Sơn Tùng MTP phải chi bao nhiêu tiền để được quay MV 'Hãy trao cho anh' tại công viên quốc gia Joshua Tree nổi tiếng nước Mỹ?

02/07/2019 11:35 AM | Xã hội

Trên thực tế, bản MV ca nhạc "Hãy trao cho anh" của Sơn Tùng MTP chưa diễn tả hết được vẻ đẹp của báu vật quốc gia Mỹ này.

"Hãy trao cho anh" của Sơn Tùng MTP

Mới đây, ca sĩ nổi tiếng Sơn Tùng MTP đã phát hành MV mới với những hình ảnh hoành tráng tại công viên quốc gia Joshua Tree- Mỹ. Điều ít ai biết tới là công viên này đã có lịch sử hàng nghìn năm từ trước công nguyên và được chính phủ Mỹ liệt vào trọng điểm bảo tồn di tích, di sản.

Công viên quốc gia Joshua Tree nằm ở Đông Nam bang California, phía Tây Los Angeles và gần San Bernardino. Tên của công viên này được đặt theo loài cây Joshua Tree (Yucca Brevifolia) thường mọc ở vùng sa mạc Mojave.

Ngay từ năm 1936, công viên Joshua đã được coi là biểu tượng quốc gia, thu hút khá nhiều khách thăm quan nhưng phải đến năm 1994, Nghị viện Mỹ mới công nhận khu vực này là công viên quốc gia.

Tổng diện tích của công viên Joshua vào khoảng 3.199,6 km2 với rất nhiều khu động thực vật hoang dã. Điều thú vị là công viên Joshua bao gồm 2 vùng sa mạc với hệ thống sinh thái cũng như đặc điểm khác nhau gồm: Sa mạc Mojave và sa mạc Colorado.

Sơn Tùng MTP phải chi bao nhiêu tiền để được quay MV Hãy trao cho anh tại công viên quốc gia Joshua Tree nổi tiếng nước Mỹ? - Ảnh 2.

Chi phí không hề rẻ

Để quay phim tại công viên quốc gia Joshua cũng không đơn giản khi các nhà sản xuất phải điền đơn xin phép cho ban quản lý. Mức giá cho các hoạt động tổ chức tiệc cưới, chụp hình, quay phim hay những sự kiện là khác nhau.

Đầu tiên, phí vào cửa của công viên này là 15 USD/người/7 ngày, chỉ tính riêng cho loại hình đi bộ hoặc xe đạp. Nếu di chuyển bằng các phương tiện khác thì mức phí sẽ là 30 USD. Tuy nhiên, mức giá này chỉ áp dụng cho những cá nhân hay nhóm di chuyển đến thăm quan, du lịch, cắm trại… chứ không áp dụng cho những đoàn làm phim hay kinh doanh, quảng cáo khác.

Ngoài ra, phí đỗ xe tại khu công viên quốc gia này vào khoảng 30 USD/xe hơi và 25 USD/xe máy hoặc xe đạp.

Đây là số tiền mà những fan hâm mộ Sơn Tùng MTP phải trả khi muốn vào cửa thăm quan địa điểm quay chụp của bộ MV mới được phát hành.

Tất nhiên công viên cũng mở cửa miễn phí vào một số ngày lễ như ngày thành lập 25/8, ngày cựu chiến binh 11/11…

Đối với đoàn làm phim của Sơn Tùng, mức giá mà công viên Joashua Tree áp dụng sẽ khác. Phí vào cửa cho những đoàn có hoạt động thương mại, quảng cáo sẽ là 25 USD cho nhóm dưới 6 người, 50 USD cho nhóm 7-15 người, 60 USD cho nhóm 16-25 người và 150 USD cho nhóm trên 26 người. 

Sau khi làm đơn xin phép và được chấp nhận, nhà sản xuất sẽ phải trả 315 USD tiền phí một lần duy nhất cùng khoản tiền đặt cọc khoảng 500-20.000 USD tùy quy mô của đoàn làm phim cũng như số bối cảnh cần sử dụng. Phía nhà sản xuất cũng phải cũng phải cung cấp bản sao bảo hiểm trách nhiệm trị giá 1 triệu USD trước khi được phép tiến hành.

Tiếp đó đoàn làm phim sẽ phải trả phí quay phim, chụp ảnh tùy vào số người theo bảng sau.

