Sống bon chen nơi 'tấc đất tấc vàng', cô gái chọn kiểu 'vô gia cư' để tiết kiệm tiền thuê nhà khổng lồ: Muốn sống yên phải vượt qua những điều này
Ở nhiều đô thị lớn, phí mua nhà, thuê nhà hàng tháng là một con số "khổng lồ" khiến không ít người rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi không có nơi nào để sinh sống.
Trời vừa hửng sáng, Hồ An Nguyên đã nóng đến không ngủ được. Cô liếc nhìn nhiệt kế, trong xe gần 40 độ. Chỉ một lúc sau, tiếng tập thể dục của những người dậy sớm cũng vang vọng trong phòng. Cô đành phải thức dậy.
Hồ An Nguyên là một nhân viên công sở bình thường, sống tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Chỉ có một điều khác trong cuộc sống của cô. Đó là không đủ tiền mua nhà, cô cũng không đi thuê mà sống trong một chiếc xe RV di động cùng với bạn trai của mình.
Chiếc ô tô đang đậu ở bãi đậu xe gần công ty, điều này giúp cô chỉ mất vài phút để đi làm. Nhưng nhìn những tòa nhà cao tầng xung quanh với đầy đủ tiện nghi, An Nguyên vẫn cảm thấy đau đớn trong lòng.
Không có khả năng mua nhà nên tự mở "lối đi riêng"
Ở nhiều đô thị lớn tại Trung Quốc như Thâm Quyến, Bắc Kinh và Thượng Hải, nhiều thanh niên đều phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi không có nơi nào để sinh sống. Họ không dám nghĩ đến việc mua nhà, thuê nhà nội đô, mà chỉ có thể chuyển ra ở ngoại thành, dù mất thời gian đi lại hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày, khiến kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hồ An Nguyên đến từ Hải Nam và bạn trai của cô đến từ Hồ Bắc. Cả hai đều sinh năm 90, trong một gia đình ở vùng nông thôn, gia cảnh bình thường. Sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai cùng đến Thâm Quyến làm việc.
Lúc đầu, họ thuê một căn phòng đơn nhỏ rộng chưa đầy 9m2 với giá thuê hàng tháng là 2.500 NDT ở vùng khá xa nội đô. Đây còn là mức tương đối rẻ với các khu vực quanh đó. Cô phải dậy lúc 6:30 sáng mỗi ngày, đi 3 chuyến tàu điện ngầm, sau đó bắt xe buýt thêm 1 trạm để đến công ty. Riêng thời gian đi đường đã mất hơn hai giờ đồng hồ. Bạn trai của cô cũng có trải nghiệm tương tự. Hai người họ chỉ về đến nhà sau 8 giờ mỗi tối.
Tiền thuê nhà là 2.500 NDT, chi phí đi lại mỗi tháng tốn thêm 800 NDT, trừ một số chi phí cơ bản như ăn uống, chi tiêu hàng tháng của cặp đôi hết ít nhất là 7.000 NDT.
Với 2 người mới đi làm, lương không cao, trừ những khoản này ra thì mỗi tháng cũng không để dành được bao nhiêu. Nghĩ đến giá nhà bây giờ ít nhất cũng vào khoảng 50.000 NDT/m2, Hồ An Nguyên thậm chí không dám nghĩ đến việc mua nhà. Còn nếu muốn chuyển đến sống gần công ty hơn, giá thuê nhà có thể tăng lên đến 5.000 - 6.000 NDT/tháng, hoàn toàn không phù hợp với thu nhập hiện tại của họ.
Làm thế nào để rút ngắn thời gian đi lại, mà vẫn giảm thiểu chi phí sinh hoạt? Đây là câu hỏi mà cả hai trăn trở mỗi ngày.
Một lần, sau khi chứng kiến các video chia sẻ cuộc sống mobihome, cặp đôi đã lập tức nảy ra ý tưởng. Họ quyết định thuê một chiếc RV để trải nghiệm thử cuộc sống di động kiểu này. Sau vài ngày, cảm thấy khá ổn, cặp đôi đã chi 130.000 NDT để mua một chiếc RV cũ có diện tích 9m2, rộng bằng ngôi nhà thuê hiện tại.
Theo thói quen sinh hoạt của hai người, họ đã chi thêm 30.000 NDT để sửa sang lại chiếc xe, trang bị đầy đủ tiện nghi tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, nhà vệ sinh…
Tháng 5/2022, Hồ An Nguyên chính thức dọn về "nhà mới" với bao kỳ vọng.
Chiếc xe đỗ ở gần công ty nên An Nguyên có thể đánh một giấc ngon lành, nhàn nhã ăn điểm tâm, sau đó đi bộ 10 phút là đến công ty. Bạn trai cô cũng chỉ mất 10 phút để đi tàu điện ngầm.
