Cứ đi ra khỏi phòng bạn lại quên hết mình định làm gì? Lý do đây này

22/01/2016 20:30 PM | Sống

Có khi nào vừa bước ra khỏi nhà, bạn đã quên mất mình định đi đâu?

Một ngày đẹp trời, bạn ra khỏi nhà và nhận ra mình đã bỏ quên một thứ gì đó. Quyết định quay trở lại, nhưng khi vừa bước qua cánh cửa, đột nhiên bạn không thể nhớ nổi mình trở lại nhà để làm gì.

Điều này cũng lặp lại khi bạn di chuyển từ phòng này qua phòng khác. Nó có khiến bạn lo lắng về tình trạng mất trí tạm thời hoặc giai đoạn sớm của bệnh Alzheimer?

Điểm chung trong tất cả những trường hợp này, đó là bạn đều bước qua một ô cửa. Mặc dù có vẻ là lý do khó tin đến lạ lùng, các nhà khoa học tại Đại học Notre Dame cho biết chính việc đi qua những ô cửa có thể lập tức đánh bại bộ não khiến bạn mất trí nhớ.

Nguyên nhân chính của vấn đề là não bộ chúng ta ghi nhớ theo các phân đoạn. Nó tương tự như thư mục máy tính hay những tập phim chứ không hề phải một sự kiện liên tục. Các nhà nghiên cứu gọi đó là mô hình “chân trời sự kiện”.

Đi qua một ô cửa tạo nên một điểm ngắt quãng, nó chia sự kiện thành hai phân khúc riêng biệt. Điều này giống như bạn đang xem phim và đài truyền hình chèn vào đó một đoạn quảng cáo.

Ở thời điểm ngắt quãng này, một số liên kết từ các ký ức trước đó sẽ bị mất. Và đó chính là lí do bạn không thể nhớ tại sao mình bước vào nhà hay đang ở một căn phòng khác.

Chưa dừng lại ở đó, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học đến từ Đại học Chicago còn phát hiện ra hiệu ứng lạ lùng hơn. Ngay cả khi bị người khác gợi ý tưởng tượng đi qua một ô cửa, nó cũng khiến bạn tạm thời mất ký ức.

Các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm trên hai nhóm tình nguyện viên. Nhóm thứ nhất được yêu cầu đi qua một căn phòng liền mạch, nhóm thứ hai cũng đi qua chính căn phòng đó nhưng được ngăn làm đôi với một ô cửa.

Sau đó, họ đưa cho cả hai nhóm ghi nhớ những hình ảnh đồ vật bất thường. Các tình nguyện viên được yêu cầu nhắm mắt và tưởng tượng lại quá trình họ đi từ đầu này tới đầu kia căn phòng. Khi mở mắt, các nhà nghiên cứu muốn họ nhớ lại và chọn ra những hình ảnh đã nhìn thấy trước đó.

Đúng như dự đoán, những người tưởng tượng lại quá trình mình đi qua một ô cửa thực hiện bài kiểm tra với kết quả tồi tệ hơn.

“Đi qua một ô cửa là cảm nhận tinh tế về môi trường của não bộ”, các nhà nghiên cứu cho biết. “Chỉ đơn giản tưởng tượng về nó cũng tạo hiệu ứng đáng ngạc nhiên, chẳng khác nào những người tình nguyện đi qua một ô cửa thật”.

Có khi nào bạn rời khỏi nhà mà quên mất mình định đi đâu?
Có khi nào bạn rời khỏi nhà mà quên mất mình định đi đâu?

Và nếu bạn muốn trải nghiệm một hiệu ứng khó tin hơn nữa, nghiên cứu mới của nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học New York cho thấy từ ngữ cũng có thể tạo hiệu ứng như một ô cửa.

Theo đó, những cụm từ chèn vào câu chuyện, tạo ranh giới thời gian như “Một năm sau”, “Vài giờ sau đó”... cũng khiến bạn quên một vài sự kiện.

Lí do vì chúng cũng chèn vào não bộ của bạn những khoảng ngắt quãng, tách rời hai phân đoạn trí nhớ. Có khi nào bạn đọc đến cuối của một câu chuyện rồi nhận ra mình cần lật lại một vài trang để nhớ lại sự kiện đã quên? Điều đó xảy ra đối với rất nhiều người.

Nói tóm lại, sự mất kí ức tạm thời khi bạn đi qua các ô cửa, tưởng tượng về nó hay đọc sách với các trạng từ chỉ thời gian cho thấy não bộ của chúng ta hoạt động theo một cơ chế nhất định. Nó xảy ra ở rất nhiều người và là một hiệu ứng phổ biến.

Lần tới, nếu bạn không thể nhớ nổi tại sao mình đi từ phòng này sang phòng khác hay trở lại nhà để lấy đồ vật bị quên, đừng lo lắng thái quá. Bạn chỉ cần nhắc nhở bản thân rằng não bộ đôi khi sẽ bị hạ gục bởi một ô cửa. Nhưng hãy cứ yên tâm, rồi ký ức sớm muộn cũng sẽ trở lại với bạn.

Theo zknight

Cùng chuyên mục
XEM