Số ngườiPhí quay phimPhí chụp ảnh đi kèm
1-10 người150 USD/ngày50 USD/ngày
11-30 người250 USD/ngày150 USD/ngày
31-49 người500 USD/ngày250 USD/ngày
Trên 50 người750 USD/ngày500 USD/ngày

Một khoản phí nữa mà nhà sản xuất cần thanh toán là phí giám sát 50 USD/giờ. Thêm nữa, đoàn làm phim sẽ phải thanh toán các khoản phụ phí phát sinh nếu ban quản lý thấy cần thiết.

Sau khi đã thanh toán đầy đủ, đoàn làm phim có khoảng 10-15 ngày để thực hiện dự án. Thậm chí ngay cả như vậy, một số địa điểm của công viên cũng sẽ bị cấm trong những tháng nhất định nhằm bảo vệ hệ sinh thái trong những mùa nhạy cảm.

Từ vùng đất của người da đỏ đến biểu tượng quốc gia

Những chủ nhân ban đầu của vùng đất được công nhận là Josua Tree ngày nay thuộc về bộ tộc da đỏ Pinto. Họ ban đầu sinh sống cũng như săn bắn tại vùng đất này từ những năm 8.000 trước công nguyên (BC).

Các di tích và bằng chứng hóa thạch, ngọn giáo cùng nhiều vật dụng của bộ tộc Pinto được phát hiện từ thập niên 1930.

Tiếp theo tộc người Pinto là những tộc da đỏ khác như Serrano, Cahuilla hay Chemehuevi. Phần lớn những tộc người này sống thành các làng nhỏ gần bờ sông hay nguồn nước. Lương thực chủ yếu của các bộ tộc dựa vào săn bắn và trồng trọt một phần nhỏ.

Nhờ địa hình đồi núi và thiếu nước nên những người da đỏ ở đây tránh được rất nhiều cuộc thảm sát và đàn áp từ những người da trắng di cư vào Mỹ.

Đến tận năm 1772, một nhóm nhỏ truyền giáo người Tây Ban Nha đã cố gắng tiếp cận vùng đất này để truyền bá Thiên chúa giáo nhưng không thành công. Đến năm 1823, Mexico mở rộng các vùng đất của mình và chiếm khu vực Joshua Tree này.

Phải mãi đến sau cuộc chiến Mỹ-Mexico (1846-1848) thì người Mỹ mới lấy được vùng đất hiện là bang California và Joshua Tree.

Từ năm 1870 cho đến đầu thập niên 1930, khu vực Joshua Tree trở thành nơi chăn nuôi, khai khoáng của nhiều chủ đất.

Tuy nhiên vào năm 1936, Cố tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã quyết định công nhận khu vực này là biểu tượng quốc gia nhằm bảo vệ hệ sinh thái cũng như môi trường ở đây. Ngoài ra, việc ban hành này còn nhằm thúc đẩy du lịch cho khu vực được coi là vẫn còn sơ khai.

Đến năm 1994, khu vực Joshua Tree mới chính thức được công nhận là vườn quốc gia của Mỹ.

MV của Sơn Tùng MTP chưa diễn tả hết vẻ đẹp của Joshua Tree

Công viên quốc gia Joshua có 2 vùng sa mạc khác nhau. Sa mạc Mojave nằm trên cao với khí hậu lạnh hơn, nổi tiếng với loài cây Joshua. Khu vực này toàn đá và lưa thưa những cành cây ngọn cỏ. Nhiệt độ tại đây khá chênh lệch giữa đêm ngày và các mùa trong năm.

Sa mạc Colorado là vùng thấp hơn với toàn đất cát và có hệ sinh thái hoàn toàn khác biệt. Đây cũng là nơi Sơn Tùng MTP có cảnh quay ngồi xe sang hoành tráng trong MV.

Đến với công viên, những khách du lịch có thể cắm trại, đi chơi dã ngoại hay chơi môn thể thao leo núi. Một số hoạt động khác như lái xe đi dạo, ngắm động vật hoang dã hay quan sát trời đêm cũng nổi tiếng không kém.

Với một hệ sinh thái hoang sơ và được bảo tồn tốt, công viên quốc gia Joshua có ảnh hưởng rất lớn trong nền văn hóa Mỹ. Chúng đã từng xuất hiện trong rất nhiều ấn phẩm ca nhạc, ảnh quảng cáo như cho nhóm nhạc Eagles năm 1972, nhóm U2 năm 1987 hay mới đây nhất là nhóm nhạc rock Walk the Moon năm 2017.

AB

Cùng chuyên mục
XEM