SoftBank và Alibaba hợp tác sản xuất robot

20/06/2015 16:30 PM | Công nghệ

SoftBank sẽ tham gia cùng gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba triển khai kế hoạch đưa robot hình dạng giống con người từ phim ảnh, truyện tranh vào thế giới thực.

Nội dung nổi bật:

- “Tôi nghĩ dù bạn có muốn hay không, robot sẽ phổ biến như xe hơi, máy móc, máy bay. Robot sẽ là một phần trong các gia đình”, Jack Ma, chủ tịch điều hành Alibaba nói tại cuộc họp báo ở ngoại thành Tokyo.

- Ông Son nói chức năng cảm xúc của robot đã tiền bộ nhiều kể từ tháng 6 năm ngoái, cho phép Pepper không chỉ hiểu được cảm xúc con người mà còn biểu lộ cảm xúc riêng của mình.

- Pepper được bán với giá 198.000 Yên (1.604 USD) tương đương một chiếc máy tính xách tay, máy ảnh cao cấp.


Hai công ty Nhật Bản và Trung Quốc cùng nhau hợp tác đưa robot vào cuộc sống

SoftBank sẽ tham gia cùng gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba triển khai kế hoạch đưa robot hình dạng giống con người từ phim ảnh, truyện tranh vào thế giới thực.

Hãng viễn thông khổng lồ Nhật Bản, chủ sở hữu mạng viễn thông Sprint tại Hoa Kỳ, công bố vào hôm thứ 5 rằng hãng sẽ bắt đầu bán robot có tên Pepper tại thị trường nội địa vào 20/6. Con robot này được coi như bạn đồng hành của người già, giáo viên của trẻ em và trợ lý văn phòng, cửa hàng bán lẻ.

Ông Masayoshi Son, CEO SoftBank nói Alibaba và công ty sản xuất robot Foxconn của Đài Loan, mỗi công ty sẽ đầu tư 14,5 tỷ yên (118 triệu USD) cho 20% cổ phần của liên minh sản xuất robot mới. SoftBank, cổ đông lớn nhất của Alibaba, sẽ nắm 60% cổ phần còn lại.

Tôi nghĩ dù bạn có muốn hay không, robot sẽ phổ biến như xe hơi, máy móc, máy bay. Robot sẽ là một phần trong các gia đình”, Jack Ma, chủ tịch điều hành Alibaba nói tại cuộc họp báo ở ngoại thành Tokyo.

Điều này sẽ cần thời gian. SoftBank từng công bố về Pepper một năm trước, nhưng sau đó hoãn kế hoạch thương mại hoá và công bố thời gian đầu chỉ có thể sản xuất 1000 con robot. Sau đó, liên minh mới dự định sản xuất khoảng 1000 Pepper mỗi tháng.

Robot Pepper được xem là bạn đồng hành dành cho người già, giáo viên cho trẻ em và trợ lý văn phòng, cửa hàng bán lẻ.

Ông Son, cùng chủ tịch Foxconn ông Terry Gou, cũng chia sẻ tại cuộc họp báo công ty có kế hoạch ra mắt Pepper với thị trường toàn cầu vào cuối năm.

Con robot này cao 121 cm, có vỏ nhựa trắng do Aldebaran Robotics, chi nhánh SoftBank tại Pháp thiết kế. Nó có khả năng nhận diện giọng nói của con người, hiểu được biểu hiện khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể cũng như giao tiếp cơ bản.

SoftBank ghi nhận Pepper là robot đầu tiên có thể hiểu được cảm xúc. Ông Son nói chức năng cảm xúc của robot đã tiền bộ nhiều kể từ tháng 6 năm ngoái, cho phép Pepper không chỉ hiểu được cảm xúc con người mà còn biểu lộ cảm xúc riêng của mình.

“Cuối cùng thì Pepper cũng sắp trở thành thành viên mới trong gia đình bạn”, ông Son nói sau mà trình diễn vũ đạo của Pepper.

Cho đến nay, SoftBank đã cung cấp 500 Pepper cho các nhà phát triển để xây dựng những ứng dụng kiểu smartphone dành cho robot để kết nối Internet thông qua mạng di động. Kho ứng dụng của Pepper hiện tại cung cấp 200 ứng dụng miễn phí, gồm các trò chơi, chương trình giáo dục cũng như ứng dụng để Pepper hát và nhảy.

Các nhà phát triển Pepper hi vọng nó có thể làm được nhiều việc phức tạp hơn như chăm sóc người ốm, người già giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động ở Nhật Bản với dân số đang già hoá nhanh chóng. Tuy nhiên, vì Pepper không biết làm việc nhà và chỉ có thể di chuyển trên bề mặt phẳng, nên công dụng chính của nó là công cụ giao tiếp trong nhà, hãng SoftBank nói.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Yano công bố vào năm ngoái, thị trường robot điều dưỡng, chăm sóc sức khoẻ tại Nhật dự đoán sẽ mở rộng từ khoảng 2,3 tỷ Yên trong năm tài chính 2015 lên khoảng 35 tỷ Yên vào năm 2020.

Một nhóm phát triển ứng dụng cho bệnh nhân mất trí nhớ đã dành chiến thắng trong cuộc thi phát triển ứng dụng do SoftBank tổ chức vào tháng 2. Bộ Y tế Nhật Bản dự đoán số bệnh nhân mất trí nhớ sẽ tăng cao từ khoảng 4,6 triệu năm 2012 lên hơn 7 triệu vào năm 2025, hay trong 5 người trên độ tuổi 65 thì có một người mắc bệnh này.

Phần mềm có tên “Ninnin Pepper” cho phép Pepper đôn đốc bệnh nhân thức dậy và uống thuốc theo lịch trình, báo cáo cho bác sỹ qua mạng internet xem các loại thuốc đã được sử dụng chưa. Pepper sẽ nói chuyện với những bệnh nhân cao tuổi hàng ngày, hỏi han về gia đình họ nhằm kích thích trí nhớ. Dữ liệu thoại được gửi và đánh giá bởi người chăm sóc. Bệnh nhân và thân nhân sống ở nơi khác có thể gửi và nhận ảnh, tin nhắn thông qua máy tính bảng màn hình cảm ứng gắn trên robot.

Pepper được bán với giá 198.000 Yên (1.604 USD) tương đương một chiếc máy tính xách tay, máy ảnh cao cấp. Để tận dụng những ứng dụng, chức năng trên nền tảng đám mây khác, khách hàng phải ký hợp đồng dịch vụ giá xấp xỉ 25.000 Yên mỗi tháng trong hơn 3 năm cùng với phí bảo hiểm.

“Xét về mức giá, ban đầu có thể Pepper sẽ chủ yếu bán cho các tổ chức”, theo ông Takenobu Miki, cựu trợ lý của ông Son, hiện đang lãnh đạo công ty giáo dục trực tuyến Tryon. Công ty của Miki đã phát triển một ứng dụng giao tiếp tiếng Anh cho trẻ em, ứng dụng này sẽ được cài sẵn trên Pepper.

Vũ Khắc Thành

Cùng chuyên mục
XEM