So găng chi phí sống của TP. Hồ Chí Minh với thành phố lớn khác trong khu vực: "Dễ chịu" hay "ngộp thở"?
Để sở hữu một căn nhà ở TP. Hồ Chí Minh, bình quân người dân phải bỏ ra 103.057 USD, trong khi đó, tại Bangkok là 106.383 USD hay tại Kuala Lumpur là 119.738 USD, theo số liệu đưa ra trong báo cáo Global Living 2019 của CBRE Group.
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực và có khả năng thu hút FDI rất lớn. Năm 2017, FDI đổ vào nền kinh tế hơn 90 triệu dân này là 36 tỷ USD, thiết lập một kỷ lục mới. Tăng trưởng GDP Việt Nam đã đạt trên 7% trong năm 2018.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh được xem là khu đô thị lớn nhất Việt Nam và là trung tâm kinh tế của cả nước. Thành phố này được ca ngợi như là một thung lũng Silicon châu Á vì có cơ sở hạ tầng, công nghệ, và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, thu hút các công ty trong và ngoài nước đổ dồn đầu tư.
Điều này khiến cho dân số và việc làm tăng nhanh dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng mạnh. Phần nào của nhu cầu đã được đáp ứng bởi thị trường chung cư, nổi lên một cách thành công trong những năm gần đây.
Dù kinh tế phát triển mạnh mẽ và nhu cầu của người dân cao nhưng giá cả ở TP. Hồ Chí Minh vẫn được đánh giá là mềm hơn các thành phố khác trong khu vực. Theo ghi nhận của CBRE, giá nhà trung bình của TP. Hồ Chí Minh khoảng 103.057 USD, xếp thứ 34/35 thành phố được ghi nhận, chỉ cao hơn Istanbul. Kuala Lumpua và Bangkok xếp ngay trên TP. Hồ Chí Minh với vị trí lần lượt là 32 và 33.
TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 25/35 thành phố về tăng giá nhà so với năm trước, ở mức 2%, thấp hơn Kuala Lumpua hiện ở mức 4,9% (xếp thứ 15), Bangkok là 4% (xếp 21). Trong khi đó Singapore chỉ tăng 1,1% (xếp thứ 27).
Ghi nhận của CBRE cho biết người Việt tốn khoảng 403.270 USD để sở hữu một căn nhà cao cấp. Trong khi tại Kuala Lumpur và Bangkok, chi phí lần lượt là 414.829 USD và 455.927 USD.
Về ăn uống, chi phí cho một bữa ăn 2 người tại nhà hàng tầm trung ở TP. Hồ Chí Minh là 17 USD. Trong khi đó, một bữa ăn tại Thâm Quyến hay Thượng Hải (Trung Quốc) với tiêu chí tương tự tốn lần lượt 22 – 29 USD, còn tại Bangkok chi phí này là 26 USD.
Ngoài ra, tại TP. Hồ Chí Minh, báo cáo còn ghi nhận giá vé 1 chiều cho giao thông khoảng 0,26 USD, trong khi đó tại Bắc Kinh đắt hơn 2 lần, khoảng 0,58 USD.