Bao nhiêu tiền 'mua' đủ hạnh phúc?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng thu nhập bình quân đầu người ở trên mức 37.000 USD/năm sẽ khiến bạn cảm thấy ít mãn nguyện hơn.
Từ nhiều năm nay, các nhà kinh tế học đã không ngừng tranh luận liệu có điểm nào mà tại đó giàu có hơn không khiến người ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Trong một nghiên cứu vừa mới được công bố, hai nhà kinh tế học của nước Anh đã “tiến thêm một bước” và rút ra kết luận nước Anh đã chạm tới điểm này.
Theo hai chuyên gia kinh tế Eugenio Proto (đến từ ĐH Warwick) và Aldo Rustichini (đến từ ĐH Minnesota), mức độ hài lòng với cuộc sống sẽ đạt đỉnh khi thu nhập bình quân đầu người (được điều chỉnh để cùng một số tiền sẽ mua được khối lượng hàng hóa và dịch vụ giống nhau trên khắp thế giới) đạt 36.000 USD mỗi năm. Và, theo cách tính này, thu nhập bình quân đầu người ở Anh là 37.000 USD/năm. Điều này có nghĩa là người Anh giàu có hơn nhưng không hạnh phúc hơn.
Theo Proto, nghiên cứu mới có một phát hiện mới gây ngạc nhiên: mức độ hài lòng với cuộc sống sẽ giảm xuống nếu như thu nhập vượt qua một mức nhất định. Có bằng chứng cho thấy ở những nước giàu nhất, thu nhập vượt qua mức giới hạn sẽ khiến mức độ khát vọng giảm đi.
“Khi GDP tăng lên, mức độ khát vọng cũng tăng. Với của cải và các cơ hội tăng lên, người dân ở các nước này sẽ có khát vọng muốn có nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa thu nhập thực tế và thu nhập mong muốn sẽ khiến mức độ thỏa mãn giảm xuống”.
Sử dụng các số liệu về GDP và kết quả khảo sát trên diện rộng, nghiên cứu chỉ ra rằng có mối liên hệ khá chặt chẽ giữa thu nhập tăng lên và mức độ hạnh phúc của các nước nghèo. Các quốc gia với GDP bình quân đầu người thấp hơn 6.700 USD sẽ có mức hài lòng với cuộc sống thấp hơn các quốc gia có GDP bình quân vào khoảng 18.000 USD.
Tuy nhiên, ở mức thu nhập khoảng 20.000 USD, mối quan hệ này trở nên mờ nhạt hơn. Khi mức thu nhập trung bình lên tới 54.000 USD/năm, thậm chí chỉ có 2% cảm thấy hài lòng. Sau 36.000 USD, thước đo hạnh phúc bắt đầu giảm nhẹ.
Dẫu vậy, một số nhà kinh tế tỏ ra hoài nghi về cách tiếp cận này, cho rằng mức độ hài lòng với cuộc sống sẽ tăng lên khi thu nhập tăng. Philip Booth – chuyên gia đến tư Viện nghiên cứu các vấn đề kinh tế - cho rằng có một số giải pháp đơn giản để mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn khi thu nhập thấp hơn: làm việc ít hơn hoặc chuyển từ Mỹ đến Hy Lạp hoặc Hàn Quốc.
Theo Thu Hương
Theo CafeF/Trí Thức Trẻ/The Guardian
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!