"Ôm" nhiều khu đất vàng tại TP.HCM, vì sao tập đoàn Bitexco chưa triển khai?
Từ năm 2007, TP.HCM giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư thực hiện khu phức hợp hiện đại trên phần đất phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1). Tiếp đó đến năm 2010 TP.HCM giao tiếp khu bán đảo Thanh Đa cho Bitexco. ..Tuy nhiên, đến nay cả hai dự án này và một số dự án khác trên đất vàng của Bitexco đều có tiến độ triển khai khá chậm.
Khi nhắc đến cái tên Bitexco, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến tòa tháp hình búp sen Bitexco Financial Tower tại quận 1 đã và đang hoạt động rất thành công khi có sự góp mặt của nhiều công ty tài chính lớn trong và ngoài nước thuê văn phòng hoạt động tại đây.
Tuy nhiên, các dự án quy mô khá lớn còn lại đến nay vẫn chưa có tiến triển gì. Thứ nhất, khu tứ giác Bến Thành là một trong 20 ô phố được UBND Tp.HCM quy hoạch để kêu gọi nhà đầu tư từ năm 2007 và tập đoàn Bitexco đã tham gia thực hiện dự án The One (nay được đổi tên thành Spirit of Saigon), vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Tuy nhiên, được khởi công từ năm 2012, sau một giai đoạn thi công phần hầm, đến nay dự án bắt đầu "đứng im".
Khu đất vàng này có vị trí đối diện chợ Bến Thành qua vòng xoay Quách Thị Trang với diện tích 8.600m2, giáp với các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Lê Thị Hồng Gấm, Calmette, Phó Đức Chính. Về tính chất, đây sẽ là một khu phức hợp, bao gồm nhiều công trình có chức năng khác nhau như: văn phòng, thương mại – dịch vụ tài chính, căn hộ, bệnh viện, trường học, khu vui chơi giai trí có quy mô lớn và hiện đại ngang tầm khu vực Đông Nam Á.
Theo lý giải từ phía chủ đầu tư, với khu tứ giác Bến Thành, nếu quy hoạch thành một khu phức hợp với đầy đủ chức năng thì khả năng tái định cư tại chỗ cho người dân là rất khó. Do vậy, trong nhiều năm qua tiến độ triển khai dự án khá chậm, bắt nguồn từ việc đền bù giải tỏa và tái định cư kéo dài nhiều năm liền.
Năm 2007, Bitexco được giao đầu tư xây dựng khu đô thị Tứ giác Nguyễn Cư Trinh với điểm nhất là 3 tòa nhà cao tầng không thua gì dự án Spirit of Saigon nhằm thu hút giới tài chính hùng mạnh về đây. Dự án này sẽ được xây dựng trên khu đất có hành lang giao thông thuận tiện của 4 tuyến đường: Trần Đình Xu – Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh thuộc quận 1. Hiện Bitexco đã hoàn thiện các hồ sơ liên quan đến công tác đền bù cho dự án. Công ty vẫn còn đợi phương án đền bù từ Ban bồi thường quận 1. Do vậy, các giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ được triển khai khi các công tác bồi thường đã được thực hiện.
UBND thành phố HCM vừa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất lại các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Việc đề xuất lại các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của dự án dựa trên cơ sở giảm quy mô dân số của toàn khu tứ giác Mã Lạng, đảm bảo khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu vực.
Bên cạnh đó đề xuất quy hoạch tổng thể khu tứ giác Mã Lạng và định hướng phát triển quy hoạch không gian, hình khối kiến trúc, khoảng lùi xây dựng công trình so với lộ giới các tuyến đường và mặt dựng của các công trình tại ô phố này.
Được biết đây là dự án chỉnh trang đô thị quy mô lớn nhất của Quận 1 từ trước đến nay về cả diện tích lẫn số lượng nhà dân bị giải tỏa. Phương án đền bù lần 1 được tính toán vào năm 2009 lên đến khoảng 5.000 tỷ đồng. Đến nay số tiền đền bù tuy chưa được tính toán cụ thể nhưng khả năng sẽ rất lớn.
Một dự án "khủng" khác là khu đô thị Thanh Đa vừa được UBND TP.HCM có quyết định chính thức về việc giao tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Tổng diện tích triển khai dự án khoảng 426,93 ha bao gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, không tính phần diện tích mặt nước sông Sài Gòn. Tổng vốn đầu tư cho dự án này vào khoảng 30.700 tỉ đồng. Đây được xem là dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng thứ 2 của TP.HCM, nơi quy tụ hàng loạt tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới hoạt động tại những tòa cao ốc hiện đại.
Trước đó, Bitexco đã công bố thông tin sẽ hợp tác cùng Emaar Properties PJSC (Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất) cùng thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đối tác ngoại đã rút lui và Bitexco đang tiến hành làm việc với chính quyền địa phương lên phương án đền bù giải tòa, tái định cư...
Sáng 19/7, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan dẫn đầu tổ công tác đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch UBND TP giao tại quận Bình Thạnh. Báo cáo với đoàn làm việc, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh Võ Thị Phương Uyên cho biết dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án.
Theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ. Đại diện Sở Kế hoạch đầu tư cho biết TP.HCM đã có văn bản xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này.
Ngoài các dự án trên, phải kể tới dự án di dời bệnh viện đa khoa Sài Gòn cũ nằm tại số 125 Lê Lợi, cạnh vòng xuyến Bến Thành, ga metro Bến Thành. Dự án này được thành phố giao cho Bitexco phát triển một tổ hợp cao ốc văn phòng thương mại, khách sạn 5 sao trên khu đất 5.443m2, chiều cao tối đa 45 tầng.
Dự án này đã được thành phố chấp thuận chủ trương cho Bitexco làm chủ đầu tư theo hình thức BT từ 2007. Để đổi lấy khu đất, Bitexco phải dành 1ha ở khu Mã Lạng để xây bệnh viện đa khoa Sài Gòn mới.
Mới đây, theo giá tạm tính của thành phố khu đất 125 Lê Lợi có giá khoảng 1763 tỷ, như vậy để sở hữu khu đất này có khả năng Bitexco phải mua với giá hơn 326,4 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của bệnh viện mới khoảng 1.030 tỷ. Hiện tại Bệnh viện Sài Gòn vẫn hoạt động khám chữa và điều trị bệnh bình thường, một phần đất của bệnh viện được cho thuê lại để làm bãi giữ xe.