy, mẹ của Ford đã hoàn toàn đúng.

Còn rất nhiều trường hợp mà người thành công bắt đầu từ một nền tảng không tốt và thua kém xa so với bè bạn. Vì thế, đừng quá lo lắng khi con trẻ không lanh lợi!

>> Phụ huynh có nên cho con trẻ biết sự thật về Ông già Noel?

Đinh Lộc

đinh lộc

Cùng chuyên mục
XEM