Dân Sài Gòn rộ mốt ăn nhà hàng Nhật

04/05/2013 15:36 PM | Sống

Chỉ tính riêng tại TP.HCM đã có hơn 250 nhà hàng Nhật Bản, chưa kể các siêu thị, cửa hàng bán lẻ kinh doanh thực phẩm Nhật.

Sự đón nhận của nhiều người dân VN với ẩm thực Nhật đã khiến số lượng nhà hàng Nhật tại VN tăng nhanh chóng. Chỉ tính riêng tại TP.HCM đã có hơn 250 nhà hàng Nhật Bản, chưa kể các siêu thị, cửa hàng bán lẻ kinh doanh thực phẩm Nhật.

Không chỉ hút một lượng khách đáng kể, sự xuất hiện những chuỗi cửa hàng kéo theo việc hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm Nhật ngay tại VN.

90% là khách Việt

Nếu như trước đây nhà hàng Nhật được mở ra chỉ ở một số khu vực của TP.HCM như Lê Thánh Tôn, Thi Sách, Ngô Văn Năm (Q.1)... để phục vụ người Nhật đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM thì hiện nay có thể dễ dàng tìm thấy nhiều nhà hàng Nhật ở các quận thuộc TP.HCM. Sự gia tăng thương hiệu, cửa hiệu nhà hàng Nhật làm các món Nhật vì thế cũng khá đa dạng, từ các loại sushi, sashimi, tempura đến các món chế biến mang đặc trưng hơn như mì ramen Nhật, gà nướng Nhật Bản...

Chị Thùy Dương, nhân viên công ty quảng cáo làm việc tại Q.1, cho biết thường cùng đồng nghiệp đến những nhà hàng Nhật để ăn trưa hoặc họp nhóm. Ngoài không gian khá bắt mắt thì các món Nhật thường được chế biến ít gia vị, hợp với khẩu vị người VN. “Mặc dù giá khá cao nhưng nếu vào những nhà hàng VN có chất lượng dịch vụ tương đương thì cũng không chênh lệch bao nhiêu” - chị Thùy Dương nhận xét.

hnhật, thực phẩm, nhà hàng

Theo ông Đào Minh Tùng - quản lý nhà hàng Nhật ở Q.1, trong số 500-600 thực khách đến quán mỗi ngày có trên 80% là khách VN. Các món Nhật được người Việt ưa thích là bạch tuộc nướng, bánh xèo, sushi, mì ramen, xiên que...

Ông Tùng cho rằng xu hướng phát triển nhà hàng Nhật đi liền với làn sóng đầu tư Nhật tại VN. Những nhà hàng mọc lên để phục vụ người Nhật sinh sống và làm việc tại TP.HCM nhưng đã thu hút một lượng khách VN đáng kể. Ở những chuỗi cửa hàng ẩm thực Nhật khác, con số thực khách Việt có thể lên đến 90%, chủ yếu là người trẻ, có thu nhập ổn định và có lối sống hướng ngoại.

Cạnh tranh dịch vụ

Sự phát triển mạnh mẽ những chuỗi nhà hàng Nhật đã đặt doanh nghiệp VN vào cuộc cạnh tranh dịch vụ không dễ dàng. Theo chị Trúc Đào, kinh doanh ẩm thực hiện nay không chỉ tập trung vào ăn ngon mà còn phải vì sức khỏe. Giá trị ngon được hiểu phải đi cùng kiểm soát năng lượng nạp vào cơ thể, thực phẩm sạch, an toàn và nhà hàng Nhật đã làm tốt điều này. Ngoài ra ở nhà hàng Nhật, thực khách tìm thấy cung cách dịch vụ ân cần, sự đồng nhất chất lượng, không gian đặc trưng riêng.

Ông Harumitsu Hida - tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM - cho rằng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm thành công tại VN. Với khoảng 250 nhà hàng Nhật tại TP.HCM, phần lớn thực khách là người Việt đã giúp quảng bá, đưa các món ăn Nhật gần gũi với người Việt hơn.

Theo chị Trúc Đào - giám đốc điều hành nhà hàng ở Q.1, các nhà hàng Nhật rất được giới trẻ chào đón hiện nay vì ngày càng nhiều người quan tâm đến trào lưu ăn sạch. Các món ăn Nhật thường tươi sống, đảm bảo vệ sinh.

Theo ông Đào Minh Tùng, 80% nguyên liệu chế biến tại nhà hàng đều nhập khẩu từ Nhật Bản, chỉ có nguyên liệu rau củ sử dụng nguồn cung cấp tại chỗ, vì vậy giá cả những món Nhật không hề rẻ.

Chẳng hạn với cá sama, một loại cá thu Nhật (người Việt gọi là cá thu đao), ở Nhật có mức giá bình dân nhưng ở VN nhà cung cấp lại hướng đến người dân có thu nhập trung bình khá trở lên.

thanhhuong

Cùng chuyên mục
XEM