Số phận "đất vàng"

04/08/2017 20:39 PM | Kinh doanh

Gần đây, giới đầu tư, cũng như người dân TP.HCM bàn luận sôi nổi về việc nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) được quy hoạch trở thành khu phức hợp thương mại, nhà ở. Ngay lập tức, "cò đất" thổi giá bất động sản quanh khu vực này lên mức "không tưởng".

Xét cho cùng, những thông tin quy hoạch kiểu như tại Bình Hưng Hòa, "cò đất" là thành phần hưởng lợi nhiều nhất, chỉ thiệt thòi đối với những ai nằm trong vùng quy hoạch vì chẳng biết khi nào dự án mới thành hiện thực.

Một số khu "đất vàng" trên địa bàn TP.HCM là những ví dụ điển hình. Giai đoạn 2007 - 2008, thành phố đã quy hoạch hơn 20 khu "đất vàng", kêu gọi nhà đầu tư chủ yếu thông qua cơ chế đấu thầu. Nhưng đến thời điểm này, những khu đất được đưa vào khai thác chỉ đếm được trên đầu ngón tay, cụ thể có khu Eden (nay là Trung tâm thương mại Union Square, quận 1), chợ Văn Thánh (nay là Pearl Plaza, quận Bình Thạnh).

Trong khi đó, khu tứ giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học, khu Mả Lạng (quận 1) vẫn chưa có động tĩnh, một phần vì vướng giải phóng mặt bằng, phần vì quá trình đấu thầu xảy ra nhiều vấn đề lình xình. Còn những khu như 164 Đồng Khởi (quận 1), từ năm 2009, dù đã có khoảng 70 nhà đầu tư "nhòm ngó” nhưng đến năm 2015, hai doanh nghiệp được chỉ định là Hongkong Land và Sumimoto & Development đã xin rút khỏi dự án.

Riêng dự án Lavenue Crown (góc đường Hai Bà Trưng - Lê Duẩn) vẫn nhiều năm bất động, dù trước đó, đơn vị phát triển đã không ít lần hứa hẹn "đưa vào hoạt động trong năm nay", nhưng chẳng chốt năm nào!

Nhức nhối nhất có thể kể đến là khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh), hơn 3.000 hộ dân ở đây phải sống chung với "quy hoạch treo" hơn 20 năm nay.

Còn nhớ, năm 2009, tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân TP.HCM cuối năm đó, vấn đề "quy hoạch treo" bán đảo Thanh Đa từng làm nóng nghị trường, những quyết tâm tháo gỡ đã được nhắc đến nhưng đến nay, thông tin về tập đoàn A, tập đoàn B được chỉ định làm nhà đầu tư vẫn râm ran nhưng "vùng đất vàng" này vẫn thế!

Gần đây, để tránh trường hợp dự án bị trì trệ nhiều năm liền do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đề xuất thành lập tổ chức phát triển quỹ đất đảm trách nhiệm vụ đền bù, giải tỏa.

Những doanh nghiệp nào có đủ tiềm lực sẽ tham gia đấu giá dự án phát triển sau đó, song song đó là thiết lập nên những điều khoản ràng buộc doanh nghiệp triển khai, nếu quá thời hạn, dự án sẽ bị thu hồi để giao cho nhà đầu tư khác.

Theo THIÊN YẾT

Cùng chuyên mục
XEM