Số phận trạm ISS rơi vào vòng xoáy trừng phạt Mỹ - Nga

28/02/2022 08:15 AM | Xã hội

Lệnh trừng phạt của Tổng thống Mỹ đối với cơ quan vũ trụ Nga được cho là có thể khiến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) rơi khỏi quỹ đạo, giáng xuống Mỹ hoặc châu Âu.

Theo bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/2, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine sẽ gồm cả cơ quan vũ trụ của Nga Roscosmos.

Đáp lại tuyên bố mới trên, người đứng đầu Roscosmos Dmitry Rogozin cùng ngày đã cảnh báo trên mạng xã hội Twitter rằng: "Nếu dừng hợp tác với chúng tôi, ai sẽ cứu ISS khỏi chệch quỹ đạo và rơi xuống Mỹ hay châu Âu?".

 Số phận trạm ISS rơi vào vòng xoáy trừng phạt Mỹ - Nga  - Ảnh 1.

Trạm vũ trụ quốc tế được điều hành chung bởi Mỹ, Nga, Cơ quan vũ trụ châu Âu, Nhật Bản và Canada. Ảnh: NASA

Lâu nay, ISS nằm ngoài tầm ảnh hưởng của những xung đột về địa chính trị. Nhưng giờ đây, điều đó đang bị đe dọa.

Theo trang Asia Times, được xây dựng và điều hành chung bởi Mỹ, Nga, châu Âu, Nhật Bản và Canada, ISS là minh chứng cho thấy các quốc gia có thể hợp tác trong những dự án lớn trong không gian. Trạm đã liên tục hoạt động trong hơn 20 năm và đã đón hơn 250 người đến từ 19 quốc gia.

Các bên đã đưa ra một số thỏa thuận để đảm bảo rằng trạm vũ trụ có thể hoạt động trơn tru khi được điều hành bởi 5 cơ quan vũ trụ khác nhau. Đối với phi hành đoàn hiện tại gồm hai người Nga, bốn người Mỹ và một người Đức, mọi thứ có thể trở nên đáng lo ngại khi tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Nga.

Tính đến ngày 24/2, chưa có bất kỳ báo cáo bất thường nào liên quan đến vấn đề hợp tác trên ISS, mặc dù Nga đang mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhưng động thái trên của Nga đã làm ISS một lần nữa rơi vào vòng xoáy địa chính trị, giống như thập niên 1990.

Cái được gọi là Trạm vũ trụ quốc tế lần đầu tiên được hình thành trên bảng vẽ của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vào đầu những năm 1980. Do chi phí tăng so với ước tính ban đầu, giới chức NASA đã mời các đối tác quốc tế từ Cơ quan vũ trụ châu Âu, Canada và Nhật Bản tham gia dự án.

Khi Liên Xô sụp đổ vào cuối Chiến tranh Lạnh vào đầu những năm 1990, chương trình vũ trụ của Nga rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng, thiếu kinh phí và phải điều chuyển nhiều kỹ sư và quan chức chương trình.

Để tận dụng kiến thức chuyên môn của Nga về các trạm vũ trụ và thúc đẩy hợp tác sau Chiến tranh Lạnh, nhà điều hành NASA vào thời điểm đó, Daniel Goldin, đã thuyết phục chính quyền Tổng thống Clinton đưa Nga vào dự án mang tên Trạm vũ trụ quốc tế.

 Số phận trạm ISS rơi vào vòng xoáy trừng phạt Mỹ - Nga  - Ảnh 2.
ISS được xây dựng từ nhiều mô-đun riêng lẻ và nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia hoặc cơ quan đã xây dựng chúng. Ảnh: NASA

Đến năm 1998, ngay trước khi phóng các mô-đun đầu tiên, Nga, Mỹ và các đối tác quốc tế khác của ISS đã nhất trí một loạt biên bản ghi nhớ, trong đó nêu rõ các quyết định quan trọng, cũng như việc mỗi quốc gia sẽ có quyền kiểm soát như thế nào đối với các phần của ISS.

Cơ quan điều hành hoạt động của trạm vũ trụ là Ban điều phối đa phương. Hội đồng này có đại diện của từng cơ quan vũ trụ liên quan đến ISS và do Mỹ làm chủ tịch. Hội đồng hoạt động dựa trên cơ sở đồng thuận trong việc đưa ra quyết định về nhiều vấn đề, ví dụ như quy tắc ứng xử cho các phi hành đoàn ISS.

