Sóng Covid tới đâu, Loship miệt mài gọi vốn tới đó: Đang đàm phán huy động 50 triệu USD từ quỹ ngoại, lần gọi vốn thứ 3 trong năm 2021
Điều này phần nào cho thấy các nhà đầu tư đang rất quan tâm và tin tưởng vào tiềm năng phát triển trong tương lai của Loship.
DealStreatAsia đưa tin ngày 25/10, cho biết ứng dụng giao hàng Loship đang trong quá trình đàm phán với quỹ đầu tư Daiwa Securities Group và một số nhà đầu tư khác để huy động 50 triệu USD cho vòng Serie C.
Nếu đàm phán thành công, đây sẽ là khoản đầu tư thứ 3 mà Loship huy động được chỉ trong năm 2021.
Trước đó, hồi tháng 2/2021, ứng dụng giao hàng này gọi vốn thành công từ nhà đồng sáng lập Skype Jaan Tallinn thông qua Quỹ đầu tư MetaPlanet Holdings.
Đến tháng 8, Loship lại hoàn thành vòng gọi vốn Pre-Serie C trị giá 12 triệu USD, được dẫn dắt bởi BAce Capital và Sun Hung Kai. Theo báo cáo của DealStreetAsia, vòng đàm phán này đã định giá Loship là 100 triệu USD. Tuy nhiên, CEO Nguyễn Hoàng Trung từ chối xác nhận.
Những kết quả này phần nào cho thấy các nhà đầu tư đang rất quan tâm và tin tưởng vào tiềm năng phát triển trong tương lai của Loship. Bên cạnh đó, đây cũng là tín hiệu tích cực trong hoạt động đầu tư mạo hiểm vào startup tại Việt Nam – vốn được cho là chịu ảnh hưởng nhiều từ các làn sóng bùng phát dịch Covid-19.
Chia sẻ sau khi kết thúc vòng gọi vốn Pre-Series C gần đây nhất, Loship bày tỏ tham vọng trong 2 năm tới, sẽ có 10% dân số Việt Nam sử dụng ứng dụng hằng tháng. Đồng thời, đích đến là trở thành công ty thương mại điện tử giao hàng trong một giờ hàng đầu cả nước. Còn trong ngắn hạn, startup đặt mục tiêu phủ sóng trên 10 thành phố vào cuối năm 2021.
Theo founder Nguyễn Hoàng Trung, tại Việt Nam, khái niệm khách mua hàng trực tiếp trên ứng dụng và được giao trong một giờ còn chưa được biết đến rộng rãi, tuy nhiên mô hình này đã rất phổ biến trên thế giới. Có nhiều công ty cùng lĩnh vực tại Mỹ như DoorDash, Gopuff hoặc tại châu Âu là Getir và Trung Quốc đại lục có Meituan Dianping, DingDong. Mục tiêu của Loship là khách hàng không chỉ ngồi tại nhà mua đồ ăn được giao liền, mà còn cả bó rau, con cá, mỹ phẩm hay sạc pin điện thoại.
"Chúng tôi đã là công ty tiên phong tại Việt Nam trong ba năm nay và sẽ tiếp tục cố gắng để hiện thực hóa tham vọng này với mục tiêu mọi thứ đều có thể giao trong một giờ", ông Trung chia sẻ.
Mục tiêu niêm yết sàn chứng khoán Mỹ
Hành trình khởi nghiệp của CEO Nguyễn Hoàng Trung với Loship bắt đầu từ 4 năm trước, tại một căn hộ nhỏ. Anh cùng những người đồng đội nảy ra ý tưởng ban đầu về ứng dụng review ăn uống Lozi (ngày nay là công ty chủ quản của Loship), cho đến một ga ra đỗ xe khác khi đội ngũ của anh dần mở rộng.
Ở Việt Nam, Loship hiện là một trong số ít ứng dụng giao hàng của người Việt còn sống khỏe trong cuộc cạnh tranh với các "đại gia" đến từ nước ngoài như Grab, Gojek, Baemin. Tờ Nikkei cho biết hiện Loship đã thu hút được 2 triệu khách hàng trong nước.
Cũng theo Nikkei, ngay sau khi công bố hoàn thành vòng gọi vốn Pre-Series C, Loship kỳ vọng có thể IPO trong năm 2024, sau khi có lãi trong vòng 18 - 24 tháng.
CEO Nguyễn Hoàng Trung cũng tự tin rằng ứng dụng giao hàng của mình sẽ vượt qua giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh, sau đó mở rộng bằng việc nhắm tới các đơn hàng với biên lợi nhuận cao hơn và sao chép chiến lược của các công ty Internet Trung Quốc. Vị CEO 29 tuổi so sánh trận chiến trong lĩnh vực giao hàng như một giải đua xe. "Khi các tài xế gặp phải phần thi khó nhất là những khúc cua thì người giỏi nhất sẽ vượt lên".
Founder, CEO Nguyễn Hoàng Trung
Tờ Nikkei nhận định, những gã khổng lồ giao hàng trong khu vực đang cố gắng hâm nóng thị trường chứng khoán Mỹ. Gojek của Indonesia cũng đang lên kế hoạch IPO trong khi Grab của Singapore cũng thông báo sẽ hợp nhất với công ty SPAC Altimeter Growth để được niêm yết trên Nasdaq. Tuy nhiên, Grab đã phải lùi kế hoạch này vào cuối năm 2021 do các yêu cầu quy định mới.
Còn theo chị Maggie Vo – Điều hành và đồng sở hữu quỹ Fuel Venture Capital, thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng mà startup Việt cần quan tâm khi muốn IPO tại Mỹ.
"Những công ty ở Mỹ có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng thường đã được biết đến nhiều khi còn ở thị trường tư nhân và đặc biệt là nếu sản phẩm của họ dành cho người tiêu dùng Mỹ thì tên tuổi của họ đã được xây dựng từ sớm, ví dụ như Uber, Spotify. Do đó khi họ quyết định IPO, sẽ có nhiều chuyên viên phân tích từ nhiều ngân hàng đầu tư viết và theo dõi về họ, từ đó nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng chờ đón mua cổ phiếu công ty của họ.
Tại Đông Nam Á, Grab phủ sóng trên toàn khu vực và mô hình kinh doanh giống với Uber. Grab có lợi thế vì được nhiều nhà đầu tư biết đến và xem đó là cơ hội đầu tư vào những nền kinh tế trẻ. Doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch SPAC ở Mỹ cần chú trọng yếu tố nâng cao thương hiệu của mình ở thị trường ngoại, đồng thời tìm cách niêm yết ở cả thị trường Việt Nam để có thể tăng tính thanh khoản", nữ điều hành Fuel Venture Capital cho hay.