Sau khi tan làm, họ chỉ mất nửa tiếng đã có thể trở về ngôi nhà nhỏ của mình mà không cần di chuyển khắp nơi. Tính ra, tiền thuê nhà và chi phí đi lại có thể tiết kiệm được mỗi tháng cộng lại lên tới hơn 3.000 NDT, tương đương với việc tiết kiệm được 30.000 đến 40.000 NDT một năm.
Điều hạnh phúc hơn nữa là họ đã có được một cuộc sống tự do, "hễ muốn là đi". Cuối tuần, họ lái xe ra ngoại ô để tận hưởng không khí trong lành mà không phải khuân vác hành lý, đặt khách sạn nghỉ qua đêm, thế là có thể tiết kiệm thêm thời gian và tiền bạc.
Họ cũng mở tài khoản trên một số nền tảng mạng xã hội để chia sẻ cuộc sống của hai người. Từ đó, cặp đôi có thêm một khoản thu nhập nhỏ, về cơ bản có thể trả phí đỗ xe, tiền điện nước và các chi phí khác của RV.
Mọi thứ không hoàn toàn "màu hồng"
Sau khoảng thời gian mới mẻ và phấn khích ban đầu, nhiều vấn đề bắt đầu lộ diện.
Đầu tiên là về bãi đậu xe. Vì xe RV tương đối lớn, thời gian đậu xe lâu, lại còn liên quan đến việc xả nước thải nên rất nhiều bãi đậu xe không muốn cho họ vào. Thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng nổ ở Thâm Quyến, khó khăn lại càng nghiêm trọng hơn.
Hết cách, Hồ An Nguyên phải liên lạc với lãnh đạo công ty. Cuối cùng, công ty đồng ý cho họ đậu xe trong bãi vào ban ngày, còn ban đêm phải lái xe ra ngoài đường. Điều này khiến cuộc sống cặp đôi trở nên không thoải mái.
Thứ hai, tắm trong RV cũng là một vấn đề lớn. RV có đồ tắm rửa, giặt được nhưng nước toàn mua ở siêu thị nên phải để dành, cần tắm nhanh nhất có thể. An Nguyên thường tắm trong ít nhất nửa giờ, nhưng bây giờ để tiết kiệm nước, cô ấy buộc phải giảm xuống còn 5 phút, mỗi lần chỉ xả nước vội vàng là xong.
Một vấn đề rất đáng xấu hổ khác là xử lý WC. RV được thiết kế để thu gom tất cả chất thải trong thùng nhựa. Kho chứa đầy thì phải tháo ra mang đến nhà vệ sinh công cộng gần đó đổ, xong phải cọ rửa sạch sẽ. Chưa kể mùi hôi, đôi khi cặp đôi còn phải chịu đựng ánh mắt dị nghị của người khác.
Sau một thời gian dài, họ phải từ bỏ việc sử dụng nhà vệ sinh trong ô tô, chuyển sang các nhà vệ sinh công cộng gần đó. Nhưng khi trời mưa gió, hay nửa đêm muốn đi vệ sinh, đó đơn giản chỉ là "cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên".
Phần khó khăn nhất là mùa hè. Nếu không bật điều hòa, nhiệt độ bên trong RV có thể lên tới 50 độ C, không khác gì một nồi hấp lớn. Nhưng nếu bật điều hòa liên tục thì nguồn điện cũng là một vấn đề nan giải. Mỗi lần sạc đầy RV mất 4 giờ, tối đa chỉ tiết kiệm được 5 kilowatt giờ điện, bật điều hòa qua đêm sẽ dùng hết lượng điện dự trữ nên cần tìm chỗ sạc thường xuyên. Thậm chí nhiều đêm xe không đủ điện dự trữ, điều hòa bị ngừng hoạt động, cặp đôi không thể ngủ nổi vì nóng, chỉ có thể dùng một chiếc quạt nhỏ chạy bằng pin để hạ nhiệt.
Vì phải liên tục tìm bãi đậu xe để đổ thêm nước, sạc điện và đổ chất thải, đôi trẻ còn phải đối mặt với áp lực từ thế giới bên ngoài. Họ từng bị gọi là "cặp đôi ăn mày/vô gia cư ở bãi đậu xe".
Nói về tương lai, Hồ An Nguyên cho biết theo tình hình kinh tế hiện nay, ít nhất phải sống 5 năm ở RV.
Còn chuyện sau này lấy chồng, sinh con thì sao?
Hồ An Nguyên cho biết cô không dám nghĩ đến điều đó, mong muốn lớn nhất của cô là làm việc chăm chỉ, kiếm được nhiều tiền hơn để sau này có thể mua được nhà riêng.
*Nguồn: Sohu, 163