Ngay cả giữa các đối tác quốc tế muốn làm việc cùng nhau, không phải lúc nào họ cũng có thể đạt được sự đồng thuận. Nếu điều này xảy ra, chủ tịch hội đồng quản trị có thể đưa ra quyết định về cách tiếp tục hoặc vấn đề có thể được giao cho người điều hành NASA và người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga, Roscosmos.

Trong khi hoạt động tổng thể của trạm được điều hành bởi Ban Điều phối Đa phương, việc phân chia mô-đun cũng là một vấn đề nan giải.

Trạm vũ trụ quốc tế cấu thành từ 16 phần do các quốc gia khác nhau xây dựng, bao gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Italy và Cơ quan vũ trụ châu Âu. Theo các thỏa thuận ISS, mỗi quốc gia duy trì quyền kiểm soát cách sử dụng các mô-đun của mình.

Như vậy, các mô-đun ISS được đối xử hợp pháp như thể chúng là phần mở rộng lãnh thổ của quốc gia sản xuất ra chúng. Mặc dù về mặt lý thuyết, tất cả phi hành đoàn trên tàu đều có thể tham gia và sử dụng bất kỳ mô-đun nào, nhưng cách chúng được sử dụng phải được sự chấp thuận của từng quốc gia.

Mặc dù, ISS đã hoạt động theo quy tắc này kể từ khi ra mắt hơn 20 năm trước, nhưng đã vẫn có một số tranh chấp xảy ra.

Khi Nga sáp nhập lãnh thổ Crimea của Ukraine vào năm 2014, Mỹ đã áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga. Do đó, các quan chức Nga thông báo rằng họ sẽ không hỗ trợ phóng phi hành gia Mỹ đến và đi từ ISS kể từ năm 2020.

Kể từ khi NASA ngừng hoạt động tàu con thoi vào năm 2011, Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào tên lửa vũ trụ của Nga để đưa các phi hành gia đến và đi từ ISS. Do vậy, mối đe dọa này có thể đồng nghĩa với việc chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của người Mỹ trên trạm vũ trụ.

Mặc dù Nga không thực thi lời đe dọa của họ và vẫn vận chuyển các phi hành gia Mỹ, nhưng mối đe dọa này cần được xem xét một cách nghiêm túc. Tình hình ngày nay khá khác. Mỹ đã dựa vào tên lửa SpaceX tư nhân để vận chuyển các phi hành gia đến và đi từ ISS. Điều này làm cho các mối đe dọa tiềm tàng của Nga ít có ý nghĩa hơn.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ nhằm làm suy giảm ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Nga, kể cả chương trình khám phá không gian của họ. Dòng tweet của Dmitry Rogozin, người đứng đầu Roscosmos, lý giải rằng các mô-đun của Nga là chìa khóa quan trọng để di chuyển trạm khi cần tránh rác vũ trụ hoặc điều chỉnh quỹ đạo.

Ông tiếp tục nói rằng Nga có thể từ chối di chuyển trạm khi cần thiết hoặc thậm chí để nó rơi vào Mỹ, châu Âu, Ấn Độ hoặc Trung Quốc.

Liệu chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ ảnh hưởng đến những năm còn lại của trạm vũ trụ như thế nào?

Vào tháng 12 năm 2021, Mỹ công bố ý định kéo dài thời gian hoạt động của ISS từ ngày kết thúc dự kiến là năm 2024 đến năm 2030. Hầu hết các đối tác của ISS bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch này, nhưng Nga cũng cần đồng ý để ISS hoạt động sau năm 2024. Nếu không có sự hỗ trợ của Nga, ISS cùng tất cả các thành tựu khoa học và hợp tác của nó có thể kết thúc sớm.

ISS đã từng là một ví dụ điển hình về cách các quốc gia có thể hợp tác với nhau mà không bị ảnh hưởng của chính trị. Tuy vậy, tình hình căng thẳng gia tăng trên trái đất hiện nay đang đe doạ đến tiềm năng hợp tác quốc tế trên không gian trong tương lai.

Theo Hoàng Trang

Cùng chuyên mục
XEM