7 địa điểm đón Tết nguyên đán hoành tráng nhất của người Hoa
Là một trong những ngày lễ lớn nhất trên thế giới, tết âm lịch hàng năm đều được người Hoa ở khắp nơi tổ chức long trọng, đặc biệt là châu Á.
Tết âm lịch là sự kết hợp của cách tính lịch theo mặt trăng và truyền thống 12 con giáp. Theo đó, lễ hội đón năm mới sẽ kéo dài trong vòng 15 ngày, từ mùng 1 đến ngày rằm đầu tiên của năm, nhưng thông thường, dịp lễ này được tổ chức từ 2 đến 8 ngày.
Mỗi lần tết đến là khắp các đường phố lại được trang trí bằng những chiếc đèn lồng rực rỡ và bầu trời lại được pháo hoa thắp sáng để xua đi những điều không may mắn. Hãy cùng điểm qua 7 nơi có ngày tết được tổ chức long trọng nhất tại châu Á.
7. Kuala Lumpur, Malaysia
Không ồn ã như những nơi có nhiều người Trung Quốc sinh sống, lễ đón chào năm mới ở Kuala Lumpur được tổ chức chủ yếu trên đường phố.
Tại đây, mọi người cùng nhau đến đền Thean Hou, một ngôi đền 6 tầng được trang trí bắt mắt để tỏ lòng thành kính với các vị thần, thắp hương, đốt vàng mã cho tổ tiên và để vãn cảnh.
Các khu chợ cũng được trang trí rực rỡ và là nơi tổ chức các buổi lễ nhỏ. Còn đến tối, mọi người lại bắt đầu đi dạo quanh các khu phố để tận hưởng bầu không khí tết cùng những màn pháo hoa rực sáng.
6. Singapore
5. Bangkok, Thái Lan
Bangkok là nơi có nhiều người Hoa sinh sống nhất tại Thái Lan, bởi vậy, đây cũng là nơi diễn ra lễ đón mừng năm mới âm lịch hoành tráng nhất xứ sở chùa vàng.
Hàng năm, các thành viên trong cộng đồng người Hoa lại dành ra một ngày nghỉ làm việc để đi cầu nguyện rồi vào thành phố để xem bắn pháo hoa, múa sư tử và tham gia những bữa đại tiệc.
Các con đường được giăng đèn lồng khắp nơi, và cứ nơi nào có đoàn diễu hành đi qua là nơi đó lại có hàng ăn được mở. Tết âm lịch ở Bangkok đã thu hút cả triệu khách du lịch từ khắp nơi đến đây để cùng chung vui với cộng đồng người Hoa ở Thái Lan trong dịp đón chào năm mới.
4. Hong Kong, Trung Quốc
Nhắc đến Hong Kong, có lẽ mọi người sẽ nghĩ ngay đến một thành phố đầy màu sắc, vì vậy, không có gì lạ khi lễ đón năm mới ở đây cũng không kém phần rực rỡ khi đường phố được treo đèn lồng trang trí.
Vào dịp này, lễ diễu hành ban đêm ở Tsim Sha Tsui là một trong những điểm hấp dẫn nhất và cũng là thời điểm đánh dấu một năm mới bắt đầu.
Ngoài ra, các gia đình có con nhỏ cũng có thể đến vui chơi đón mừng năm mới tại khu công viên Disneyland Hong Kong, nơi có chú chuột Mickey và những người bạn trong trang phục truyền thống của Trung Quốc.
3. Thượng Hải, Trung Quốc
Thượng Hải được coi là điểm đến thân thiện cho những ai muốn tìm hiểu về truyền thống đón năm mới đã có từ hàng thế kỷ trước.
Người dân địa phương cũng như khách du lịch đều muốn đến xem những chiếc đèn lồng rực rỡ tại khu chợ phố cổ Dư Viên, muốn được rung chuông, thắp hương tại miếu Thành Hoàng của thành phố được dựng từ năm 1403 hay chùa Long Hoa có từ năm 242 TCN và đi dạo trên phố Nam Kinh, một trong những con đường đông đúc nhất trên thế giới để sắm sửa cho ngôi nhà của mình trong dịp năm mới.
Ngoài ra, các nghệ sĩ và người mẫu trong chiếc áo sườn xám truyền thống còn tập trung ở khu vườn Dư Viên để tổ chức lễ hội đèn lồng bắt đầu mùa xuân. Lễ hội này còn được xem như là ngày lễ Valentine của Trung Quốc.
2. Thị trấn George, đảo Penang, Malaysia
Mỗi dịp năm mới âm lịch đến là cả thị trấn George trên hòn đảo Penang của Malaysia lại ngập tràn ánh sáng cùng những dây đèn lồng được treo trên ngôi đền Kek Lok Si, những quảng trường trong thành phố tấp nập người đến vui chơi và những ngôi nhà cổ được trang hoàng bằng đèn sáng trưng. Dịp lễ kéo dài 15 ngày này đã thu hút rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây để tham gia vào các lễ rước thần, ngắm pháo hoa và xem múa sư tử.
1. Bắc Kinh, Trung Quốc
Là nơi mừng năm mới long trọng nhất, Bắc Kinh tổ chức rất nhiều lễ hội, lễ kỷ niệm và các bữa tiệc ở khu vực quảng trường, công viên, đền chùa. Đến dịp này, các gia đình sẽ sử dụng những ngày cuối cùng của năm cũ để dọn dẹp và trang trí nhà cửa chuẩn bị đón 12 tháng tiếp theo, rồi đến 2 ngày đầu năm mới sẽ cùng nhau đến họ hàng chúc tết.
Ngoài ra, người Bắc Kinh còn dành rất nhiều thời gian đi chùa cầu phúc và tham gia vào những buổi lễ lớn như lễ tế trời ở đền Thiên Đàn để cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà yên ấm.